Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được đơn phản ánh của phụ huynh trường Trung học cơ sở Yên Thường (xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) về việc tại hoạt động dạy thêm, học thêm của trường không đúng quy định.
Theo đơn kiến nghị của phụ huynh, tại trường Trung học cơ sở Yên Thường con em họ đang phải học thêm dưới dạng Câu lạc bộ trá hình như: Câu lạc bộ Toán, Văn, Tiếng Anh… Mỗi học sinh tham gia học tập tại các câu lạc bộ này phải đóng từ 360.000 đồng – 500.000 đồng/tháng.
Địa điểm dạy thêm tại trường, thời gian được thực hiện vào các buổi trống trong tuần, ngay sau khi kết thúc các môn học chính (sau buổi sáng là 10h30, buổi chiều là sau 16h00).
Tờ trình của trường Yên Thường và Quyết định của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm cho trường dạy thêm. (Ảnh:LC) |
Trong đơn, các vị phụ huynh cho biết, đối với những học sinh học buổi sáng, các cháu sau khi học thêm về phải ăn vội vàng để kịp học chiều, còn đối với học sinh học buổi chiều thì sau khi học thêm xong trời đã rất tối, người mệt mỏi rã rời.
Chất lượng giảng dạy cũng bị đặt câu hỏi khi phụ huynh phản ánh việc các con họ chỉ đến các lớp học thêm làm bài tập xong rồi về. Gọi là học thêm nhưng thực chất là đến lớp làm bài tập.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cho biết mọi khoản thu của nhà trường không có hóa đơn, chứng từ, phụ huynh cho tiền vào phong bì nộp cho giáo viên chủ nhiệm.
Trong đơn gửi báo, phụ huynh học sinh đã thống kê riêng tiền học thêm của mỗi học sinh nộp trung bình là từ 700.000 đồng – 1000.000 đồng/tháng, như vậy với 1600 học sinh, mỗi tháng trường Trung học cơ sở Yên Thường thu hơn một tỷ đồng tiền dạy thêm mà không phải nộp một khoản thuế, phí nào.
Phụ huynh học sinh cũng nêu ra tình trạng nhà trường đang xây dựng mới, sửa chữa, tình trạng học chính phải ghép lớp diễn ra tràn lan.
“Với nghề làm nông, đông con như chúng tôi đóng 1 -2 triệu đồng/tháng cho con rất là gánh nặng. Các cháu thì không còn thời gian giúp bố mẹ, 70% các cháu cận thị do học quá nhiều”, các vị phụ huynh trình bày trong đơn.
Để thông tin khách quan về sự việc, ngày 24/9, phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu của nhà trường.
Trong buổi làm việc với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Tâm cho rằng những phản ánh, kiến nghị như vậy có thể là của phụ huynh học sinh khối 6 , bởi các khối 7 - 8 – 9 đã đi và nề nếp từ nhiều năm và không xảy ra tình trạng khiếu kiện gì.
Ông Tâm cũng cho biết, về mặt nguyên tắc của nhà nước thì khối 6 – 7 không tổ chức học thêm, nhưng trong điều kiện nhà trường không tổ chức được học 2 buổi vì thế phải dạy thêm học thêm thì mới đủ thời lượng.
Hiện, trường Yên Thường đang trong quá trình xây dựng và sửa chữa mới.
Nói về việc học thêm tại trường, ông Tâm cho biết việc này đã được thực hiện theo quyết định số 224/QĐ – GD&DT của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm.
Theo quyết định này, việc dạy thêm trong nhà trường của trường Trung học cơ sở Yên Thường sẽ có hiệu lực trong vòng 12 tháng. Quyết định được cấp vào tháng 10/2017.
Cũng theo ông Tâm, hiện nhà trường tiếp tục làm tờ trình theo quy định của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm. Theo dự kiến hết tháng 9/2018 nhà trường sẽ có quyết định mới.
Nói về học phí học thêm, ông Đặng Văn Tâm cho biết, nhà trường thực hiện đầy đủ theo quy định của ngành giáo dục Hà Nội là thu 7000 đồng/tiết đối với lớp có từ 30 - 40 học sinh, mỗi tuần 10 tiết và tổng thu là 280.000 đồng/tiết.
Việc này đã và đang thực hiện tại trường và đúng quy định.
Theo ông Tâm, trường Yên Thường đang trong quá trình xây dựng, phòng học khó khăn nên không thể tổ chức học buổi 2.(Ảnh: LC) |
Về chất lượng giảng dạy trong lớp, ông Tâm cho rằng chất lượng giảng dạy có phản ánh như vậy ông sẽ cho kiểm tra lại.
Tuy nhiên, ông Tâm cũng khẳng định rằng chất lượng giảng dạy của trường Trung học cơ sở Yên Thường trong những năm gần đây đang có sự cải thiện rõ rệt.
Theo ông Tâm, từ ngày ông Tâm về làm hiệu trưởng, tỷ lệ thi đỗ vào 10 công lập của trường Yên Thường có sự tiến bộ rõ rệt.
Những năm đầu, tỷ lệ đỗ tại trường Yên Thường chỉ là 43%, đến năm học 2017 – 2018, tỷ lệ thi đỗ vào 10 của trường là 73%.
Nói về mức phí từ 360.000 đến 500.000 đồng/tháng, ông Tâm cho rằng sẽ cho kiểm tra lại và sẽ thông báo lại với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Tuy vậy, ông Tâm cũng cho rằng những con số như vậy có thể là việc thu gộp tiền từ lúc học hè năm 2018.
Bởi theo ông Tâm, trường Trung học cơ sở Yên Thường đang trong quá trình xây dựng và sửa sang lại cơ sở vật chất nên việc học hè không diễn ra từ ngày 2/8 như quy định của thành phố Hà Nội mà bắt đầu diễn ra sau ngày 15/8.
Ngay trong buổi làm việc với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ông Đặng Văn Tâm đã đưa ra giải pháp đối với kiến nghị của phụ huynh học sinh về việc học thêm:
“Hiện tại giải pháp của tôi là dừng lại toàn bộ nội dung học thêm của khối 6 – 7 bắt đầu từ tháng 10. Kể cả đã được phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm cấp phép.
Đối khối 8 - 9 thì vẫn duy trì bởi để đảm bảo chất lượng học tập để vào 10, việc học thêm cũng đã đi và nề nếp.
Mặc dù (việc học thêm) có nhu cầu, được cấp phép tuy nhiên, việc này sẽ dừng ngay để làm lại quy trình”.
Cũng theo vị Hiệu trưởng trưởng trường Trung học cơ sở Yên Thường, trong thời gian tới nhà trường sẽ làm lại quy trình đăng ký học thêm cho học sinh khối 6 – 7.
Ai có nhu cầu, phụ huynh nào có nhu cầu sẽ đến văn phòng đăng ký, không thông qua giáo viên trên lớp. Mức thu đúng theo quy định của nhà nước.
Ông Tâm khẳng định rẳng việc dạy thêm tại trường Yên Thường không vi phạm một chút nào về các quy định của nhà nước về dạy thêm, học thêm.
“Nếu nói việc thu 7000 đồng/tiết học là quá sức chịu đựng của con nông dân thì tôi cho rằng ý kiến đó không xây dựng và đây là quy định của nhà nước, chúng tôi không làm khác”, ông Tâm cho biết.