Những câu chuyện bây giờ mới kể về xe buýt

27/10/2011 13:41
Theo PLXH
 Việc người dân không muốn đi xe buýt vì sợ trộm cắp hoặc lái, phụ xe phục vụ không thân thiện...cũng chỉ xếp sau lo sợ là xe bỏ điểm và phải chờ lâu...
Khi mới nhậm chức một thời gian ngắn, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã chọn cho mình công việc khó khăn để "thử tay nghề" là chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội.

"Quân bài" trong tay Bộ trưởng để thực thi việc này là những chiếc xe buýt, kèm theo đó sẽ là "lệnh" cấm ô tô, xe máy ở một số tuyến phố chính trong giờ cao điểm. Chống ùn tắc giao thông thì người dân đương nhiên sẽ vỗ tay rồi, nhưng "cách chống" liệu có "ổn" không? Phóng viên báo PL&XH đã "nhảy" xe buýt ghi nhận những thực tế đang diễn ra.

Những câu chuyện bây giờ mới kể về xe buýt ảnh 1

Giờ cao điểm xe buýt luôn quá tải


Theo kết quả điều tra xã hội học, việc người dân không muốn đi xe buýt vì sợ trộm cắp hoặc lái, phụ xe phục vụ không thân thiện, thậm chí bắt hành khách… quì cũng chỉ xếp sau lo sợ là xe bỏ điểm và phải chờ lâu.

Phải nói ngay một điều, dù ở Hà Nội 20 năm rồi nhưng chưa một lần tôi đi xe buýt. "Ấn tượng" về xe buýt trong tôi là hình ảnh xe xả khói đen mù mịt đường rồi lái xe phầm phầm "tạt té" khiến những người đi xe máy trên đường phanh dúi dụi, bởi vậy không ai bảo ai nhưng đều tự nhủ một điều: Đi trên đường để an toàn tốt nhất tránh xa "ông" xe buýt.

Quãng đường từ nhà đến cơ quan ở số 1B, Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội thông thường đi xe máy mà không bị tắc đường sẽ mất chừng 25 phút. Thực tình, tôi cũng muốn hưởng ứng lời "kêu gọi" của Bộ trưởng là cán bộ công nhân viên đi xe buýt, còn xe máy cho "đắp chiếu" coi như lưu giữ kỷ niệm thời… tắc đường. Vì vậy phải khảo sát thời gian đi xe buýt đến cơ quan hết bao lâu.

Cuộc hành trình trên xe buýt của tôi và anh bạn đồng nghiệp bắt đầu vào hồi 7g30 sáng ngày 14-10-2011. Từ nhà tôi ở ngõ 68 Cầu Giấy đi ra điểm đỗ xe buýt gần nhất bên cạnh khách sạn Cầu Giấy chừng 600m. Hai anh em cuốc bộ mất 10 phút rồi nhập vào những người đang mỏi mắt ngóng xe.

Sở dĩ chúng tôi chọn thời gian này là nghĩ sẽ tránh được tắc đường và mới biết chính xác thời gian đến cơ quan đi bằng xe buýt hết bao nhiêu. Chiếc xe số 16 lao qua bỏ điểm đỗ, mấy người đứng đợi lẩm bẩm phàn nàn kiểu tự sự: Không phải giờ cao điểm mà cũng bỏ rơi người ta. Hỏi em Thu Minh, sinh viên trường Đại học Thương Mại, nhận được câu trả lời: Có khi em đứng đường gần tiếng đồng hồ, nhìn thấy rồi mà các anh ấy chả thèm vào, bực lắm. Vài phút sau, xe 28 cũng lao đi không thèm ngó ngàng gì đến mấy người đang nhấp nhổm định nhào ra. Với những ai đi xe buýt "chuyên nghiệp" việc lái xe bỏ điểm đỗ là  "bình thường như chuyện “đi làm thì phải ra đường”", chả có gì phải kêu ngoắng lên cả.

Ở điểm đỗ này không có xe buýt đi Hà Đông nên chúng tôi phải bắt xe đi bến xe Mỹ Đình. 8g chúng tôi lên xe BKS 29N - 8354 của xí nghiệp xe buýt Thăng Long, sau 20 phút chờ xe và 13 phút đi chúng tôi có mặt ở bến xe Mỹ Đình lúc 8g13 phút.

Sau vài phút loanh quanh, chúng tôi lên xe buýt BKS 29T 01.46… của HTX Vận tải Tín Lợi để đi Hà Đông. Đây là xe đi Tế Tiêu với giá 20.000 đồng/khách, còn đi Hà Đông mất 5000 đồng. Sau 30 phút ngồi chờ, 8g45 xe chạy, trên xe có chừng hơn 20 người.

Bác tài béo trục béo tròn, chắc vừa làm vại bia nên mặt mũi hồng hào lắm, và có lẽ vì "nóng trong người" nên cũng chả ngại ngần phanh áo đồng phục để "khoe" chiếc may ô màu cháo lòng cho mát. Xe vừa rời khỏi bến Mỹ Đình, điện thoại của bác tài đổ chuông, một tay cầm vô lăng, một tay đưa điện thoại lên tai, bác tài buôn chuyện chừng 7 phút trong dòng xe cộ ken dày.

Xe rẽ vào đường Nguyễn Trãi, nơi có làn đường dành riêng cho xe buýt, chạy đến công trình treo biển Cty COMA 18 đang thi công thì dừng lại. Phụ xe nhảy xuống, một hành khách giải thích đây là nơi các tài xế bắt và "bán" khách. Tôi và anh bạn đồng nghiệp bước xuống xe thấy phụ xe đang "dòng" một cô gái lên xe, nhưng cô gái kiên quyết không lên. Sau chừng 5 phút không bắt thêm được khách nào xe mới tiếp tục hành trình.
Chúng tôi xuống điểm đỗ xe buýt gần cổng cơ quan, kim đồng hồ chỉ 9g10 phút. Vậy là quãng đường từ nhà tôi đến cơ quan chừng 10 km, đi xe máy mất chừng 25 phút, xe buýt cả chờ, cả đi bộ, cả thời gian xe chạy mất 1 giờ 40 phút. Nếu không được phân công đi viết bài, tháng này cầm chắc thi đua loại “xê”.

Bởi vậy, dù yêu Bộ trưởng lắm, ủng hộ chủ trương chống ùn tắc giao thông bằng cách đi xe buýt lắm, nhưng mất nhiều thời gian thế này thì cũng đành lòng mà cưỡi xe máy đi làm thôi. Đấy là chưa kể đến việc nếu đi làm bằng xe buýt thì ai đưa đón con đến trường, chả lẽ lại thuê xe ôm? Mấy bác tài lương bổng thế nào, có chịu sức ép gì không mà để các em đứng đường ngong ngóng nhưng cứ lạnh lùng phi xe vút qua bỏ điểm đỗ dù không ít bàn tay giơ ra vẫy "anh ơi, vào đi". Có lẽ cũng phải "bắt cóc" một bác để hỏi cho ra nhẽ.

Theo thăm dò ý kiến của độc giả báo Dân trí; trong số hơn 47.200 độc giả tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt, có tới 93% độc giả cho rằng, khối xe buýt còn nhiều yếu kém, bất cập và thiếu "thân thiện" với người dân, trong khi chỉ 4% độc giả đánh giá, khối xe buýt đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.


Mời bạn đọc tham gia ý kiến về những câu chuyện xung quanh vấn đề đi xe buýt...

Còn nữa...


Theo PLXH