Trong số 79 giáo viên trúng tuyển kỳ thi tuyển giáo viên năm học 2018-2019 của Đà Nẵng thì có đến 25 người đến từ các địa phương khác như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Nghệ An…
Cơ hội lựa chọn
Cô giáo Huỳnh Thị Bảo Trâm (sinh năm 1995, quê ở thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ, sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành Sư phạm Toán của Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng, cô tham gia kỳ thi tuyển giáo viên của Đà Nẵng.
Giáo viên được lựa chọn nhiệm sở tùy theo điểm số của mình. Ảnh: TT |
Nếu như các địa phương khác, tuyển giáo viên phải đòi hỏi hộ khẩu hay giấy tạm trú tại địa phương thì ngành giáo dục Đà Nẵng không quá khắt khe vấn đề này. Miễn là ứng viên tốt nghiệp đại học loại giỏi thì đều được trao cơ hội bước lên bục giảng.
“Theo quan điểm của em thì kỳ thi tuyển này rất khách quan, công bằng. Mọi người được chứng tỏ khả năng và thể hiện qua điểm số của từng phần thi. Dù là thí sinh ngoại tỉnh nhưng em vẫn được xếp hạng cao và có nhiều cơ hội để chọn trường mình thích về dạy”, Trâm chia sẻ.
Băn khoăn giữa việc nên chọn trường trung học phổ thông Tôn Thất Tùng (Sơn Trà) hay trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (Hải Châu), Trâm nói phương án cho giáo viên lựa chọn nhiệm sở này có nhiều thuận lợi.
79 giáo viên trúng tuyển được lựa chọn trường để dạy |
Giáo viên có thể chọn trường phù hợp với địa bàn mình trú ngụ, việc đi lại cũng dễ dàng hơn vì đã thông thuộc đường sá.
Ngoài ra, qua tìm hiểu từ bạn bè, đồng nghiệp, Trâm dễ dàng chọn lựa ngôi trường quen thuộc để khỏi bỡ ngỡ, lạ lẫm trong những ngày đầu về trường.
“Phương án này cũng tạo cơ hội cho giáo viên có điểm số cao được lựa chọn các trường có chất lượng cao, thành tích tốt”, Trâm nói thêm.
Cùng tốt nghiệp ngành sư phạm Toán, cô giáo Hoàng Thị Phương (sinh năm 1995) đến từ Quảng Bình cũng đắn đo trong việc lựa chọn trường để dạy học.
Cầm tờ giới thiệu về các trường trên địa bàn đang cần tuyển do sở giáo dục Đà Nẵng phát, Phương nói: “Phương án này có nhiều thuận lợi cho các bạn ở địa phương vì các bạn đó sẽ lựa chọn về các trường gần nhà. Hay chọn về các trường mà ngày trước đã theo học.
Còn những giáo viên ngoại tỉnh như tụi em thì cũng rất khó để lựa chọn trường. Những trường mình dự định chọn thì lại không nằm trong danh sách các trường cần giáo viên lần này”, Phương cho hay.
Tránh "chạy chọt" vào trường tốt
Cũng theo Phương thì đây vẫn là phương án mới, hạn chế được việc chạy chọt trong ngành giáo dục.
Sau khi hoàn thành việc lựa chọn nhiệm sở, giáo viên sẽ đối chiếu các thủ tục liên quan để làm hồ sơ về trường. Ảnh: TT |
Bởi như trước đây thì cứ sau mỗi kỳ thi tuyển giáo viên, người ta lại nhờ vả, chạy chọt để xin về các trường tốt, trường điểm, trường gần trung tâm…
“Ở đây không ai có thể can thiệp việc chọn trường vì còn căn cứ vào điểm số thi để lựa chọn. Những bạn đạt điểm cao thì có quyền chọn trường tốt, còn những bạn điểm số thấp hơn thì cơ hội lựa chọn ít hơn. Theo em như vậy là công bằng và khách quan”.
Đồng quan điểm trên, một giáo viên khác là bạn Trương Văn Lân (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cũng bày tỏ đồng tình với phương án mà sở giáo dục Đà Nẵng đưa ra.
7 kiến nghị về kỳ thi quốc gia của giáo dục Đà Nẵng |
“Việc cho giáo viên lựa chọn nhiệm sở sẽ trao cơ hội cho các giáo viên mới ra trường được về dạy tại những ngôi trường mà mình thấy thích hợp.
Sau khi tìm hiểu đầy đủ các thông tin về ngôi trường đó thì giáo viên đưa ra quyết định lựa chọn, không có sức ép hay áp lực gì cả.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, đây là lần đầu tiên địa phương này thực hiện việc cho giáo viên tự lựa chọn nhiệm sở.
“Việc cho giáo viên tự chọn trường sẽ ngăn chặn được cơ chế xin – cho, không công bằng trong giáo dục. Cũng như tình trạng chạy chọt, gửi gắm con em ở trường này, trường kia.
Không chỉ tạo sự thoải mái, cơ hội lựa chọn cho giáo viên mà phương này cũng giảm bớt áp lực cho sở trong việc phân công giáo viên”, ông Vĩnh nói.