Việt Nam nghiên cứu phát triển nhiều loại vắc xin phòng bệnh cho người

29/08/2018 14:37
Trúc Diệp
(GDVN) - Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc xin, trong đó có 8 loại được sử dụng vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Ngày 28/8/2018, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ đồng tổ chức Hội thảo “Triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cho người ở Việt Nam”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Thanh Long cho biết: Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc triển khai các lợi thế về nhân lực, tài nguyên, điều kiện tự nhiên của đất nước.

Chương trình sản phẩm quốc gia đã phê duyệt 11 nhiệm vụ trong đó tập trung nghiên cứu, sản xuất phát triển vắc xin. Thời gian qua, vắc xin đã phát huy hiệu quả giúp làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật; thanh toán được nhiều bệnh.

Hiện, Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc xin và có 8 vắc xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được lựa chọn sản xuất vắc xin cho đại dịch cúm trên toàn cầu.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo. ảnh: moh.gov.vn
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo. ảnh: moh.gov.vn

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu phát triển nhiều loại vắc xin khác nhau để phòng bệnh cho người, đồng thời gửi lời cảm ơn tới Bộ Khoa học Công nghệ trong thời gian qua đã luôn tạo điều kiện và đồng hành cùng các chương trình nghiên cứu sản xuất vắc xin.

Theo ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế): Năm 2013, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người" gồm 12 dự án khoa học và công nghệ và 7 dự án đầu tư.

Trong giai đoạn năm 2017-2018 chương trình có 9 dự án (với 11 nhiệm vụ) khoa học công nghệ đang triển khai thực hiện do 5 đơn vị nghiên cứu, sản xuất và kiểm định vắc xin chủ trì.

Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh lực nghiên cứu, sản xuất vắc xin, song với sự tâm huyết, nhiệt tình của các nhà khoa học, nhà quản lý và các đơn vị chủ trì dự án đến nay, các dự án trong Chương trình đã đạt được một số kết quả kết quả khả quan.

Đặc biệt là có 1 nhiệm vụ (Hoàn thiện quy trình sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp do Viện vắc xin và sinh phẩm y tế chủ trì) đã được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Theo kế hoạch, đến tháng 12/2018 sẽ có thêm 3 nhiệm vụ được nghiệm thu.

Các sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 20/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII) là đến năm 2025 có 12 loại vắc xin và đến năm 2030 có 14 loại vắc xin được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe báo cáo về kết quả triển khai dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc xin bại liệt bất hoạt” và đề xuất những nhiệm vụ khoa học và công nghệ mới của POLYVAC;

Kết quả triển khai dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc xin viêm não Nhật Bản trên tế bào Vero” và đề xuất những nhiệm vụ khoa học công nghệ mới của VABIOTECH; cũng như kết quả triển khai Dự án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc xin cúm mùa” và “Nghiên cứu sản xuất vắc xin phối hợp 5 trong 1 (bạch hầu, uốn ván, ho gà toàn tế bào, viêm gan B và Hib cộng hợp) và đề xuất những nhiệm vụ khoa học và công nghệ mới của IVAC và tình hình triển khai dự án “Nghiên cứu, sản xuất 1 số loại vắc xin mẫu chuẩn quốc gia dùng cho kiểm định vắc xin trong chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người”.

Hội thảo được tổ chức nhằm rà soát, đánh giá lại toàn bộ quá trình triển khai thực hiện đề án khung của chương trình phát triển sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người; đồng thời đề ra giải pháp, phương hướng trong thời gian tới để Việt Nam có thể chủ động, đảm bảo an toàn vắc xin.

Trúc Diệp