Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều giáo viên hợp đồng đang công tác tại tỉnh Hải Dương về việc đang mỏi mòn chờ quyết định của cấp trên có ký tiếp hợp đồng với họ hay không?
Trong khi đó, năm học mới 2018-2019 chuẩn bị khai giảng, các giáo viên này vẫn chưa nhận được tín hiệu tích cực cho tương lai của mình.
Bỏ nghề đi làm công nhân, bán hàng trên mạng
Từ ngày 31/5/2018, tỉnh Hải Dương đã dừng chi trả tiền lương đối với toàn bộ giáo viên hợp đồng vượt định mức biên chế.
Việc này đã khiến hơn 1.200 giáo viên hợp đồng trong tỉnh hoang mang, lo lắng về tương lai bởi, họ không biết Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương có điều chỉnh và ký tiếp hợp đồng hay không?
Trong khi đó, hơn 3 tháng qua, nhiều giáo viên đã chấp nhận xin việc tại các công ty tư nhân, bán quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng…trên mạng xã hội để có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Chị Đ.T.M (giáo viên ở huyện Kim Thành, Hải Dương) với bản hợp đồng lao động trên tay, đang lo lắng về tương lai của mình. (Ảnh: Lã Tiến) |
Chị Đ.T.M (sinh năm 1988, ở huyện Kim Thành) có gần 8 năm gắn bó với bục giảng, được Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương ký hợp đồng cơ hữu từ năm 2011.
Đến năm 2016, khi hiệu trưởng cũ về hưu, hiệu trưởng mới tiếp quản cho rằng theo quy định, hợp đồng cơ hữu của chị không còn giá trị.
Vì thế, theo chỉ đạo của cấp trên, nhà trường đã ký lại hợp đồng với chị M. với thời hạn 1 năm, hệ số lương bậc 2.
Đến tháng 5/2018, cùng với 9 giáo viên hợp đồng của trường bị dừng trả lương, chị M. buồn rầu ở nhà chờ cấp trên sắp xếp công việc.
Đang từ lao động chính trong nhà, giờ thành thất nghiệp, chị M. không cam chịu đã mở một “shop online” trên mạng xã hội để kiếm sống.
“Năm học mới đã bắt đầu, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời mình có đi làm tiếp hay không?
Hỏi lãnh đạo trường thì nhận được câu trả lời là trường đã lập danh sách xin nhưng phải chờ phê duyệt. Vậy không biết chúng tôi phải chờ đến bao giờ ?”, chị M. vừa nói vừa lau nước mắt.
Ông Đỗ Duy Hưng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho biết, trên địa bàn tỉnh có 1.212 giáo viên hợp đồng bị tạm dừng lương từ 31/5/2018. Qua rà soát đến hết tháng 8/2018, số giáo viên hợp đồng còn 1.108 giáo viên, do một số cô đã bỏ việc.
Cùng cảnh ngộ chị M., nhiều giáo viên dạy Địa lý, Lịch sử trên địa bàn huyện Kim Thành còn chấp nhận ở nhà mở quán bán hàng nước, xin vào làm công ty giày da, công ty may…, với hi vọng sớm được trường gọi đi dạy lại.
Chỉ 2 ngày sau khi bị dừng trả lương, chị V.T.L (giáo viên dạy Toán ở huyện Kim Thành) đã xin vào công ty sản xuất giày da tại quốc lộ 5, thuộc địa bàn huyện Kim Thành.
Nhà trường, chứ đâu phải cái chợ, thưa ông Giám đốc Sở Giáo dục Hải Dương |
Theo chị L., gia đình chị có 2 con nhỏ, chồng đi làm thợ xây lương ba cọc ba đồng. Vợ chồng chị còn phải chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng.
“Trước còn làm giáo viên, với đồng lương ít ỏi, vợ chồng tôi chắt bóp, chi tiêu dè sẻn mới tạm đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Giờ đi làm công nhân, tuy có vất vả từ sáng đến tối mịt, thu nhập có khá hơn lương giáo viên, có lẽ tôi cũng tính đến chuyện bỏ nghề”, chị L. chia sẻ.
Không chỉ chị M., chị L., hàng trăm giáo viên trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã chấp nhận bỏ nghề dạy học để đi làm công nhân, hoặc tìm kế mưu sinh khác để có thu nhập trang trải cuộc sống.
Cất bằng khen vào tủ để…tìm việc khác
Chứng kiến cảnh các cô giáo phải dậy từ sáng sớm, mặc quần áo kín cổ, bịt khẩu trang tới các công ty giày da, công ty may mặc làm việc, chúng tôi không khỏi xót xa cho thân phận của những giáo viên hợp đồng ở tỉnh Hải Dương.
Càng xót xa hơn, khi tìm hiểu, nghe các cô giáo chia sẻ về những thành tích đạt được trong quá trình công tác và gắn bó hết lòng với ngôi trường thân yêu.
Trước ngày nghỉ lễ 2/9 vừa qua, chị T.B.H (giáo viên trên địa bàn huyện Thanh Hà, Hải Dương) đã đưa ra quyết định dừng lại sự nghiệp giảng dạy để tiếp tục một công việc mới.
Chị T.B.H (giáo viên ở huyện Thanh Hà, Hải Dương) cất bằng khen vào tủ để xin việc khác. (Ảnh: Lã Tiến) |
Trước đó, chị đã suy nghĩ rất nhiều, tham khảo nhiều ý kiến của đồng nghiệp, của người thân về tương lai, số phận giáo viên hợp đồng như chị.
Không ai có thể ngờ, chị lại đem những tấm bằng khen do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương trao tặng để lau chùi sạch sẽ, sau đó cất vào tủ kính.
Đó cũng là lúc chị H. tuyên bố với gia đình và các đồng nghiệp là chị quyết định dừng lại sự nghiệp giảng dạy để đi xin một công việc phù hợp hơn, có điều kiện trang trải cuộc sống.
Chia sẻ với phóng viên, chị H. ngậm ngùi cho biết, hơn 10 năm gắn bó với mái trường với bao mồ hôi và nước mắt. Giờ dừng lại đây và tiếp tục một sự nghiệp mới là điều rất khó.
“Cả một sự nghiệp dạy học với bao đam mê, nhiệt huyết và yêu thương dồn nén lại, tôi bước đi mà lòng nặng trĩu nỗi buồn”, chị H. nói.
Đau xót hơn, nhiều giáo viên hợp đồng tại tỉnh Hải Dương còn là giáo viên dạy giỏi, được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi cũng đang phân vân tìm hướng đi mới.
Chị Đ.T.M được Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi (Ảnh: Lã Tiến) |
Đơn cử như trường hợp chị Đ.T.M (giáo viên dạy Văn ở huyện Kim Thành) được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi môn Ngữ Văn, năm học 2012-2013.
Chị M. công tác tại một trường cấp 3 trên địa bàn huyện Kim Thành đến nay được gần 8 năm. Suốt thời gian gắn bó, chị luôn được đánh giá là giáo viên giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đồng nghiệp, học trò quý mến.
Nhưng, thân phận giáo viên hợp đồng giờ đây đang khiến chị không khỏi lo lắng, mòn mỏi chờ đợi quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương, mà không biết chờ đến bao giờ.
Vừa khoe giấy chứng nhận dạy giỏi với chúng tôi, chị M. cũng không kìm được nướt mắt. Chị chia sẻ: “Mấy tháng nghỉ ở nhà, em đã nhiều lần mang tấm giấy này (giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi – PV) ra xem.
Nhiều lúc nghĩ, cứ chờ đợi có thể tỉnh Hải Dương sẽ có cơ chế, chế độ đãi ngộ phù hợp với những giáo viên như em.
Cả nghìn giáo viên bị nợ lương, Hải Dương thuê bên ngoài vào dạy làm gì? |
Bước vào năm học mới rồi, em vẫn còn yêu nghề, yêu mái trường và quý học sinh lắm. Em cũng chưa nghĩ đến sẽ phải cất những thành tích đạt được như chị H. để đi tìm việc mới”, chị M. nói.
Giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, vì thế, việc hơn 1.200 giáo viên hợp đồng ở Hải Dương đang sống lay lắt, mỏi mòn chờ quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh để được công tác là một vấn đề lớn.
Do đó, sự việc rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương để đưa ra giải pháp khẩn cấp, giúp các giáo viên yên tâm công tác.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về việc này.