Nên ra tòa để quan chức được bảo vệ nguồn gốc tài sản của họ

07/09/2018 06:42
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc.

Theo ông, việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên.

Bản dự thảo mới nhất luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) trình ra hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ngày 6/9, nêu 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm của cán bộ mà không giải trình được nguồn gốc là xem xét giải quyết tại toà án và phương án đánh thuế.

Theo đó, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.

Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh ủng hộ phương án đưa ra Tòa án để xem xét tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc. (Ảnh: báo Đất Việt)
Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh ủng hộ phương án đưa ra Tòa án để xem xét tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc. (Ảnh: báo Đất Việt)

Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp quyết định người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) bày tỏ sự ủng hộ với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.

Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh phân tích, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là dùng tiền mặt. Nên rất khó trong vấn đề truy nguồn gốc tiền từ đâu ra.

Các giao dịch ngầm, hối lộ cũng vì thế rất khó phát hiện nếu người đưa không tố, người nhận không khai.

Thậm chí, một số vụ án đã được xét xử, các bị cáo khai là mang valy đô la để đưa nếu không bị phát hiện thì cũng chẳng ai biết.

Các nước thì tất cả đều nằm trong tài khoản. Mua nhà bao nhiêu tiền, tiền từ đâu người ta đều làm rõ được cả.

Còn chúng ta, tiền trốn thuế thu nhập, tiền hối lộ, tham nhũng…nằm lẫn với tiền lương, thu nhập.

Vì vậy đối với quan chức phải dùng cách kê khai tài sản theo hướng tự nguyện. Đó là một kênh để kiểm soát tài sản.

Tuy nhiên, bao năm qua người kê khai rất nhiều nhưng từ bản kê khai để phát hiện được người tham nhũng lại chẳng bao nhiêu.

Chỉ khi nào có lùm xùm liên quan đến quan chức, tài sản của họ mới được xem xét kỹ. Nhiều đối tượng thuộc diện kê khai nhưng kê khai thiếu và nói về nguồn gốc rất khó có thể chấp nhận.

“Nếu đưa ra tòa xem xét, người có tài sản rõ ràng phải giải trình kỹ bán cái gì, thừa kế từ đâu…mà có khối tài sản đó.

Theo tôi cũng chỉ còn cách này để xử lý đối với loại tài sản này.

Đây là một giải pháp phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam”, Tiến sĩ Dinh nhận định.

Theo ông, rõ ràng, khi ra tòa, các bên sẽ tiến hành đối chất đưa ra các chứng cứ bảo vệ cho tài sản đó có nguồn gốc hợp lý hay không.

Bên cơ quan kiểm soát tài sản cũng có thể chứng minh tài sản đó có phải là tham nhũng không?.

Nên ra tòa để quan chức được bảo vệ nguồn gốc tài sản của họ ảnh 2Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách

“Đây là cách văn minh. Việc xử lý đối với loại tài sản này tiếp cận với cách thức trọng bằng chứng là chính xác, quan trọng. 

Phương án này cũng có ưu điểm hơn phương án đánh thuế vì tránh được quan điểm cho rằng đánh thuế là hợp thức hóa tài sản tham nhũng”, Tiến sĩ Dinh cho hay.

Hai phương án trong dự thảo Luật

Điều 57. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

Phương án 1:

1. Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định.

2. Trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này.

3. Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và ra một trong các quyết định sau đây:

a) Bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;

b) Thu hồi tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục Tòa án xem xét, quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và việc thi hành quyết định của Tòa án.

Phương án 2: 
1. Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Người có nghĩa vụ kê khai phải nộp thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định của cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

3. Việc thu thuế quy định tại khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính mà chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có.

(Nguồn: Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi)

Đỗ Thơm