Để xảy ra lạm thu trong nhà trường, chính quyền địa phương ở đâu?

16/09/2018 06:57
MAI CÔNG TÌNH
(GDVN) - Vậy tại sao biết mà chính quyền địa phương vẫn để các nhà trường lạm thu? Sao chính quyền không can thiệp kịp thời trước khi nó xảy ra?

LTS: Đặt ra câu hỏi về việc "Để xảy ra lạm thu trong nhà trường, chính quyền địa phương ở đâu?", thầy giáo Mai Công Tình đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vào đầu mỗi năm học, một vấn đề lại được mọi người quan tâm đó là tình trạng lạm thu ở các nhà trường.

Vấn đề lạm thu hầu như xảy ra ở tất cả các cấp học, các địa phương và tình trạng này mỗi năm lại càng phức tạp hơn.

Tình trạng lạm thu trong nhà trường (Ảnh minh họa: thoibaonganhang.vn).
Tình trạng lạm thu trong nhà trường (Ảnh minh họa: thoibaonganhang.vn).

Như trong năm học 2017 – 2018, sự việc lùm xùm tại Trường trung học cơ sở Minh Tân (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) là một ví dụ.

Cụ thể, trong tổng số 20 khoản thu được phụ huynh kê khai với tổng số tiền hơn 9,1 triệu đồng thì có tới 18 khoản là trùng với bản kế hoạch thu của trường.

Trong đó, nhiều khoản thu được ông Bùi Đức Hiệp – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên khẳng định là không có cơ sở, không có căn cứ.

Sự việc chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó cũng tại Hải Phòng, các khoản thu tại Trường tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương) tiếp tục gây “sốc”.

Mức đóng góp đầu năm lên tới 10.131.000 đồng/học sinh khối 1; 5.966.000 đồng/học sinh khối 4; 6.191.400 đồng/học sinh khối 5.

Trong đó, nhiều khoản thu sai quy định như: Hồ sơ nhập học 100.000 đồng; ủng hộ cơ sở vật chất + câu lạc bộ hè 2.650.000 đồng; đồng phục 400.000 đồng; kỹ năng sống 1.000.000 đồng/1 năm; tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ 2.000.000 đồng; trải nghiệm sáng tạo + hoạt động ngoài giờ 1.200.000 đồng/1năm; tạp phí, lao động, bảo vệ hỗ trợ chuyên môn, tăng giờ 500.000 đồng/1 năm; quỹ đại diện cha mẹ học sinh dự kiến 500.000 đồng/1 năm…

Mới đầu năm học 2018 – 2019, báo chí đã phản ánh nhiều trường lại tiếp tục xảy ra tình trạng lạm thu như ở Trường tiểu học Sơn Đồng, huyện Hoài Đức (Thành phố Hà Nội) đã thu gần chục triệu đồng mỗi học sinh đến nỗi phụ huynh đã vây kín cả trường để nghe hiệu trưởng giải trình.

Để xảy ra lạm thu trong nhà trường, chính quyền địa phương ở đâu? ảnh 2Nếu không có sự bao che sao hiệu trưởng dám liều mình đến thế?

Việc lạm thu không chỉ xảy ra ở các trường nơi thành phố, thị trấn mà ngay cả ở vùng nông thôn, miền núi hiện tượng này xảy ra.

Nhiều nơi đời sống của nhân dân còn khó khăn, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ đẹp nhưng cứ đến đầu năm học nhiều gia đình vẫn phải cố gắng vay mượn để nộp tiền học cho con em mình.

Mặc dù nhà nước đã có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh phổ thông nhưng thực tế tiền để nộp học phí chỉ là một phần nhỏ mà các khoản đóng góp khác mới nhiều.

Mỗi trường lại có những khoản đóng thêm khác nhau và những cách thu khác nhau.

Để cho các khoản thu không bị đội lên cao quá nhiều trường đã chia nhỏ thành nhiều đợt thu khác nhau trong năm học, rồi dưới hình thức vận động xã hội hóa qua Ban đại diện cha mẹ học sinh…

Việc lạm thu này của các nhà trường đã xảy ra không phải năm đầu và không phải không có sự phản ánh của phụ huynh nhưng tại sao các nhà trường vẫn vi phạm? Chính quyền địa phương liệu có biết không?

Đầu năm học thì từ Bộ, Sở, Phòng giáo dục và đào tạo đã có công văn chỉ đạo việc thu các khoản đóng góp nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra. Còn chính quyền địa phương thì chưa kiểm soát tốt được vấn đề này.

Không biết khi các nhà trường làm tờ trình lên chính quyền địa phương xin thu các khoản đóng góp có kê hết những khoản phải đóng góp của phụ huynh hay chỉ kê những khoản trong quy định của cấp trên nhưng khi họp phụ huynh đầu năm các nhà trường đều thông báo cho phụ huynh rằng đã được Hội đồng nhân dân thông qua và được chủ tịch xã (phường) kí đồng ý.

Các phòng giáo dục là cơ quan quản lý chuyên môn và không thường xuyên làm việc trực tiếp với các nhà trường mà chính quyền địa phương là cơ quan quản lý trực tiếp gần với các nhà trường nhất nhưng việc quản lý các khoản thu chi của nhà trường chưa sát sao và nắm bắt chưa kịp thời nên để các nhà trường lạm thu gây bức xúc trong nhân dân.

Lạm thu tiền trường – Bao giờ kết thúc?

Không thể nói chính quyền địa phương không biết gì các khoản thu khác mà nhà trường thu ngoài tờ trình đã nêu vì họ cũng là phụ huynh có con em mình học ở các nhà trường đó cơ mà.

Vậy tại sao biết mà chính quyền địa phương vẫn để các nhà trường lạm thu? Sao chính quyền không can thiệp kịp thời trước khi nó xảy ra?

Nếu như chính quyền địa phương nắm bắt kịp thời và cùng với các nhà trường cùng bàn bạc tháo gỡ những khó khăn, thống nhất những khoản thu phù hợp và lắng nghe ý kiến từ dư luận nhân dân thì có lẽ tình trạng lạm thu đã không xảy ra.

Đây cũng là điều mong muốn của mỗi người giáo viên chân chính. Để không vì chuyện tiền bạc mà ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên nhân dân.

MAI CÔNG TÌNH