LTS: Đưa ra câu trả lời cho câu hỏi "Vì sao Bình Thuận không áp dụng theo tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục", cô Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa vào thí điểm từ năm 1986.
Được biết, mục đích ban đầu của tài liệu này chỉ để hỗ trợ cách đánh vần cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số và một số học sinh có khó khăn trong việc ghép âm, đánh vần.
Thế nhưng không hiểu tại sao đến thời điểm này, đã có tới 49 tỉnh thành trên toàn quốc áp dụng.
Đã có một số giáo viên dạy chương trình này lên tiếng phản đối, có không ít phụ huynh bất bình vì chính mình không thể dạy con.
Sách Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại (Ảnh minh họa: Q.Q/ vietnammoi.vn) |
Đúng như chia sẻ của “cha đẻ” bộ sách chỉ giáo viên mới dạy được nên học sinh chỉ cần học ở trường về nhà không phải học.
Không chỉ cách đánh vần lạ mà ý nghĩa của nhiều từ ngữ trong sách không phù hợp với lứa tuổi tiểu học.
Đặc biệt nội dung một số câu chuyện không mang tính giáo dục, gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển đạo đức, trí tuệ và hình thành nhân cách của trẻ.
Rất may, tỉnh Bình Thuận là một trong số ít những tỉnh thành nói không với chương trình thí điểm của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Trả lời câu hỏi “nguyên nhân nào tỉnh Bình Thuận không áp dụng chương trình này vào giảng dạy?”, bà Nguyễn Thị Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Học sinh lớp 1 của tỉnh từ trước đến nay được học theo sách tiếng Việt của chương trình sách giáo khoa hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai.
Từ đó đến nay, chất lượng học tập của học sinh trong tỉnh luôn ổn định và đạt hiệu quả. Vì thế, không có lý do gì để áp dụng thí điểm thêm một chương trình khác.