“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dở sống dở chết”

28/10/2011 07:28
Thảo luận tại hội trường sáng 27/10, nhiều đại biểu quốc hội đánh giá, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thậm chí có đại biểu còn cho rằng, “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dở sống dở chết”…

 
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Mai Hữu Tín (tỉnh Bình Dương) cho biết, ông không lạc quan lắm với tình hình kinh tế thế giới sắp đến và triển vọng tăng trưởng. “Bất ổn xảy ra ở nhiều nơi, các chuyên gia kinh tế của các định chế tài chính lớn gần đây đã nhận định rằng thế giới khó tránh khỏi một cuộc khủng hoảng kép. Cơ may tăng trưởng của chúng ta trong thời gian gần với tình hình của các thị trường chính như vậy theo tôi khá mong manh” - đại biểu tỉnh Bình Dương nhận định.

Theo đại biểu Mai Hữu Tín, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng tạo việc làm lớn nhất đã phải chịu quá nhiều khó khăn trong suốt ba năm qua và đặc biệt trong năm nay.
Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết - Ảnh: Xuân Hưng.
Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết - Ảnh: Xuân Hưng.
“Đã có rất nhiều phân tích về việc này và tôi không muốn lặp lại. Chúng tôi chỉ mong Chính phủ nhìn thẳng vào thực trạng là đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa này đang ở trong tình trạng dở sống, dở chết. Nếu không có thêm các hỗ trợ tích cực hơn, nếu không giảm được lãi suất xuống dưới 15% một năm và lạm phát xuống dưới 10% một năm thì tôi e rằng phần lớn số doanh nghiệp này sẽ không còn tồn tại sau một năm nữa với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho cả nền kinh tế” - đại biểu Mai Hữu Tín bày tỏ quan ngại.

Theo đại biểu này, việc quan trọng hơn cả mục tiêu tăng trưởng, đó là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10% cho năm 2012 và những năm sau đó.

Trong khi đó, đại biểu Lê Phước Thanh (Quảng Ngãi) cũng cho rằng, cần có một giải pháp chính sách đồng bộ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó ưu tiên tập trung giảm tiền lãi vay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Cùng chung băn khoăn với hai đại biểu trên, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, trong thời gian qua các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chịu tác động mạnh từ những bất ổn của nền kinh tế thế giới và trong nước. Trong đó khó khăn lớn nhất vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính.


Đại biểu tỉnh Hòa Bình dẫn chứng: Theo số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hiện nay các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chỉ có khoảng 20% các doanh nghiệp được vay vốn thường xuyên. Để giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn và tiếp cận nguồn vốn, đại biểu Nguyễn Cao Sơn đề nghị các bộ, ngành liên quan hoàn thiện đề án thành lập quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cần có Nghị quyết về việc tái cấu trúc nền kinh tế

Trong buổi thảo luận hôm 27/10, các đại biểu quốc hội cũng bày tỏ mối quan tâm đặc biệt về vấn đề đầu tư công và tái cấu trúc nền kinh tế.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tới đây vấn đề tái cấu trúc đầu tư nên tập trung tái cấu trúc đầu tư ngân sách, nhưng phải định hướng rằng đầu tư nhà nước có ý nghĩa là công cụ để thúc đẩy thị trường và doanh nghiệp. Do vậy, tái cấu trúc lại đầu tư phải hiệu quả, chứ không phải chỉ đơn giản là phần của nhà nước.

“Tôi đề nghị, thứ nhất, trong các tiêu chí định hình cho đầu tư phải tuân thủ 2 nguyên tắc rất quan trọng. Một là phí tổn cơ hội, tức là đồng tiền có hạn bỏ vào đâu là hiệu quả nhất. Hai là đầu tư đó kích thích cho xã hội tăng đầu tư. Vấn đề này tôi đề nghị đặt một chỉ tiêu, tức là hàng năm đầu tư nhà nước tăng, số tuyệt đối là tăng, nhưng tỷ trọng so với đầu tư xã hội phải giảm. Điều đó có nghĩa là đồng tiền đầu tư nhà nước kích thích tăng đầu tư xã hội. Đây là một chỉ tiêu để đánh giá. Ở Thành phố Hồ Chí Minh đã làm vấn đề này” – đại biểu Trần Du Lịch nói.

Ông cũng kiến nghị Quốc hội, để thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và cần có một nghị quyết hoặc đưa vào nghị quyết về kinh tế - xã hội vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và đưa ra đầu bài tương đối rõ, giao Chính phủ rà soát tất cả các văn bản có liên quan và kể cả hệ thống pháp luật để phục vụ cho tái cấu trúc này trong nghị quyết của Quốc hội sắp tới.

Cũng liên quan đến vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, đại biểu Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) nêu ý kiến, việc tái cấu trúc nền kinh tế cần chú ý làm rõ thêm ưu điểm, nhược điểm của việc tái cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực trước khi xây dựng các chương trình, đề án tái cơ cấu.

“Có như vậy mới có thể có những phương án tái cơ cấu phù hợp, qua đó phát huy được hiệu quả của ngành, lĩnh vực sau khi tái cơ cấu. Việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính cần chú ý biện pháp đảm bảo tính an toàn lành mạnh của cả hệ thống, nếu không làm tốt vấn đề này sẽ dẫn tới đổ vỡ hệ thống ngân hàng và hậu quả của nó đối với nền kinh tế là hết sức nặng nề” – đại biểu Hà Ngọc Chiến cảnh báo.

Theo VnMedia