LTS: Thực tế từ nhiều vụ việc xảy ra cho thấy Kiểm soát viên Quản lý thị trường thường hay có tâm lý biến hóa và ỷ thế quyền lực, nhân danh pháp luật và cơ quan có thẩm quyền, lợi dụng chức vụ và quyền hạn gây khó và làm thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên Cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định, đó là lỗ hổng về nhân cách và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm soát viên Quản lý thị trường, là sự kém hiểu biết và cố ý không thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ được quy định trong pháp luật đối với Kiểm soát viên Quản lý thị trường.
Mấy năm vừa qua đã có nhiều vụ việc lực lượng Quản lý thị trường bị phản ánh có tiêu cực, hành xử không đúng gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Theo ông, khi lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, doanh nghiệp cần chủ động làm những gì để bảo vệ uy tín thương hiệu sản phẩm cũng như uy tín của doanh nghiệp?
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng: Trước hết, cần nhận thức một điều: Kiểm tra, kiểm soát thị trường là nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại về điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng; đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng; giữ vững uy tín thương hiệu doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm truyền thống của doanh nghiệp.
Thứ hai, về nguyên tắc (tinh thần pháp luật) là người dân (cá nhân, tập thể) được quyền làm bất cứ những gì mà pháp luật không cấm. Nói như thế, không có nghĩa là doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, mà điều quan trọng trong thương mại là “sự trung thực”, đó là “bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh” theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp cần phối hợp, chấp hành yêu cầu kiểm tra của Quản lý thị trường (đúng quy định).
Thứ ba, cũng trên cơ sở nguyên tắc pháp luật, công chức và viên chức nhà nước (cơ quan công quyền) cụ thể là Kiểm soát viên Quản lý thị trường chỉ được làm những việc cụ thể mà pháp luật cho phép và nhân dân ủy quyền.
Vì thế, khi có quyết định kiểm tra, kiểm soát của cơ quan và người có thẩm quyền về Quản lý thị trường thì các chủ doanh nghiệp phải sáng suốt tự nhận rõ quyền và trách của doanh nghiệp bị kiểm tra và kiểm soát được quy định tại Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Nếu chủ doanh nghiệp nhận thấy việc kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường là không có căn cứ, chưa đúng quy định của pháp luật thì cương quyết từ chối việc kiểm tra, chủ động thể hiện ý kiến bằng văn bản gửi tới các cơ quan có thẩm quyền để giảm sát hành động của Quản lý thị trường.
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng. ảnh: khúc vỹ. |
Trong thời gian kiểm tra chưa rõ kết quả ra sao nhưng Quản lý thị trường đã tuồn tin ra ngoài theo chiều hướng doanh nghiệp có vi phạm, sau đó dù doanh nghiệp được xác định không vi phạm nhưng tin đồn đã lan ra khắp nơi. Thiệt hại này được xác định như thế nào, cá nhân tổ chức nào chịu trách nhiệm?
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng: Cần nói thẳng rằng đó là hành vi yếu kém về mặt đạo đức, dốt nát về mặt nghiệp vụ.
Những người này dựa vào vị thế công việc hoặc do lòng tham, bị lợi dụng và mua chuộc mà chấp nhận tham gia vào cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, họ cố ý và có chủ đích tuồn tin ra ngoài tùy tiện.
Trong trường hợp này, những công chức là Kiểm soát viên Quản lý thị trường đã vị phạm vào Khoản 4 Điều 5 về nguyên tắc hoạt động của Quản lý thị trường quy định trong Pháp lệnh Quản lý thị trường là “Bảo vệ bí mật nguồn thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra, thanh tra liên quan đến tổ chức, cá nhân được kiểm tra, thanh tra chuyên ngành”.
Cần phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc và loại ra khỏi lực lượng Quản lý thị trường.
Trong thời gian kiểm tra đã tuồn tin ra ngoài gây hiểu sai về chất lượng sản phẩm của hệ thống Con Cưng. ảnh: HL. |
Cụ thể hơn, theo Luật Bồi thường Nhà nước thì xác định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đơn vị và cán bộ Quản lý thị trường gây ra thiệt hại cho cá nhân và doanh nghiệp như thế nào, thưa ông?
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng: Trước hết, cần xác định thiệt hại về vật chất, tổn hại về tinh thần của doanh nghiệp và người hoạt động thương mại do người thi hành công vụ gây ra.
"Con Cưng" của... Bộ Công thương |
Thứ hai, chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu tổ chức Quản lý thị trường trực tiếp ở địa bàn; đội trưởng kiểm tra, kiểm soát Quản lý thị trường tiến hành thực hiện hoạt động kiểm tra và kiểm soát Quản lý thị trường... đã được quy định cụ thể.
Vì thế, người đứng đầu tùy theo tính chất và mức độ của hành khi cấp dưới, công chức (Kiểm soát viên) do mình quản lý và chỉ đạo có vi phạm quy định của pháp luật, phải chịu một hoặc nhiều hình thức trách nhiệm.
Đó là trách nhiệm về kỷ luật hành chính, trách nhiệm về dân sự, trách nhiệm về vật chất, về trách nhiệm hình sự... Chỉ như thế, mới nâng cao được ý thức trách nhiệm và uy tín của người đứng đầu quản lý và điều hành cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.
Xúc xích Vietfoods từng là nạn nhân của một số cán bộ Đội Quản lý thị trường Đội 14. ảnh: vov. |
Theo ông, cơ quan soạn thảo luật, cơ quan quản lý của Tổng Cục Quản lý thị trường và Chi cục Quản lý thị trường phải làm những gì để ngăn chặn triệt để tình trạng lạm quyền, gây thiệt hại cho doanh nghiệp?
Luật sư Hoàng Nguyên Hồng: Vấn đề không phải là thiếu quy định của pháp luật về Quản lý thị trường. Điều quan trọng là thiếu quy định cụ thể về con người quản lý và quản lý con người. Đây là vấn đề cơ bản và quyết định.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Vì thế, Bộ Công thương cần ngay lập tức chỉ đạo xây dựng bộ quy tắc đạo đức Kiểm soát viên Quản lý thị trường thống nhất trong lực lượng từ trên xuống dưới.
Từng Kiểm soát viên Quản lý thị trường bắt buộc phải nhận thức đầy đủ và thấm nhuần Quy tắc đạo đức kiểm soát viên Quản lý thị trường khi thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm về kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.
Trên cơ sở Quy tắc đạo đức Kiểm soát viên Quản lý thị trường; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Quản lý thị trường, những việc công chức Quản lý thị trường không được làm (Điều 11 Pháp lệnh quản lý thị trường) và Luật Bồi thường thiệt hại, sẽ từng bước hạn chế được những cá nhân vì mục đích, động cơ và mưu cầu lợi ích cá nhân cố tình tiết lộ bí mật kiểm tra, kiểm soát như vừa qua.
Đồng thời, xác định chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đoàn (đội, tổ) thanh tra, kiểm tra và kiểm soát phải cùng Kiểm soát viên Quản lý thị trường (khi có vi phạm) chịu trách nhiệm thiệt hại về vật chất và tổn thất về tinh thần trong việc bồi thường đối với doanh nghiệp và người kinh doanh bị thiệt hại.
Thứ ba, thực hiện xây, phòng trước và hậu kiểm sau. Như thế, sẽ hạn chế và kiểm soát được sự lạm quyền, gây khó khăn của lực lương kiểm soát viên đối với doanh nghiệp và người hoạt động thương mại. Bởi vậy, cần quy định bổ sung và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường.
Từ cơ quan và lực lượng chuyên trách về hậu kiểm (kiểm tra, kiểm soát Quản lý thị trường) thêm chức năng và nhiệm vụ (song song kiểm tra, kiểm soát) là hướng dẫn điều kiện và tiêu chuẩn (tiền kiểm) về sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật, đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và hoạt động thương mại.
Tổ chức Quản lý thị trường chỉ tiến hành kiểm tra, kiểm soát (hậu kiểm) khi thực sự có dấu hiệu vi phạm các quy định về điều kiện và tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thương mại.