Thật phiền toái khi liên tục bị làm phiền bởi tin nhắn nhập học

26/08/2018 07:34
Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu thông tin bị bán không chỉ dừng lại ở gmail, số điện thoại mà ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi ở cũng sẽ bị lộ.

LTS: Chia sẻ về việc bản thân liên tục bị làm phiền bởi những tin nhắn rác cũng như bày tỏ lo lắng về việc các em học sinh có thể bị rò rỉ thông tin cá nhân, cô Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Từ ngày cho cô con gái mượn địa chỉ gmail ghi trong hồ sơ tuyển sinh đại học  thì gmail của tôi liên tục bị làm phiền bởi những tin báo rác.

Những tin nhắn đến từ một số trường đại học, cao đẳng thông báo việc con may mắn được xét cấp học bổng, được mời dự buổi tư vấn, hội thảo.

Họ còn gửi cả giấy báo trúng tuyển, thủ tục nhập học.

Một điều đặc biệt khó hiểu là những trường đại học, cao đẳng này lại không phải là những trường con tôi đã đăng kí vào học. 

Các vị phụ huynh cảm thấy khó chịu khi liên tục nhận được những tin nhắn rác (Ảnh minh họa: tienphong.vn).
Các vị phụ huynh cảm thấy khó chịu khi liên tục nhận được những tin nhắn rác (Ảnh minh họa: tienphong.vn).

Không chỉ gmail, điện thoại của tôi cũng liên tục nhận được những thông báo tương tự.

Một ngày, phải nhận hàng chục tin nhắn như thế gây nên cảm giác khó chịu và bực bội vô cùng. 

Mang chuyện này hỏi một số người có con thi vào đại học năm nay, họ xác nhận mình cũng trong tình trạng thường xuyên bị quấy nhiễu như vậy.

Câu hỏi được đặt ra là: “Vì sao những trường học này lại có địa chỉ cá nhân của nhiều thí sinh như vậy?”.

Trong khi những thông tin này, chúng tôi chỉ cung cấp cho ngành giáo dục mà đại diện là hội đồng tuyển sinh của trường trung học phổ thông nơi các em đang theo học.

Ai đã để thông tin cá nhân của thí sinh bị rò rỉ?

Lẽ nào đã có cuộc mua bán thương lượng ở đây?

Nếu thế, thông tin bị bán không chỉ dừng lại ở gmail, số điện thoại mà ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi ở cũng sẽ bị lộ.

Chuyện rò rỉ thông tin cá nhân không chỉ dừng lại ở việc chủ nhân bị làm phiền nữa. Một số người đã bị lợi dụng vì mắc bẫy lừa của nhiều cao thủ.

Thật phiền toái khi liên tục bị làm phiền bởi tin nhắn nhập học ảnh 2Cứ trả tiền là có thông tin cá nhân người khác thì còn gì quyền riêng tư nữa?

Cô C. giáo viên một trường tiểu học nói rằng, hôm ấy, mình nhận được cuộc điện thoại của một người lạ (nhưng tỏ ra khá am hiểu về cô):

“Chào cô C, chủ tịch công đoàn nhà trường. Chúng tôi đại diện cho công ty honda xin chúc mừng cô vừa may mắn trúng thưởng chiếc xe SH trị giá 65 triệu đồng. Đề nghị cô làm thủ tục để công ty trao nhận xe”.

Cô C. nói mình lẽ ra không tin nhưng cứ thắc mắc sao họ lại gọi đúng tên mình? Còn biết luôn cả công tác kiêm nhiệm tại trường. Thế là, cô đã bị lừa khi cả tin nộp 5 triệu đồng tiền phí ban đầu theo yêu cầu của họ”.

Một số giáo viên khác cũng từng bị một số công ty bất động sản gọi để mời chào bán nhà đất hay một số công ty bảo hiểm gọi xin tư vấn bảo hiểm.

Để lấy lòng tin, họ còn đọc đầy đủ tên gọi của nhiều thầy cô. Một số thầy cô cho biết, dù không muốn nghe nhưng cúp máy đột ngột cũng ngại. Bởi thế mất không ít thời gian cho những cuộc điện thoại không đâu.

Trở lại câu chuyện học sinh bị rò rỉ thông tin khi các em chỉ cung cấp thông tin cho ngành giáo dục, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ việc này, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức vi phạm tránh gây phiền phức, thiệt hại không đáng có cho học sinh và gia đình các em.

Phan Tuyết