LTS: Để tránh tình trạng lạm thu, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây ra đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT.
Trong bài viết này, thầy giáo Nhật Duy bày tỏ sự băn khoăn về hiệu quả thực sự của thông tư này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc Bộ Giáo dục vừa ban hành Thông tư số 16 thay thế cho Thông tư 29 trước đây để tránh tình trạng lạm thu trong nhà trường là điều cần thiết.
Bởi, những năm qua, hai tiếng “lạm thu” đã trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều phụ huynh học sinh trong một số nhà trường.
Tuy nhiên, liệu Thông tư 16 ra đời có tránh được tình trạng lạm thu hay không thì có lẽ chúng ta chưa thể có câu trả lời chính xác trong lúc này. Hơn nữa, nội dung của Thông tư 16 vẫn có nhiều khoản tài trợ dễ phát sinh tình trạng lạm thu.
Từ lâu, tình trạng lạm thu trong một số đơn vị trường học đã được nói nhiều, một số hiệu trưởng nhà trường cũng đã từng bị khởi tố, bị cách chức.
Vấn nạn lạm thu gây bức xúc trong xã hội. Ảnh minh họa: plo.vn |
Vậy mà hàng năm, chúng ta vẫn thường thấy tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi. Ngay trong năm học này cũng vậy, một số trường học đã bị phụ huynh học sinh lên tiếng phản đối, cơ quan chủ quản phải vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng lạm thu.
Suy cho cùng, lạm thu là một việc làm xấu xa nhất trong một số trường học, làm ảnh hưởng đến nhân cách, hình ảnh người thầy.
Nhưng, tại sao các văn bản hiện hành đều quy định rõ các khoản vận động phụ huynh, các cá nhân tổ chức tài trợ nhưng một số hiệu trưởng nhà trường vẫn bất chấp để đưa ra các khoản thu ngoài quy định và nấp dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục?
Trước tình trạng trên, Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời nhằm thay thế cho Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT trước đây quy định việc quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Thế nhưng, một số khoản cho phép tài trợ thì vẫn cơ bản giống như Thông tư 29 trước đây, vì thế liệu trong thời gian tới có tránh được lạm thu không thì vẫn là câu hỏi lớn cho những năm tiếp theo.
Những "sáng kiến vặt tiền" mà phụ huynh đau cũng không kêu, không la |
Hơn nữa, nếu so sánh với Thông tư 29 trước đây, thì về cơ bản những yêu cầu khi nhận tài trợ cũng rất giống nhau, nhà trường cũng đều phải “công khai, minh bạch”, cũng đều phải “tiết kiệm, tránh để thất thoát, lãng phí”.
Vậy nên, nói là Thông tư 16 sẽ chống được lạm thu là điều có phần còn quá sớm, bởi chúng tôi vẫn thấy rất khó “cản” được tình trạng lạm thu như hiện nay nếu chúng ta chưa có những chế tài mạnh từ lãnh đạo của các địa phương.
Chúng tôi đã đọc kỹ Điều 3: Nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ được và thấy rằng những khoản được vận động, tiếp nhận vẫn “rất hở” mà sau này nếu có xảy ra lạm thu thì lãnh đạo nhà trường họ vẫn đối phó được, đó là:
“1. Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:
a) Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;
b) Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục”.
Như vậy, các cơ sở giáo dục vẫn được vận động, tiếp nhận những khoản tài trợ được xem là cơ bản nhất của các hoạt động giáo dục ở nhà trường.
Và, nếu xét với thực tế thì các khoản này đang được nói nhiều nhất trong thời gian qua và bây giờ Thông tư 16 lại được cho phép.
Chẳng hạn, nhà trường vận động mua ti vi, mua máy chiếu… thì đó cũng là “trang thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học”.
Nhà trường vận động sửa chữa phòng ốc, bàn ghế, làm nhà xe, sân trường, tường rào thì đó cũng nằm trong những khoản cho phép là “cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục”…
Trong trường học hiện nay có 2 hoạt động chính là hoạt động giảng dạy trên lớp và hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Nhưng, Thông tư 16 cho phép vận động, nhận: “Hỗ trợ hoạt động giáo dục” như ở khoản b, mục 1 của Điều 3 thì sau này các hoạt động giáo dục nhà trường vẫn có thể đều vận động được rất nhiều khoản.
Ví dụ, vận động tài trợ cho ngoại khóa, chuyên đề, văn nghệ, thể thao… đều nằm trong phạm vi cho phép của Thông tư 16 vừa ban hành.
Đối với những khoản không được phép vận động tài trợ thì lâu nay phần lớn các trường cũng không dám thực hiện.
Nhưng, chuyện lạm thu nhiều khi lại không đến từ những cái “to tát” như “cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình” của Thông tư 29 trước đây và Thông tư 16 bây giờ.
Nhiều khi, việc lạm thu đến từ những chuyện rất giản đơn, gần gũi và bắt đầu bằng những chuyện “nhỏ xíu” trong nhà trường như chuyện cái nhãn vở, tờ giấy thi đến việc dạy nâng cao, dạy kỹ năng, dạy tăng cường…
Những cái nhỏ từ vài trăm đồng đến vài trăm ngàn đồng nhưng nhiều khoản thu, nhiều học sinh cũng trở thành những khoản thu lớn.
Và, thường những khoản thu nhỏ lại ít bị phụ huynh phản đối bởi nhà trường thường nhấn mạnh vai trò từng khoản thu mà các khoản thu ấy lại hoàn toàn phục vụ cho con em phụ huynh…
Những khoản thu lớn thường phải xin phép, thường phải qua hội họp, qua nhiều ban bệ…rất phức tạp, nhất là các trường phải lưu hóa đơn, chứng từ nên nhiều hiệu trưởng họ chỉ làm những chuyện “nho nhỏ” nhưng rất tiện lợi trong việc hợp thức hóa giấy tờ mà cũng ít khi bị thanh tra, kiểm tra.
Điều chúng tôi băn khoăn nữa là tại Điều 6 của Thông tư này đã quy định về việc Tiếp nhận tài trợ nhưng rõ ràng vẫn là “người trong nhà” cả, bởi cho dù các ban bệ được liệt kê vào đầy đủ, đó là:
“ Cơ sở giáo dục có trách nhiệm thành lập Tổ tiếp nhận tài trợ. Tổ tiếp nhận tài trợ bao gồm các thành phần chính sau: thủ trưởng cơ sở giáo dục; kế toán trưởng; Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc đại diện Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên; đại diện của cộng đồng dân cư trên địa bàn đặt trụ sở của cơ sở giáo dục (nếu có); Thủ trưởng cơ sở giáo dục là Tổ trưởng Tổ tiếp nhận tài trợ…”.
Như thế, hiệu trưởng, kế toán vẫn là người chi phối điều hành toàn bộ các khoản vận động, tài trợ như trước đây. Những đại diện khác gần như chỉ là dự cho đủ thành phần mà thôi.
Thực tế, thông tư, công văn của Bộ Giáo dục hướng dẫn lâu nay thì thường có rất nhiều nhưng có lẽ là Bộ …xa quá nên nhiều khi những hướng dẫn đó lại kém hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Những hiệu trưởng người ta vừa sợ nhưng lại vừa gần gũi những lãnh đạo trực tiếp của họ hơn nhiều những lãnh đạo gián tiếp.
Vì thế, nhiều khi những hướng dẫn của Bộ chẳng phát huy được tác dụng… bởi suy cho cùng Bộ chỉ nắm đơn thuần về chuyên môn. Những chuyện còn lại là do cơ quan chủ quản ở địa phương điều hành, chỉ đạo.
Vậy nên, từ những thực tế của cơ sở, chúng tôi chưa đủ tin là Thông tư 16 sẽ là “liều thuốc mạnh” để chống được tình trạng lạm thu hiện nay.