Vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng trong đổi mới giáo dục

28/08/2018 18:20
Bài và ảnh: Nguyễn Phương Thanh
(GDVN) - Hoạt động này nhằm tạo những bước chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới...

Ngày 25/8/2018, gần 200 giáo viên Trường Trung học cơ sở Giảng Võ và một số giáo viên toán của các trường trung học cơ sở quận Ba Đình (Hà Nội) đã tham gia buổi bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên Trung học cơ sở.

Hoạt động này nhằm tạo những bước chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến sẽ triển khai ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2020-2021.

Trong thời gian qua, nhiều tờ báo có uy tín đều có chung nhận định rằng hơn 10 năm qua, khi xã hội được công nghệ hóa, tự động hóa với tốc độ chóng mặt thì hầu hết giáo dục ở các nước phát triển cũng như đang phát triển không có thay đổi gì nhiều.

Ở Việt Nam, mặc dù cải cách và đổi mới là những từ được nhắc đến nhiều trong  giáo dục, tuy nhiên, học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn chưa thể tự tin sánh vai với bạn bè quốc tế trong thế giới phẳng này.

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giúp cho giáo dục Việt Nam bắt kịp yêu cầu của thời đại mới ra sao?

Các thầy cô giáo cần thay đổi như thế nào để có thể giúp trang bị cho học sinh của thế kỉ 21 những năng lực cần thiết cho chính mình và cho xã hội?  

Nhằm giúp giải tỏa những thắc mắc đó, Giáo sư Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có một buổi tọa đàm cùng các thầy cô giáo của Trường Trung học cơ sở Giảng Võ vào ngày 25/8/2018.

Chỉ qua hai buổi học, bằng một lối nói chuyện rành mạch, khúc triết, hóm hỉnh mà vô cùng sâu sắc, giáo sư đã chia sẻ với các thầy cô giáo sự kì vọng của những người thiết kế chương trình giáo dục phố thông mới.

Theo đó, nội dung của chương trình mới tập trung vào tính tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo.

Hơn hết, chương trình mới sẽ cố gắng tối đa trong việc hỗ trợ cho các giáo viên thực hiện một chương trình giáo dục nhân văn nhằm phát triển nhân cách người học, không phải bằng những bài học đạo đức giáo điều, khô khan mà bằng cách truyền tải nhẹ nhàng, uyển chuyển thấm đẫm trong từng bộ môn.

Cũng theo Giáo sư Đỗ Đức Thái, 21% tổng thời lượng chương trình sẽ được thiết kế dành cho các nội dung ứng dụng, các dạng bài tập lắt léo, phục vụ thi cử sẽ bị loại bỏ.

Chương trình Toán học mới sẽ gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu.

Điều này cho phép khắc phục hạn chế của lối dạy và học Toán hiện nay nặng về truyền thụ ứng thí, khiến môn học nặng nề.

Nhờ vậy, học sinh sẽ được phát triển năng lực tổ chức và quản lý hoạt động, năng lực tự nhận thức và tích cực hóa bản thân; giúp các em bước đầu xác định được năng lực, sở trường nhằm định hướng và lựa chọn nghề nghiệp.

Đây cũng là cách tạo dựng một số năng lực cơ bản cho người lao động, cũng là cách tạo nên những công dân năng động, có trách nhiệm cho đất nước trong tương lai.

Cần có thầy giỏi để có những trò giỏi, nhưng hơn hết, cần có những thầy cô giáo tận tâm, có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục để cùng chung sức, chung lòng bồi dưỡng tri thức và năng lực cho một thế hệ học sinh Việt Nam tự tin, chủ động, sáng tạo, thích ứng được những yêu cầu của thời đại mới.

Qua buổi trò chuyện đầy tâm huyết của Giáo sư Đỗ Đức Thái, các thầy cô giáo của Trường Trung học cơ sở Giảng Võ càng có ý thức rõ hơn về sự cần thiết của đổi mới cũng như hiểu rõ hơn nữa về vai trò quan trọng của người giáo viên trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hôm nay.

Bài và ảnh: Nguyễn Phương Thanh