Độc giả chia sẻ hai giải pháp lớn cho ách tắc giao thông

28/10/2011 11:23
Lê Hồng Nhật (Vietnamnet)

Xây dựng hệ thống đường vành đai, phương tiện xe điện và kết nối nó một cách khoa học với xe buýt tỏa đi các nhánh là giải pháp cần làm trong tương lai...

Đánh thuế gắn với công nghệ và tổ chức cao

Ùn tắc giao thông đã trở thành vấn đề toàn xã hội quan tâm. Về cơ bản, các giải pháp chống ùn tắc chỉ có hai cách: Cách thứ nhất là cắt giảm lưu lượng xe cộ vào giờ cao điểm. Chẳng hạn như việc xe container chỉ được phép vào TP HCM sau 12 giờ đêm.

Cách thứ hai là tăng năng lực lưu thông bằng các giải pháp quy hoạch đô thị. Chẳng hạn như xây dựng đường vành đai để xe không chạy vào trung tâm. Xây khu đô thị mới với các khu dân cư, công sở, bệnh viện, trường học và khu giải trí thành một cụm tương đối biệt lập, như tại Quận 7 TP HCM. Hoặc quy hoạch các làng đại học ở Thủ Đức, TP HCM, hay tại khu Hòa Lạc (Hà Nội), để giảm tải lưu lượng đi lại, tập trung vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Về giải pháp thứ nhất, cắt giảm lưu lượng xe cộ vào giờ cao điểm, không phải là mới và đã được nhiều nước thử nghiệm thành công.

Chẳng hạn ở Singapore, xe ô tô chạy vào trung tâm tại giờ cao điểm bị đánh thuế. Điều đó buộc người lái xe phải đi vòng qua đường vành đai vào giờ cao điểm hoặc đơn giản là chọn phương tiện xe công cộng để tránh bị đánh thuế. Do vậy lưu lượng xe cá nhân ở các nút trọng điểm được giảm bớt vào giờ cao điểm.

Nguyên lý của quy định này hết sức đơn giản: Đó là phải đánh thuế việc sử dụng tài nguyên trở nên khan hiếm - đường đi vào giờ cao điểm. Vấn đề là nếu không đánh thuế, thì người sử dụng xe cộ vào giờ cao điểm cũng vẫn bị đánh thuế gián tiếp qua sự ùn tắc, với thời gian và chi phí đi lại bị tăng lên do bị kẹt đường.

Áp dụng nguyên lý này vào hoàn cảnh giao thông đô thị tại Hà Nội thì có nghĩa là xe ô tô chạy vào các điểm nút dễ ùn tắc tại giờ cao điểm phải bị thu lệ phí. Nhờ đó, khuyến khích tự tiết chế, giảm sự đi lại không cần thiết bằng phương tiện chiếm nhiều diện tích mặt đường như xe hơi cá nhân.

Tuy nhiên thực hiện việc thu lệ phí đòi hỏi trình độ công nghệ và tổ chức cao. Ví dụ, ở Singapore, công an đặt camera chụp số xe lưu thông tại điểm nút giao thông vào giờ cao điểm và chuyển thẳng số xe về sở thuế, mà từ đó hóa đơn thu thuế sẽ được chuyển về địa chỉ của chủ phương tiện hoặc họ bị khấu trừ thuế trực tiếp qua tài khoản tại ngân hàng.

Trình độ công nghệ tin học hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn cho phép học hỏi kinh nghiệm này của Singapore. Nhưng phối hợp thực hiện giữa nhiều ban ngành đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị.

Mặt khác, việc lập các đài FM, báo cho các phương tiện đi lại về tình hình ùn tắc để mọi người tự điều chỉnh, tránh đi vào nơi ùn tắc lại là giải pháp khá đơn giản, đã được áp dụng rộng rãi. Nhưng với một số rất đông người sử dụng xe máy, một giải pháp khả thi là quản lý giờ đi lại tại các đơn vị cơ sở, như cơ quan, trường học, công ty.

Độc giả chia sẻ hai giải pháp lớn cho ách tắc giao thông  ảnh 1

Ùn tắc giao thông đã trở thành vấn đề toàn xã hội quan tâm.

Nếu các đơn vị này có thể sắp xếp việc đi lại của nhân viên thuộc đơn vị mình giảm xuống vào giờ cao điểm, thì nên tăng quỹ phúc lợi hoặc giảm thuế đánh vào công ty, tỷ lệ với nỗ lực giảm số lượng nhân viên đi lại vào giờ cao điểm. Điều này sẽ kích thích từng đơn vị chủ động đưa ra sáng kiến giảm lưu lượng đi lại vào giờ cao điểm.

Ví dụ ở công sở, người lớn tuổi, có gia đình có thể đi xe buýt cơ quan về sớm; nhưng nhân viên trẻ nên khuyến khích ở lại học và làm thêm giờ. Vì vậy, tránh đi về quá nhiều vào cùng một giờ. Nếu từng đơn vị đều tìm cách điều tiết lượng người của đơn vị mình, giảm thiểu việc đi lại vào giờ cao điểm, thì cả xã hội sẽ đỡ bị ùn tắc.

Một cách khác là quy định hành chính. Theo đó, một số khối như trường học, bệnh viện, một số cơ quan không được lưu thông vào giờ cao điểm. Nhưng quy định như vậy, nếu nhỏ thì ít ích lợi. Nếu ở quy mô lớn thì dễ mắc phải hai loại sai lầm: Sai lầm loại một là, một số việc đi lại rất cần thiết, thì không thể đi lại do quy định.

Sai lầm loại hai là, một số lưu thông không cần thiết lắm, nhưng không thuộc diện cấm, thì vẫn đi lại được vào giờ cao điểm. Nếu hai loại sai lầm này tăng theo quy mô áp dụng của quy định hành chính, thì sẽ gây tổn phí lớn cho xã hội và rất khó thực hiện.

Giải pháp phải làm trong tương lai

Về giải pháp thứ hai, mở rộng năng lực lưu thông, tránh ùn tắc, thông qua quy hoạch và pháp triển đô thị. Việc tạo ra các cụm đô thị mới và chuyển các cơ quan hành chính, giáo dục, hoặc các khu công nghiệp về các cụm đô thị mới đó, thay vì tập trung tất cả tại các khu phố cổ, chật hẹp, là một giải pháp đang được thực hiện.

Việc xây dựng các hệ thống đường vành đai; các phương tiện lưu thông công cộng như xe điện ở những tuyến mật độ đi lại cao nhất, và kết nối nó một cách khoa học với hệ thống xe buýt tỏa đi các nhánh vào thành phố là giải pháp nhất thiết phải làm trong tương lai.

Các cụm đô thị, cộng với mạng lưới giao thông công cộng, sạch, nhanh và có khả năng luân chuyển nhiều lượt người, sẽ giúp việc giải quyết nạn ùn tắc một cách cơ bản. Nhìn rộng ra, việc xây dựng hệ thống giao thông quốc gia, như không cảng Đà Nẵng, đường quốc lộ nối Hà Nội - Thái Nguyên, sẽ cho phép tăng lưu thông - giao dịch giữa các vùng miền.

Vì vậy, sẽ tạo ra sự phát triển hài hòa giữa các vùng và các đô thị; cho phép giảm sức ép di dân về hai trung tâm hành chính - công nghiệp là Hà Nội và TP HCM. Điều này dĩ nhiên sẽ giảm nhiều nạn ùn tắc trong tương lai.

Cuối cùng, việc đánh thuế sử dụng tài nguyên trở nên hiếm, như đi lại vào giờ cao điểm, hay việc quy hoạch phát triển hệ thống giao thông - đô thị, chỉ thực hiện được khi có những con người làm việc có trách nhiệm trong tổ chức công quyền.

Điều này lại đòi hỏi phải có kênh thông tin phản hồi, cho phép đánh giá người thực thi công quyền, buộc họ phải làm việc hiệu quả tại nơi họ được giao trách nhiệm. Ví dụ, việc người phát thanh viên của đài FM thường nhận tin từ người đi đường về mức độ ùn tắc và báo về đồn công an sở tại, yêu cầu phải có cảnh sát giao thông ra lập lại trật tự, là đòi hỏi của người dân với trách nhiệm của đơn vị quản lý trật tự công.

Việc phản ánh của các tổ chức hay nhân dân với công an giao thông về xây dựng đèn tín hiệu, cho phép các làn xe rẽ trái ở ngã tư đi trước, rồi đến các làn đi thẳng qua ngã tư đi sau, là việc làm rất đơn giản, nhưng làm cho việc đi lại qua ngã tư có trật tự, nên cũng tránh ùn tắc.

Nếu nhìn như vậy, thì mọi hành vi tắc trách, gây ùn tắc không cần thiết hay làm chậm trễ việc đưa vào sử dụng các hạn mục giao thông trọng điểm phải bị xử phạt. Nói rõ hơn, việc cách chức người thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, là một việc làm cần thiết trong quản lý. Nó kích thích mọi nhân viên công quyền phải công tâm trong việc thực thi nhiệm vụ. Cách chức người thiếu trách nhiệm, dĩ nhiên là phải đi kèm với việc đề bạt người có năng lực và có trách nhiệm thay thế vào vị trí quản lý.

Như vậy, trách nhiệm và trình độ quản lý các lĩnh vực của dịch vụ công tại địa phương, chứ không chỉ riêng gì việc giải quyết ùn tắc, sẽ dần trở thành tiêu chuẩn để đề bạt cán bộ - một kinh nghiệm quý báu, mà Trung Quốc đã làm để chuyển mình sau hơn 30 năm, thành siêu cường đang lên. Hàn Quốc, Singapore, Đài loan đều đã đi qua con đường như vậy.

Một hướng nữa là xây dựng các cụm đô thị mới và phát triển hạ tầng với mục tiêu hướng đến trình độ công nghệ tiên tiến, lấy chuẩn mực quốc tế để đánh giá nỗ lực vươn lên, cạnh tranh trên tầm quốc tế của từng đơn vị sản xuất hay của cả một khu vực kinh tế hay trung tâm đô thị.

Theo hướng này, các đô thị mới có thể được quy hoạch xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, tại những nơi mà hợp tác quốc tế nhằm khai thác vị thế địa - kinh tế là lớn nhất. Ví dụ như các điểm nằm ở hành lang Đông -Tây, hoặc vùng nối với Tây Nam Trung Quốc.

Do lợi ích hợp tác về phát triển công nghiệp - thương mại - vận chuyển quốc tế là rất lớn, khả năng gọi vốn đầu tư, hấp thụ công nghệ và trình độ tổ chức tiên tiến vào phát triển các đô thị và vùng kinh tế tại những điểm chiến lược này là rất lớn. Mới đây, Thủ tướng CP vừa sang thăm và ký kết hiệp định hợp tác với Hà Lan là một ví dụ cụ thể và là một bước đi quan trọng theo hướng này.

Một quốc gia với nhiều trung tâm đô thị hiện đại, kết nối bởi một mạng lưới hạ tầng giao thông trong nước và xuyên khu vực sẽ làm thay đổi về cơ bản mô hình phát triển của Việt Nam. Ách tắc đô thị hôm nay sẽ chuyển dần thành các thành phố văn minh, có trật tự của ngày mai - charter cities.

Đó là hướng đi mới  trong sự tái cấu trúc bên trong, bắt đầu từ tổ chức, kết hợp với thu hút công nghệ, trình độ tổ chức tiên tiến từ bên ngoài, vì sự phát triển bền vững của đất nước và ổn định của khu vực.

Một quốc gia với nhiều trung tâm đô thị hiện đại, kết nối bởi một mạng lưới hạ tầng giao thông trong nước và xuyên khu vực sẽ làm thay đổi về cơ bản mô hình phát triển của Việt Nam. Ách tắc đô thị hôm nay sẽ chuyển dần thành các thành phố văn minh, có trật tự của ngày mai - charter cities.

Đó là hướng đi mới  trong sự tái cấu trúc bên trong, bắt đầu từ tổ chức, kết hợp với thu hút công nghệ, trình độ tổ chức tiên tiến từ bên ngoài, vì sự phát triển bền vững của đất nước và ổn định của khu vực.

Lê Hồng Nhật (Vietnamnet)