Sau năm 2020, các trường trung học phổ thông ở Sài Gòn được tự chủ nhân sự

29/08/2018 11:39
Phương Linh
(GDVN) - Dự kiến, sau năm 2020, các trường trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được phép tự chủ nhân sự.

Trong báo cáo tổng kết năm học 2017 – 2018, triển khai hoạt động năm học 2018 – 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ giai đoạn năm 2017 – 2020, thành phố sẽ phân cấp tuyển dụng giáo viên đối với các trường chuyên, năng khiếu và 24 trường trung học phổ thông.

Dự kiến, sau năm 2020, toàn bộ các trường trung học phổ thông sẽ được tự chủ hoàn toàn về mặt nhân sự.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ngay trong năm học sắp tới đây, Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa sẽ bắt đầu được phép tự chủ tuyển dụng giáo viên, nhân viên.

Sau đó, sẽ có tiếp 7 trường có mô hình lớp chuyên, trường tiên tiến như: Trường Lê Quý Đôn, Nguyễn Thượng Hiền, Gia Định, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hữu Huân được phân cấp thực hiện việc này.

Sau năm 2020, các trường trung học phổ thông dự kiến sẽ được tự chủ tuyển giáo viên (ảnh minh họa: P.L)
Sau năm 2020, các trường trung học phổ thông dự kiến sẽ được tự chủ tuyển giáo viên (ảnh minh họa: P.L)

Tiến tới trong tương lai gần, những trường nào có đủ điều kiện và sau đó là toàn bộ 100% các trường trung học phổ thông trên địa bàn sẽ được áp dụng việc này.

Khi được lấy ý kiến về vấn đề này, các Hiệu trưởng trường trung học phổ thông đều đồng tình với quyết định của Sở. Vì là người đứng đầu đơn vị trường học, họ sẽ biết cần tuyển giáo viên có năng lực, phẩm chất như thế nào để phù hợp với năng lực học sinh, hoạt động giáo dục của nhà trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị các Hiệu trưởng, cần thực hiện việc đặt quyền lợi của nhà trường lên đầu tiên, tránh việc tuyển dụng không hợp lý vì mối quan hệ, thì Hiệu trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm, nhận hậu quả.

Để đảm bảo tính công bằng, công khai và minh bạch, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành giám sát, kiểm tra toàn bộ các hồ sơ của ứng viên trúng tuyển, trước khi các trường ký kết hợp đồng lao động.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các trường sẽ chủ động kinh phí Nhà nước giao hiệu quả hơn, chủ động nguồn tài sản, nhân lực để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu.

Khó khăn lớn nhất trong việc tự chủ nhân sự trong trường học hiện là một số chức danh cần thiết trong nhà trường, như giáo viên tâm lý…lại chưa được quy định trong biên chế việc làm, nên chưa được tuyển dụng.

Năm nay cũng là năm học đầu tiên, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện việc tuyển dụng giáo viên không cần hộ khẩu trên địa bàn, nên đã thu hút được rất nhiều các ứng viên giỏi từ các tỉnh, thành phố khác đăng ký.

Phương Linh