LTS: Cho rằng, buổi lễ khai giảng cũng “đồng phục”, tác giả Nam Phương đã có bài viết chỉ ra nguyên căn của vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Ngày 5/9 là ngày khai giảng năm học mới. Vào đúng giờ khắc ấy trên cùng một địa bàn, hàng trăm trường học các cấp đều nhất loạt diễn ra chung một hoạt động của buổi lễ khai giảng.
Chỉ cần dự lễ ở một trường, chúng ta cũng có thể hình dung ra những trường học khác cũng đang diễn ra những hoạt động y chang như thế.
Có gì lạ không?
Có người không tin đã từng thốt lên “lễ khai giảng mà cũng “đồng phục” hay sao? Thế thì khó hiểu lắm. Thế nhưng sự thật vẫn là như vậy.
Đây chỉ là một trong những “căn bệnh đồng phục” phổ biến trong ngành giáo dục hiện nay.
Buổi lễ khai giảng năm học mới (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn). |
Cấp trên thích chỉ đạo
Có người ngoài ngành thắc mắc “tùy tình hình thực tế của từng trường mà hiệu trưởng có thể tổ chức lễ khai giảng sao cho hợp lý. Vậy cớ làm sao trường A cũng phải khai giảng y chang trường B?
Họ đâu có biết rằng, trường A không khai giảng giống y chang trường B chắc chắn sẽ bị gán vào tội “làm sai quy chế chỉ đạo chuyên môn”. Tội này trong ngành giáo dục có thể nói là rất nặng.
Ai có thể làm trái khi gần đến ngày khai giảng, trường học nào cũng nhận được công văn chỉ đạo từ Phòng giáo dục. Mà phòng thì nhận công văn chỉ đạo từ Sở giáo dục.
Công văn quy định khá tỉ mỉ từ những việc sẽ phải làm trong buổi lễ như (phần Lễ và phần Hội) thì những việc được coi là nhỏ nhất cũng buộc phải tuân theo.
Ví như công văn quy định rõ từ cách đón tiếp đại biểu: Nơi đón tiếp đại biểu phải trang trọng, tổ chức thành đoàn đi vào sân lễ, tổ chức học sinh đón tiếp đại biểu từ phòng khách đến sân lễ.
Việc đón học sinh đầu cấp (từng lớp bố trí đội hình đi đều bước ngang lễ đài …) đến văn nghệ chào mừng, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu rồi chào cờ (toàn trường hát Quốc ca)…sau đó, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng đọc diễn văn khai giảng (ngắn gọn).
Tiếp đến đánh trống khai giảng (3 hồi và 9 tiếng). Sau đó đến phát biểu của lãnh đạo, của hội phụ huynh, của học sinh đầu cấp. Cuối cùng là khen thưởng hoặc phát học bổng (nếu có)…
Cấp dưới nhất nhất tuân theo
Cấp trên chỉ đạo chi tiết những công việc làm trong buổi lễ khai giảng. Cấp dưới chỉ dám vâng mệnh nào dám làm sai.
Thế là các trường cứ răm rắp làm theo tinh thần chỉ đạo của công văn mà không trường học nào dám bức phá để làm khác.
Vậy nên năm nào cũng y chang như năm ấy. Đến hẹn lại lên, công văn chỉ đạo năm trước cấp trên chỉ việc lấy ra sửa lại ngày tháng và gửi đi là xong. Cấp dưới cũng chỉ việc chờ đợi để làm theo sự chỉ đạo.
Còn giáo viên, dù chẳng cần đọc công văn hướng dẫn cho buổi lễ khai giảng thì hầu như ai cũng có thể đọc vanh vách những hoạt động buổi lễ ấy gồm những mục gì.
Kêu gọi trường học cần đổi mới nhưng cấp trên lại luôn nắm quyền chỉ đạo từ những việc nhỏ nhất.
Để rồi trường học nào cũng không dám tự mình làm khác mà luôn thụ động trông chờ ý kiến của cấp trên.
Việc làm này không tránh khỏi sự rập khuôn, y chang nhau hết năm này qua năm khác.
Điều này không chỉ gây nên sự nhàm chán mà còn làm thui chột ý chí muốn sáng tạo của các trường.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã từng có bài phát biểu trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về căn “bệnh đồng phục”.
Ông cho rằng căn bệnh này có lẽ bắt nguồn từ nếp sống nhất nhất tuân phục lệnh trên, nhất nhất tung hô “những lời vàng ngọc” của người trên trong thời phong kiến.
Cũng cần nói thêm rằng, nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương vẫn đang thích quản lý trường học theo kiểu cầm tay chỉ việc. Và vì thế “bệnh đồng phục” sẽ khó bị xóa bỏ.