Ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chính thức lên tiếng về Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đang làm ồn ào dư luận suốt chục ngày qua.
Đánh giá về tài liệu này của Thứ trưởng không có gì mới và hoàn toàn nhất quán với những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo nói với các sở khi hướng dẫn đăng ký dạy học theo tài liệu này hàng năm:
Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.
Có điều kể từ khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển về hưu thì không còn công văn nào hướng dẫn các sở liên hệ với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường trung học phổ thông công nghệ giáo dục để đăng ký mua tài liệu như trước.
Từ trái qua phải: Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Vũ Bá Khánh và ông Đặng Tự Ân trong một buổi tọa đàm về VNEN tại Hà Nội ngày 1/8/2017, ảnh: Báo Quân đội Nhân dân. |
Nhưng hệ thống đã vận hành ổn định, số học sinh đang sử dụng Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cũng lên tới trên 800 ngàn em, một con số mơ ước với bất kỳ công ty bán sách giáo khoa nào.
Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục lần đầu tiên được "thẩm định 1 nửa" sau 40 năm thí điểm, tức là Hội đồng thẩm định quốc gia mới xem xét khía cạnh chuyên môn, còn khía cạnh pháp lý nó có phải sách giáo khoa hay không thì họ không bàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các sở triển khai tài liệu này trên nguyên tắc "tự nguyện", không mở rộng để giữ ổn định năm nay và sang năm, cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Một lần bị "bóp mũi cho chết"
Trong diễn từ nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2009, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho hay:
"Tháng 8 năm 1985 cuộc cải cách giáo dục đang gặp khó khăn, năm đầu tiên có đến 60% học sinh lớp 1 lưu ban. Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Bình chủ trì cuộc họp các Giám đốc sở ở miền Bắc;
Còn ở miền Nam, Bộ trưởng có văn bản ủy quyền cho tôi phổ biến chủ trương mới của Bộ:
Cho phép các địa phương tiếp nhận phương án công nghệ giáo dục, nếu tự nguyện thì trực tiếp liên hệ với Trung tâm Thực nghiệm giáo dục phổ thông (đổi tên Phòng thực nghiệm...ban đầu).
Năm học đầu tiên có 12 tỉnh / thành tiếp nhận. Sau đó, chúng tôi thỏa thuận với các Sở giáo dục mở thêm số tỉnh và số trường trong tỉnh, thêm số lớp, thêm số học sinh.
Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới: cơ bản là để chia tiền |
Đến năm học 1999-2000 thì đã có 43 tỉnh / thành tiếp nhận, với hàng ngàn trường, hàng vạn giáo viên và hàng chục vạn học sinh.
Từ năm học 2001-2002, theo Nghị quyết số 40 của Quốc hội, cả nước chỉ dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất, thế là phương án công nghệ giáo dục bị "bóp mũi cho chết" một cách hợp pháp."
Trong bài Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa, chúng tôi đã phân tích động lực thực sự của 3 lần thay sách giáo khoa gần đây chính là TIỀN.
Chính cơ chế cho phép Bộ Giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được bán sách cho học sinh dùng riêng từ năm 1981 (vẫn còn trong thời kỳ bao cấp, trước công cuộc Đổi mới 5 năm), đã tạo ra một dòng tiền cho ngành, cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Chúng ta dường như đã thiếu một cơ chế kiểm soát dòng tiền ấy. Phải chăng chính nó đã tác động ngược trở lại, tạo ra những "nhiệm kỳ" thay sách giáo khoa?
Sau Quyết định số 57/CT về phương thức phân phối sách giáo khoa ngày 12/8/1981, các vòng thay sách giáo khoa bắt đầu:
Lần thay sách giáo khoa thứ nhất kết thúc bằng cuốn sách cuối cùng của lớp 12 vào năm 1993;
Tháng 10 năm 1993 Việt Nam đã đàm phán với Ngân hàng Thế giới vay 78 triệu USD để làm Dự án Phát triển giáo dục tiểu học, trong đó có kinh phí làm sách giáo khoa (tiểu học).
Lần thay sách giáo khoa thứ 2 chính thức khởi động từ 1996 kéo dài đến 2008, tròn 12 năm với ít nhất 8 dự án vay ODA tổng cộng 1 tỷ USD;
Đấy là còn chưa kể 14 nghìn tỷ đồng tương đương 1 tỷ USD ngân sách phải bỏ ra cho thiết bị dạy học từ 2002 đến 2007.
Vừa thay xong cuốn sách giáo khoa cuối cùng của lớp 12 năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại bắt tay vào chuẩn bị cho đợt thay sách lần 3.
Bộ đã nghiên cứu đề án thay sách giáo khoa mới sau 2015, đang kéo dài đến tận bây giờ (70 nghìn tỷ đồng xuống 34 nghìn tỉ đồng, xuống 462 tỷ đồng, đang làm với 80 triệu USD).
Sở dĩ phải dông dài như vậy là để giúp quý bạn đọc có thể hiểu tại sao công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại lại bị "bóp mũi cho chết" kể từ năm 2000;
Bởi với tốc độ phát triển nhanh chóng của nó đã đe dọa đến miếng bánh sách giáo khoa "chính thống".
Lý do ra đời của Nghị quyết 40/2000/QH10 có thể thấy phần nào qua phát biểu của cố Phó giáo sư Văn Như Cương lúc sinh tiền, trên Thời báo Kinh tế:
"Trong các kì họp Quốc hội, vấn đề có nhiều bộ sách giáo khoa được thảo luận khá kĩ. Một lần, theo dõi trên chương trình truyền hình, tôi được nghe một vị đại biểu Quốc hội nói đại ý:
Đất nước thống nhất đã được 25 năm, thế mà mỗi miền lại dùng một bộ sách giáo khoa khác nhau, phải chăng người ta lại muốn chia cắt đất nước một lần nữa?" [1]
Sự trỗi dậy ngoạn mục của Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục bắt đầu kể từ khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đưa mô hình trường học mới từ Colombia vào Việt Nam với tên gọi VNEN, bây giờ tài liệu này đã trở lại 49 tỉnh thành với 800 ngàn học sinh.
Nhưng sang năm Bộ Giáo dục và Đào tạo lại triển khai chương trình mới (đến giờ vẫn chưa công bố được các chương trình môn học), liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và VNEN có vượt qua được cửa ải "hội đồng thẩm định quốc gia"?
Quy tụ dưới trướng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nước sông không phạm nước giếng
Trong chương trình hiện hành, mặc dù Luật Giáo dục 1998, Nghị quyết 40/2000/QH10, Luật Giáo dục 2005 lẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2009) đều quy định cả nước sử dụng thống nhất, ổn định 1 chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng thực tế lại khác.
Thầy Đại, thầy Hiển có hưởng lợi từ tiền bán sách công nghệ giáo dục? |
Lần quay trở lại kể từ 2008, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã tìm ra bí quyết cho tài liệu của mình không chỉ đàng hoàng trở lại nhà trường, mà còn lan nhanh với tốc độ chóng mặt.
Thứ nhất, phải có được cái mác của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nên ông đã có trong tay Trung tâm Công nghệ giáo dục kể từ năm 2012 dưới sự giúp đỡ của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Đổi lại, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nắm 51% cổ phần Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục đang ăn nên làm ra.
Thứ hai, những người thân tín của giáo sư Hồ Ngọc Đại trong Vụ Giáo dục tiểu học như 2 đời Vụ trưởng Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định đã giúp thầy Đại chèn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục vào dự án VNEN.
Thậm chí VNEN và Công nghệ giáo dục có khả năng nhanh chóng "đè bẹp" sách giáo khoa 2000 nếu VNEN không bị dư luận phản đối, Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT không bị thay đổi;
Thông tư này là sản phẩm của Vụ Giáo dục tiểu học, họ xóa sổ cách đánh giá học sinh tiểu học truyền thống bằng định lượng (điểm số) trong khi chưa xây dựng dược công cụ đánh giá hiệu quả hơn để thay thế, ngoài những tiêu chí rất mơ hồ và hàng đống sổ sách.
Công cụ đánh giá bằng điểm số đã mất nên xã hội cũng khó có cái bám vào để mà phê phán, học sinh VNEN hết tiểu học thì buộc phải lên trung học cơ sở, không thể quay trở lại chương trình 2000, thì phải mở rộng VNEN lên các lớp học trên.
Khi ông Ngô Trần Ái chưa rời Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thế chân vạc chia ba thị trường sách giáo khoa được định hình, nước sông không phạm nước giếng.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chọn cách im lặng? |
Nhưng khi ông Ngô Trần Ái về hưu và thành lập một doanh nghiệp tư nhân tham gia cạnh tranh với chính Nhà xuất bản Giáo dục, mâu thuẫn lại nảy sinh.
Phần lớn đội ngũ viết chương trình mới, trong đó có nhiều người đóng vai trò quan trọng của chương trình sách giáo khoa 2000 như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, đã chọn đi theo ông Ngô Trần Ái.
Ban đầu người ta dung hòa lợi ích bằng cách cho 3 công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam góp cổ phần sáng lập VEPIC.
Không rõ vì lý do gì, hai bên không hợp tác được với nhau, nên đường ai nấy đi.
Cuộc tranh giành miếng bánh sách giáo khoa còn tiếp tục, dân nghèo còn khổ
Trong chương trình sách giáo khoa mới đang triển khai, riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang làm 5 bộ;
Trong số đó, 4 bộ có sẵn thị trường (VNEN, Công nghệ giáo dục, sách giáo khoa riêng của thành phố Hồ Chí Minh và 1 bộ nữa), 1 bộ để "đấu thầu" làm sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, cuộc tranh giành miếng bánh sách giáo khoa đã chuyển từ Công nghệ giáo dục - sách giáo khoa 2000 sang cuộc so găng giữa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với công ty tư nhân do cựu lãnh đạo đơn vị này thành lập.
Đối thủ cạnh tranh duy nhất với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay là Công ty VEPIC mà ông Ngô Trần Ái làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực? |
VEPIC đã quy tụ được 80% thành viên Ban phát triển chương trình sách giáo khoa của Bộ, đứng đầu là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn.
Tổng chủ biên bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (để đấu thầu bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo) là Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng.
Có điều ông Ngô Trần Ái đã quá tự tin đến mức vi phạm luật chơi, kéo 80% đội ngũ chủ biên, tổng chủ biên của Bộ về viết sách giáo khoa cho mình khi đang làm nhiệm vụ.
Hiện chưa rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý tình huống này như thế nào. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Bộ những không nhận được câu trả lời.
Sang năm phải có sách giáo khoa mới, đến bây giờ vẫn chưa công bố được các chương trình môn học và chưa biết ai sẽ viết sách giáo khoa.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không đứng ra tổ chức một bộ sách giáo khoa như ban đầu, mà "đấu thầu" các bộ sách giáo khoa đang được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và VEPIC biên soạn, thì sẽ đấu thầu theo hình thức nào?
VNEN và Công nghệ giáo dục sẽ vẫn tồn tại và đi theo con đường riêng của nó? Câu trả lời vẫn còn nằm ở thì tương lai.
Nguồn:
[1]https://www.tienphong.vn/giao-duc/sach-giao-khoa-nen-pha-bo-doc-quyen-65499.tpo