Do ảnh hưởng của thời gian và tác động của điều kiện thời tiết, việc trùng tu các di tích văn hóa - lịch sử ở nước ta là một hoạt động rất cần thiết. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, việc làm này tại nhiều nơi vẫn chưa đạt được mục đích đề ra.
Trước hết cần khẳng định, trùng tu các di tích là việc làm thiết thực, nhất là đối với những di tích bị hư hỏng, xuống cấp.
Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc trùng tu các di tích vì nhiều lý do đã không được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành; thậm chí còn trở thành “lỗ hổng” trong công tác quản lý, giữ gìn các di tích lịch sử văn hóa.
Hiện trạng đình Lương Xá bị bê tông hóa (Nguồn: Vov.vn). |
Câu chuyện sai phạm trong tu bổ đình Ngọ Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là một ví dụ điển hình. Đình Ngọ Xá thờ Đức thánh Tam Giang. Đình có niên đại hàng trăm năm, nơi đây còn lưu giữ 9 đạo sắc phong thần từ thời Hậu Lê.
Trong kháng chiến chống Pháp, địa điểm này là nơi cách mạng tổ chức các lớp bình dân học vụ, hội họp, cất giấu vũ khí...
Với các yếu tố lịch sử đó, năm 2008, đình Ngọ Xá được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đình Ngọ Xá nguyên bản được xây dựng theo kiểu kết cầu bình đầu, bít đốc, hai mái, không có đao.
Qua thời gian, ngôi đình bị xuống cấp nên cuối năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã nhất trí phê duyệt hồ sơ tu bổ đình theo nguyên gốc, có mở rộng và nâng cao hơn đình cũ.
Tuy nhiên, việc tu bổ, tôn tạo lại thực hiện theo ý muốn chủ quan của một bộ phận người dân, không bảo tồn được yếu tố gốc di tích.
Theo đó, Ban xây dựng đình đã tự ý thay đổi kết cấu từ 2 mái thành 4 mái có đao. Đại diện thôn đã thuê người địa phương tổ chức thi công không đúng quy định pháp luật.
Mặc dù Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Châu Minh thực hiện việc tu sửa đình theo đúng hồ sơ thiết kế... nhưng sau đó, việc xây dựng đình Ngọ Xá trái quy định Luật Di sản văn hóa vẫn được tiến hành.
Kết quả là khi việc trùng tu hoàn thành thì kiến trúc, kiểu dáng của đình Ngọ Xá đã thay đổi hẳn so với nguyên bản ban đầu.
Phiếu xin ý kiến người dân để thay đổi kết cấu, kiến trúc đình Ngọ Xá (Bắc Giang). Ảnh: QĐ/ Dangcongsan.vn |
Nghiêm trọng hơn mới đây, đình Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, (Hà Nội) cũng đã bị “xóa bỏ” hoàn toàn sau khi được chính quyền thôn Lương Xá trùng tu bằng cách tháo bỏ đình cũ và xây lại bằng bê tông.
Cụ thể, với tuổi đời trên 300 năm, đình Lương Xá có tam quan xây khá đẹp với nghi môn có 4 trụ biểu, trên bức tường hai bên cửa phụ có đắp nổi đôi voi đứng. Tòa tiền tế gồm 5 gian 2 chái và kết cấu với nhà thiêu hương, hậu cung thành hình “chữ Công”.
Tuy nhiên, dư luận đã hết sức bức xúc khi trong quá trình tu bổ, tôn tạo ngôi đình, nhiều cấu kiện gỗ quý tại khu Tam Bảo của đình bị dỡ bỏ hoàn toàn, thay vào đó là các kết cấu xây dựng bằng bê tông, cốt thép.
Theo ghi nhận đến thời điểm này, hiện trạng bê tông hóa, xây dựng mới đã làm cho ngôi đình trước đây hoàn toàn “biến dạng”.
Nhiều hạng mục đã được đổ bê tông, xây gạch vữa. Dấu tích của ngôi đình hơn 300 tuổi nổi tiếng của thôn Lương Xá (Ứng Hòa) đã biến mất.
Điều đáng nói, đình Lương Xá dù chưa được xếp hạng di tích nhưng lại thuộc danh mục kiểm kê di tích của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nên được bảo vệ bởi Luật Di sản Văn hóa.
Việc xóa bỏ hoàn toàn một di tích lịch sử văn hóa như đình Lương Xá là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa.
Trong khi đó, nguyên tắc trùng tu phải tuân thủ đúng quy trình thủ tục, có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền và phải đảm bảo giữ lại các giá trị gốc.
Trao đổi với báo chí, ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khẳng định, việc hạ giải, đổ bê tông các hạng mục trong di tích là hoàn toàn sai quy định.
Thực tế thời gian qua cho thấy, những vi phạm trong trùng tu, tu bổ như tại di tích đình Ngọ Xá (Bắc Giang), đình Lương Xá (Hà Nội) không phải là cá biệt nếu như không muốn nói là ngày càng phổ biến.
Có thể kể tới khá nhiều ví dụ, trong đó có cả những di tích được công nhận Di tích cấp Quốc gia nhưng vẫn bị xâm hại, phá hủy dưới danh nghĩa “trùng tu, tôn tạo”.
Điển hình như việc trùng tu Chùa Trăm Gian năm 2012; trùng tu Lăng Ngô Quyền, xã Đường Lâm năm 2014; trùng tu Bia Quốc học Huế năm 2017; tự ý xây mới tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam cuối năm 2017…
Và dường như, ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại di tích, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn. Việc xử lý, khắc phục hậu quả theo kiểu “sự đã rồi” càng khiến dư luận thêm bức xúc, bất bình.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng đáng buồn nói trên? Các sai phạm trong quá trình trùng tu di tích sẽ để lại những hậu quả gì và làm cách nào để hạn chế các sai phạm đó?