Thần và Đạo

03/09/2018 06:09
Xuân Dương
(GDVN) - Sự đa dạng trong tự nhiên cũng hàm chứa sự bất công mà con người cứ ngây thơ cho rằng tạo hóa vốn công bằng.

Có một điều bất công kỳ lạ là trong Kinh Thánh, Kinh Phật cổ, Kinh Coran, trong các truyền thuyết lưu truyền khắp Á, Âu, người đứng đầu các đạo, các đấng tối cao, các thiên thần, thiên sứ đều là nam giới hoặc hiện thân trong hình hài nam giới.

Trong thần thoại Hy Lạp, chúa tể các vị thần là thần Zeus; Trong thần thoại La Mã, chúa tể các vị thần là Jupiter;

Trong các tôn giáo, Phật tổ Như Lai, Chúa Jesu (Jesus Christ), Thánh Ala (Allah),… tất cả đều là nam nhân.

Các vị thần tối cao trong tín ngưỡng phương Tây không phải đều là hiện thân của công lý và sự trong sáng, điều này có vẻ ngược với tín ngưỡng phương Đông.

Để chống lại sự xâm lăng của các Đại Khổng Lồ (Gigantos) - theo lời tiên tri của nữ thần Số Mệnh - chỉ có thể dựa vào sức mạnh của một người trần.

Thần Zeus đã không ngại thực hiện một việc phi đạo đức là xuống trần gian “giả dạng chồng của Alcmene để ái ân với cô ấy.

Cái đêm Zeus ái ân với Alcmene dài gấp ba đêm bình thường, bởi Zeus đã ra lệnh cho thần Mặt Trời không được mọc như hàng ngày”. [1]

Ảnh mang tính chất minh họa: Youtube.com
Ảnh mang tính chất minh họa: Youtube.com

Để trừng phạt Promete, vị thần đã lấy cắp lửa từ cỗ xe của thần mặt trời mang xuống cho con người, Zeus ra lệnh lấy xích sắt xiềng Promete vào sườn núi, hàng ngày còn sai một con diều đến rỉa thịt, ăn gan.

Vì là thần bất tử nên các vết thương trên người Promete đến tối lại lành.

Khi Định mệnh buộc Zeus phải tha Promete, Zeus vẫn không nguôi giận bèn sai lấy một mảnh đá và mẩu xích đã xiềng Promete đánh thành chiếc nhẫn bắt Promete phải đèo trên ngón tay như biểu tượng của sự xiềng xích suốt đời.

Không ít người ngày nay khoe chiếc nhẫn đính đá quý trên ngón tay mà đâu có biết họ đang tự xiềng xích mình như kẻ phạm tội trong con mắt thần thánh.

Một trong 12 vị thần cai quản đỉnh Olympus mà Người Hy Lạp cổ tưởng tượng ra là Hermes, vị nam thần phụ trách công việc thông tin truyền thông trong nội bộ các vị thần cũng như giữa thế giới thần với thế giới trân tục.

Thần và Đạo ảnh 2Nô lệ của mặt trời, khu vườn thượng uyển thơm ngát hương và rộn tiếng chim

Không hiểu vì lý do gì người Hy Lạp cổ lại gắn thêm cho vị thần này này “nghề tay trái” là thương nghiệp và … trộm cắp. [1]

Loài người ở phương Tây không tạo nên một khuôn mẫu tuyệt hảo cho bất kỳ ai dù đó là Chúa tể các vị thần (người phương Đông gọi là Thượng đế), ở đó các thần cũng như người trần, cũng tham lam, ghen ghét, tỵ nạnh, trụy lạc và lừa dối lẫn nhau.

Những thói xấu mà loài người có thì thần linh cũng có, nó là kết quả “lây nhiễm” từ nhân gian tới thiên đình hay do thần linh gieo rắc xuống trần gian?

Phải chăng không thần tượng hóa chính là cội nguồn của sáng tạo, và phải chăng nhờ thế ở nơi mặt trời lặn, người ta nhận thấy ánh sáng rõ hơn nơi mặt trời mọc?

Xem thế đủ thấy dù tôn giáo là nơi con người gửi gắm niềm tin, dù các đạo luôn nhấn mạnh sự bác ái, công bằng, luôn đề cao cái thiện song chứa đựng đầy rẫy nghịch lý, không bao giờ thiếu sự bất công, bên trọng, bên khinh.

Ngay chính tại thiên đàng, văn minh, bình đẳng cũng chỉ là thứ hư ảo, chẳng bao giờ hiện hữu.

Vậy con người đặt hết niềm tin vào đó là do ngờ nghệch, bị cưỡng bức hay đơn giản chỉ là cần một cái gì đó để tin bởi họ đang sống trong một xã hội đầy rẫy dối trá?

Điều kỳ lạ mà không hề phi lý trong mô tả “nghề nghiệp” của thần truyền tin Hermes, ấy là “thương nghiệp” và “trộm cắp” là bạn đồng hành.

Phải chăng vì thế nên nhân loại ngày nay mới chứng kiến những kẻ giàu có bằng kinh doanh, chẳng kẻ nào không lũng đoạn giới chính trị và truyền thông, chỉ cần dúi cái phong bì là có ngay dự án.

Trang gotquestions.org trong bài: “Are angels male or female?” (Thiên thần là nam hay nữ?) viết:

“Trong nhiều chỗ thiên sứ xuất hiện trong Kinh Thánh, chưa bao giờ một thiên sứ được nhắc đến là "chị/cô/bà/nàng" (she) hay "nó" (it).

Hơn nữa, khi các thiên sứ xuất hiện, họ luôn được ăn mặc như những người nam (Sáng Thế Ký 18:2, 16; Ê-xê-chi-ên 9:2).

Không có thiên sứ nào từng xuất hiện trong Kinh Thánh đã ăn mặc như một người nữ”. [2]

Thần và Đạo ảnh 3Mặt trời, Thần chết và Trí tuệ

Người Việt, người Trung Quốc, dân chúng Á đông dựng tượng Đức Quán thế âm Bồ tát trong hình hài nữ nhân.

Đấy là tưởng tượng sai lệch sự hiện thân của ngài, còn “mười phương chư Phật không hề có nữ thân”. [3]

Mục “Hỏi - Đáp” trên trang Phatgiao.org.vn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam viết:

“Cũng trong kinh Bi Hoa, đức Phật luôn luôn gọi đức Quan Thế Âm Bồ Tát là "Thiện-nam-tử" tốt! Vậy đức Quan Thế Âm Bồ Tát không thể nào là nữ nhân được”. [3]

Ngược với loài người, các loài côn trùng sống bầy đàn với tổ chức mang tính xã hội cao không kém loài người như ong, kiến, mối,… vị trí đầu đàn luôn là con cái.

Những sinh vật đơn bào, thực vật, động vật và con người, tất cả đều được sinh ra trong sự đa dạng, có loài thông minh, có loài ngu đần, có loài vòng đời chỉ tính bằng giờ, có loài sống hàng nghìn năm, có loài chỉ nhìn thấy dưới kính hiển vi, có loài to như con tàu,…

Sự đa dạng trong tự nhiên cũng hàm chứa sự bất công mà con người cứ ngây thơ cho rằng tạo hóa vốn công bằng.

Loài người xem sự đa dạng ấy là bình thường, có ai đó muốn tìm hiểu thì cuối cùng cũng đánh lắc đầu bởi “trời sinh ra thế”.

Từ chỗ xem là bình thường đến chấp nhận sự bất bình đẳng mà không hỏi tại sao, không tìm hiểu cội nguồn vì sao tự nhiên lại bất công như vậy, con người đang tiến tới văn minh hay vẫn giậm chân nơi hoang dã?

Nhiều người mơ ước có được đôi cánh như thiên thần để bay vào vũ trụ, sống dưới vầng hào quang của Đức Quyền năng tuyệt đối.

Vũ trụ làm gì có không khí, một khi không có không khí, cánh vỗ vào đâu?

Nếu không có cánh, thiên thần giống người phàm hay vẫn là một loài đẳng cấp siêu việt chẳng may mắc kẹt ở trái đất?

Một khi mắc kẹt ở trái đất, cuộc đời thiên thần chẳng qua cũng chỉ là những vòng dạo buồn chán quanh mặt trời.

Thần và Đạo ảnh 4Màu… trí tuệ

Đặc quyền biết bay sẽ mai một theo năm tháng và rồi cả thiên thần lẫn đám dân khờ khạo đều chung một câu “Trời ơi”.

Thượng giới hay trung giới chỉ là bầu trời lúc xanh, lúc xám trong con mắt trần tục, có ai nhìn thấy thượng giới bảy sắc cầu vồng?

Thế sao nhiều người cứ muốn từ bỏ hạ giới đề đi vào chốn vô hình chưa một lần nhìn thấy?

Nói con người là chủ trái đất thực ra không chính xác, những người giàu chiếm 1% dân số thế giới nhưng sở hữu 82% tổng của cải được tạo ra trong năm 2017, trong khi đó 3,7 tỉ người, tức là một nửa dân số lại là những người nghèo khổ, thậm chí sống dưới mức nghèo khổ.

Chỉ một dúm người giàu có, quyền lực mới có thể muốn làm gì thì làm, số còn lại, bị bao bọc bởi nghĩa vụ, bởi tôn giáo, bởi pháp luật, bởi miệng lưỡi người đời chẳng khác gì con tằm trong kén, nhả tơ để hy vọng mọc ra đôi cánh nhưng hầu hết đều bị luộc chín trong nồi.

Trong khi ở đâu đó những khẩu hiệu khuyến khích làm giàu được truyền bá suốt ngày thì cũng không ít lời cảnh tỉnh:

“Sự bùng nổ về số lượng tỉ phú không phải là dấu hiệu của một nền kinh tế phát triển mà là triệu chứng của một hệ thống kinh tế thất bại”. [1]

Một trong những người giàu nhất thế giới, tỷ phú Bill Gates đã nói thẳng:

“Cuộc sống vốn không công bằng - Hãy tập quen dần với điều đó”.

"Đùa trí tuệ”"Đùa trí tuệ”

Khi đâu đó trên hành tinh này vẫn có những con người buộc phải sống như chị Dậu, Chí Phèo, khi những kẻ giàu có đã không ngại bộc lộ mặt trái nhưng thật của xã hội loài người về cái gọi là công bằng thì hoặc là người ta buộc phải “tập quen dần với điều đó” hoặc là viển vông để sống tiếp.

Không công bằng là hiện tượng xã hội nhưng lại tuân theo quy luật tự nhiên có phải là nghịch lý?

Những người giàu có và không thiếu kẻ chim chuột mang tiền đi làm từ thiện có phải là họ đang hướng tới sự công bằng hay phần lớn chỉ là chiêu trò nhằm trấn an chính họ chứ không phải người được ban ơn?

Điều bất hạnh cho nhân loại là một nhóm nhỏ người và quốc gia cấu kết với nhau chia sẻ cả trái đất chứ không chỉ nguồn nước hay khoáng sản.

Bản thân lời kêu gọi xây dựng một trật tự thế giới mới mà nhiều chính khách, nhà nghiên cứu phát ra đã cho thấy nhân loại đang sống trong một trật tự không công bằng.

Và có phải vì thế, những kẻ thành công chính là những kẻ biết gieo vào tâm tưởng số còn lại sự viển vông, biết vẽ nên một thiên đường nơi hạ giới mà người thông minh thì ngây thơ tin tưởng, kẻ ngu dại thì mơ ước rồi sẽ đến lượt mình bắt gặp.

Khi nhu cầu tin vào cái gì đó trở thành bản năng, thất vọng vào cái nhìn thấy tất yếu sẽ khiến người ta tin vào cái vô hình và vì thế triệu triệu người vẫn mong có đôi cánh thiên thần để bay vào hư vô dù ở đó đôi cánh trở nên vô dụng.

Thông minh hay ngờ nghệch cũng đều gặp không ít khó khăn khi đối diện với vô số điều mà đúng - sai không có ranh giới, tiêu chí phân biệt.

Một nhà thơ đã nói chí lý rằng “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”, chấp nhận một chuỗi hữu hạn thất bại để thành công là cần thiết và vì thế đã là con người phải biết “yêu sự thất bại”.

Tuy nhiên “yêu” mãi, chấp nhận mãi mà vẫn không thấy thành công thì cái giá của nó không chỉ là vô vọng mà còn là sự phí phạm cuộc đời mà tạo hóa ban cho.

Vẫn biết cuộc sống với bất kỳ ai cũng đều không dễ dàng, ngồi trên đỉnh cao quyền lực hay sống trong nhung lụa chung quy đều là nô lệ của cái mà chính mình đang sở hữu.

Thế nên thần hay đạo, thực tại hay hư vô cũng chỉ giúp cho con người tồn tại mấy chục năm trên cõi đời, chưa có thứ gì khiến con người bất tử.

Có chăng chỉ có một thứ có thể bất tử, đó là trí tuệ.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%B0%E1%BB%9Di_hai_v%E1%BB%8B_th%E1%BA%A7n_tr%C3%AAn_%C4%91%E1%BB%89nh_Olympus

[2] https://www.gotquestions.org/angels-male-female.html

[3] http://phatgiao.org.vn/hoi-dap/201307/duc-Quan-The-am-Bo-Tat-la-nam-hay-nu-11431/

Xuân Dương