Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở bậc học tiểu học mỗi lớp học chỉ được sắp xếp tối đa 35 học sinh. Thế nhưng từ nhiều năm nay, với các trường công lập tại Hà Nội, nhiều khi sĩ số này bị đội lên gần gấp đôi.
Thực tế cho thấy, tại nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội, nhất là những trường điểm, đa phần sĩ số học sinh vượt ngưỡng 50 em/lớp, đặc biệt có trường sĩ số lên tới gần 70 học sinh/lớp.
Lớp học quá đông ắt dẫn đến nhiều hệ lụy. Việc sĩ số đông không chỉ khiến không gian trở nên chật chội mà ảnh hưởng cả đến cơ hội được tương tác trong giờ học của học sinh….
Là trung tâm giáo dục hàng đầu của cả nước, chuyện trường, lớp học quá tải tại một số quận nội thành Hà Nội diễn ra từ nhiều năm nay.
Song so với các năm học trước, năm học 2018 - 2019 sĩ số học sinh tại các lớp đầu cấp tăng cao kỷ lục. Một phần do học sinh bước vào lớp 1 tuổi “Rồng vàng 2012”, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là tình trạng tăng dân số cơ học tại Thủ đô ngày càng cao.
Phụ huynh phản ánh, lớp đông nên bàn ghế kê sát tường nên không còn diện tích để kê tủ đựng đồ do đó, ngoài sách vở, sáng đi học con phải mang theo chăn, gối, tối lại mang về. (Ảnh minh họa: VTV) |
Điều đáng nói là, tình trạng quá tải trường lớp đã được đề cập rất nhiều, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, nên từ nhiều năm nay ngành giáo dục Thủ đô đã quen với vấn nạn sĩ số quá tải như một chuyện… đương nhiên của quá trình phát triển.
Dù thời gian khai giảng năm học mới chỉ diễn ra cách đây 1 tuần nhưng chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhiều phụ huynh rất bức xúc về tình trạng học tập của con em mình, thậm chí nhiều người tỏ ra chán nản.
Chi H. có con học lớp 1 tại một trường tiểu học công lập thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: “Do không thể bố trí đủ lớp học nên trường cho con nghỉ học 2 ngày trong tuần (Thứ Hai, Thứ Ba) và đi học bù vào thứ Bảy, học sinh phải ngồi 3 em/bàn.
Điều này gây không ít bất tiện cho vợ chồng tôi vì ảnh hưởng đến lịch sinh hoạt của gia đình như không có người trông con vào ngày nghỉ. Đó là chưa kể đến thời gian học của học sinh chỉ còn 4 ngày thay vì 5 ngày như các trường khác.
Những ngày con nghỉ, chúng tôi phải gửi cháu ở một trung tâm gần nhà với mức giá 150.000 đồng/ ngày, tức là 1.200.000 đồng/ tháng”.
Các vị đừng ngồi máy lạnh, đứng từ xa, hãy nghĩ cách cứu học trò đi, khổ lắm |
Cũng theo lời chị H., không phải gia đình nào cũng thuận tiện có trung tâm trông trẻ ở gần nhà như vậy mà rất nhiều phụ huynh phải gửi con ở trường mầm non những ngày trường tiểu học cho nghỉ với giá khoảng hơn 1 triệu đồng/ tháng.
Tức là, trong 1 tuần đứa trẻ vừa học mầm non vừa học tiểu học.
Hơn nữa, chị H. lo ngại, học sinh lớp 1 làm quen với những nét viết đầu tiên, rất cần sự quan sát, uốn nắn kịp thời của giáo viên nhưng lớp đông quá, lối đi giữa các dãy bàn thì hẹp, học sinh phải ngồi 3 em/bàn.
Mặc dù có cố gắng hết sức nhưng giáo viên cũng không thể hướng dẫn được từng em đặc biệt những học sinh ngồi ở bàn cuối cùng.
“Thực sự giờ nghĩ đến việc học của con mà tôi rất mệt mỏi”, chị H. than vãn.
Cùng chung lo ngại chất lượng học tập của con, anh K. có con học lớp 1 ở một trường tiểu học công lập của quận Cầu Giấy, Hà Nội tỏ ra chán nản.
Anh K. chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 cháu, đứa lớn lên lớp 1, đứa nhỏ đang học mầm non.
Do thu nhập của hai vợ chồng ở mức trung bình nên chúng tôi chỉ gửi được cháu nhỏ ở trường tư thục còn cháu lớn phải học trường công lập với sĩ số 58 học sinh/ lớp.
Lớp đông nên bàn ghế kê sát tường nên không còn diện tích để kê tủ đựng đồ do đó, ngoài sách vở của ngày học hôm đó, sáng đi học con phải mang theo chăn, gối đi theo, tối lại mang về. Cứ như thế, ngày nắng còn có ngày mưa nữa, khổ con quá!”.
Mẹ ơi, ở lớp, trưa con chỉ được nằm nghiêng và không dám thở... |
Những lo ngại của phụ huynh cũng là sẽ trở thành thách thức lớn hơn với ngành giáo dục của Thủ đô khi triển khai đổi mới giáo dục, trong đó, hướng đến phát triển năng lực của mỗi học sinh.
Điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ đòi hỏi sự đổi mới của giáo viên mà còn cả điều kiện về cơ sở vật chất.
Mặt khác, giáo dục đã và đang đặt ra yêu cầu lấy học sinh làm trung tâm, giảm sĩ số lớp học, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày… để chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao thì việc quá tải sĩ số sẽ là rào cản lớn.
Trước yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, một câu hỏi lớn đang đặt ra là chuyện quá tải trường lớp đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội…có được giải quyết dứt điểm hay không?