Em nhỏ Nậm Mười khiến Hoa hậu thảng thốt nói “giá như…”

28/10/2011 11:51
Nguyễn Thị Loan
(GDVN) - Trở về từ hành trình mang bữa cơm có thịt giúp đỡ học sinh Nậm Mười, tôi không thể nào quên hình ảnh một cô bé….
LTS: Trong bài viết cảm nhận về hành trình mang bữa cơm có thịt giúp đỡ học sinh Nậm Mười Yên Bái của Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan có đoạn: “Trước em bé mầm non đó, tôi đã ước rằng, giá như có thể được quay ngược dòng thời gian, giá như được biết rõ hoàn cảnh các em bản Nậm Mười hơn từ trước, nhất định tôi sẽ tìm cách liên hệ với các doanh nghiệp thuốc để mang được chúng về đây cho các em…”. Báo Giáo dục VN xin đăng tải những dòng cảm nhận hết sức xúc động của Nguyễn Thị Loan về chuyến đi vùng cao Nậm Mười ngày 23/10. 

Có lẽ, tôi sẽ không nói về cô bé lớp mẫu giáo lầm lì ít nói đó ngay ra đây, mà muốn kể trước về niềm vui của chuyến đi. Tại sao tôi lại nói niềm vui, bởi đơn giản, tôi cảm thấy bản thân làm được những điều có ích. Làm điều tốt - dù là rất nhỏ, ai cũng sẽ vui phải không?

Để vào được Nậm Mười, đoàn công tác phải đi xe máy mất gần 20 km đường núi. Đó là những con đường nhỏ, lổn nhổn đất đá và chắc chắn “chống chỉ định” với những người yếu tay lái như tôi.

Trên đường đi, hỏi chuyện một thầy giáo tôi mới biết, đã từ lâu lắm rồi, chắc khoảng hơn 1 năm mới có đoàn từ thiện đông như vậy tới thăm Nậm Mười (đoàn chúng tôi gần 40 người), nên các em học sinh, thầy cô ở đây háo hức, vui mừng lắm. 
Nguyễn Thị Loan đã chuẩn bị rất nhiều vòng tay, dây buộc tóc để phát cho các em học sinh vùng cao. Ảnh: Văn Trinh.
Nguyễn Thị Loan đã chuẩn bị rất nhiều vòng tay, dây buộc tóc để phát cho các em học sinh vùng cao. Ảnh: Văn Trinh.
Đến trường THCS Nậm Mười lúc trời chập choạng tối, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là cảnh các em học sinh ngồi đợi đoàn thẳng hàng tăm tắp dưới nền đất sân trường. Những cô bé, cậu bé mặt mũi lấm lem, lúc nào cũng thấy e dè trước người lạ.

Nhìn các em mặc trên người những bộ quần áo đã đổi màu và quá nhàu nát, tôi cảm thấy thực sự xót xa! Trò chuyện với các em, tôi biết rằng, các em đều ước mơ được học hành, trang bị các kiến thức để sau này bớt khổ vậy mà con chữ đến được với các em gian nan quá.

- Em tên gì? - tôi hỏi một em nhỏ.

- Bàn Ton Diến ạ.

- Em học lớp mấy?

- Lớp 8 ạ!

- Ước mơ sau này của em là gì?


- Em muốn làm giáo viên.

- Tại sao lại thích làm giáo viên?

Vì… được dạy học sinh ạ! Ở đây nhiều bạn thích làm giáo viên lắm.

- Trong nhà em, cái gì là quý nhất?

- Cái tivi ạ. Nhưng cuối tuần em về mới được xem. Mà bố em cũng chẳng cho xem nhiều đâu. Bảo là tốn điện lắm!

Tôi cũng từng tham gia một số chuyến đi từ thiện lên vùng cao thì thấy có thể nơi đây, cơ sở vật chất nhà trường tốt hơn một chút. Nhưng điều đó không có nghĩa cuộc sống đồng bào khấm khá, mà cơ sở vật chất đó là do nhà nước xây dựng, đầu tư. Còn cuộc sống của học sinh thầy trò Nậm Mười vẫn luôn như thế: Khó khăn, khổ cực, vất vả.

Điều này thể hiện ngay bằng con số mà thầy hiệu trưởng trường THCS nói với tôi: 650đ cho một bữa ăn/1 học sinh và 10 nghìn đồng là số tiền ăn mà các em phải đóng hàng tuần. Ít ỏi thế, nhưng tuần nào cũng chỉ có vài chục em có tiền để đóng (trường có 171 học sinh nhà xa, phải ăn ở trường). 10 nghìn - đủ ngồi uống 5 cốc trà đá cổng trường nơi tôi học bằng cả tuần ăn của các em!
Em học sinh Lý Thị Còi mà Hoa hậu biển nhắc đến trong dòng tâm sự của mình. Ảnh: Văn Trinh.
Em học sinh Lý Thị Còi mà Hoa hậu biển nhắc đến trong dòng tâm sự của mình. Ảnh: Văn Trinh.
Tôi đã không kìm nén khỏi xúc động khi trò chuyện với 1 bé gái lớp 6 xinh xắn, có nụ cười rất tươi. Cô bé tên Lý Thị Còi.

- Em có thiếu nhiều sách vở không?


- Thiếu nhiều ạ.

- Có thích đi học không?


- Em có!

- Mùa đông sắp tới rồi, em có áo ấm mặc không?


- Em chưa có!

- Thế lạnh quá thì làm thế nào?


- Em mặc độn nhiều áo với ăn vỏ quế là ấm lên ngay!

- Khi nào bố mẹ mua áo đẹp cho em?


- Không có tiền thì không mua đâu. À, 1 năm em được mua áo đẹp 1 lần vào dịp tết.

- Lúc nữa, sẽ có rất nhiều quần áo đẹp mang tặng các em. Nhưng hơi cũ rồi, có thích không!


- Thích chứ! Cũ cũng thích.

- Em mơ ước làm gì?


- Em thích làm bác sỹ. Ngày xưa ông em ốm chẳng có ai chữa nên đã mất rồi!

Tới giờ cơm tối, tôi có dịp tận mắt vào xem các em dùng bữa ra sao. Trong khu nhà ăn, bầy biện trên bàn là một chậu cơm lớn, một đĩa rau rừng (thấy các em gọi là rau Dớn), một âu canh, tất cả phần ăn đó dành cho 6 người. Tôi thấy tắc nghẹn nơi cổ họng.

Đảo mắt nhìn quanh, tôi nhìn thấy Bàn Ton Diến (em nhỏ mà tôi từng trò chuyện) đang say sưa ăn với các bạn. Bàn Ton Diến còn mang thêm một đĩa muối dầm ớt để ăn. Em bảo, quen rồi, mùa đông nhiều bạn ăn muối ớt để giữ ấm.

Nhìn các em dùng bữa, tôi nghĩ tới câu nói của một người bạn: “Sở dĩ trẻ em miền núi không thông minh phát triển bằng miền xuôi vì các em làm gì có sữa, có thịt cá để ăn đâu”. Thấm thía, xót xa quá! 
Các em học sinh chuẩn bị bát đũa trước giờ ăn.
Các em học sinh chuẩn bị bát đũa trước giờ ăn.
Các em học sinh và Nguyễn Thị Loan "tay trong tay" vui đêm lửa trại. Ảnh: Văn Trinh.
Các em học sinh và Nguyễn Thị Loan "tay trong tay"  vui đêm lửa trại. Ảnh: Văn Trinh.
Trong chuyến đi Nậm Mười, nếu ai đó hỏi tôi cảm giác thế nào? Tôi sẽ không nói là buồn, bởi tôi thấy niềm vui nhiều hơn. Điều tôi cảm nhận được, tôi sẽ biến nó thành hành động thiết thực sau này. Còn vui, bởi tôi thấy mình đã đóng góp một chút gì đó và nụ cười rạng rỡ trên môi các em. Có lẽ, tôi sẽ không bao giờ quên, không khí thật rộn ràng của các em học sinh, thầy cô và đồng bào Nậm Mười trong tiếng nhạc, tiếng hát mạnh mẽ của chị Thái Thùy Linh.

Chính sự sôi nổi của các em đã xua đi cái giá rét của buổi đêm vùng cao, xua đi trong tôi cái suy nghĩ ảm đạm khi phải chứng kiến cuộc sống khắc nghiệt nơi đây. Ngọn lửa cháy bập bùng, nóng ran, tiếng nhạc rộn rã, tiếng reo hò, nhảy nhót đầy phấn khích như hòa quyện lại thành ăm ắp niềm vui. Mọi người như được xích lại gần nhau hơn, cùng nắm tay trong một vòng tròn lớn. Lửa cháy thật ấm, nhưng lửa yêu thương trong lòng còn ấm áp hơn gấp nhiều lần!

Và, bây giờ tôi sẽ nói về em nhỏ mầm non đã ám ảnh tôi từ khi trở về Hà Nội. Đó là một cô bé lớp mẫu giáo ít nói quẩn quanh nơi tôi đứng.

Sẽ không có gì quá đặc biệt, nếu như trong đoàn không có một người vô tình ôm vào bụng em - một cảm giác cô bé ăn no tới mức bụng tròn đầy, căng cứng. Lúc đầu chỉ nghĩ là em ấy ham ăn nên no quá! Nhưng theo một số anh chị đã đi thực tế nhiều, tôi được biết là trong bụng em ấy lúc này đang có… rất nhiều giun. 

“Giá như” - đó là 2 từ tôi không bao giờ nói, bởi tôi không phải là người thích nhìn về quá khứ để than vãn, để hối tiếc. Nhưng, trước em bé mầm non đó, tôi đã ước rằng, giá như có thể được quay ngược dòng thời gian, giá như được biết rõ hoàn cảnh các em bản Nậm Mười hơn từ trước, nhất định tôi sẽ tìm cách liên hệ với các doanh nghiệp thuốc để mang được chúng về đây cho các em!

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn


Nguyễn Thị Loan