Những nhà giáo không đứng trên bục giảng

30/09/2018 07:14
Phan Tuyết
(GDVN) - Các sơ tại "Mái ấm tương lai" vừa là bảo mẫu, vừa là những nhà giáo chưa một ngày đứng trên bục giảng nhưng giàu kinh nghiệm giảng dạy và rèn giũa học sinh.

Mái ấm tương lai (thôn Đá Mài 2, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) nơi chan chứa tình người, dạt dào lòng nhân ái, nơi chưa bao giờ khép cửa với những mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, những đứa trẻ gia đình gặp biến cố trong cuộc sống…

Các em không chỉ được các sơ Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết cưu mang dạy dỗ, nuôi ăn còn được đến trường học chữ như bao đứa trẻ bình thường khác.

Vừa chăm lo cái ăn cái mặc, vừa dạy dỗ bảo ban cho những đứa trẻ thiệt thòi bất hạnh nơi đây là sơ trưởng Vũ Thị Vĩnh cùng sơ Đào, sơ Lý, sơ Trang…

Các sơ vừa là bảo mẫu, vừa là những nhà giáo chưa một ngày đứng trên bục giảng nhưng giàu kinh nghiệm giảng dạy và rèn giũa học sinh.

Những đứa trẻ bất hạnh quen lối sống tự do

Những đứa trẻ được cưu mang trong “Mái ấm tương lai” luôn luôn biến động. Thời điểm chúng tôi vào thăm có hơn 30 em được nuôi dưỡng tại đây. Mỗi em một hoàn cảnh nhưng tất thảy đều rất đáng thương.

Các em tại Mái ấm tương lai cùng nhau học tập (Ảnh: tác giả cung cấp).
Các em tại Mái ấm tương lai cùng nhau học tập (Ảnh: tác giả cung cấp).

Hai bé La Thị Lan, La Văn Điệp ở Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, mình sống cùng người mẹ bị thần kinh với 3 người anh em mỗi người một bố.

Mẹ vốn không tỉnh táo nên cứ lang thang nay đây mai đó rồi có bầu, sinh con nhưng chẳng thể nuôi dưỡng.

Hai chị em được gửi vào Mái ấm, được các sơ nuôi dưỡng và cho đi học. Quãng thời gian ở mái ấm là thời gian sung sướng nhất của các em từ trước đến giờ.

Hoàng Thị Quỳnh Nga ở Đồng Nai, mẹ bỏ đi khi em còn rất nhỏ. Bố bị nghiện và đi tù, em ở với bà nội.

Bà nội già yếu không có khả năng nuôi cháu nên mang Nga về chốn này để gửi gắm.

Nga hiện đang học lớp 5 Trường tiểu học Tân Xuân. Em nói mình thích ở nơi này vì thấy rất vui.

4 anh em Long, Kiệt, Trung, Hà tuy còn mẹ nhưng mẹ lại không có khả năng nuôi dưỡng 4 anh em.

Mẹ đi làm thuê khắp nơi, sợ các con cũng lang bang như mình và không được học hành nên đã gửi các em vào Mái ấm.

Cả năm trời không được gặp mẹ, trong trí nhớ của những đứa trẻ này, hình bóng mẹ, hình ảnh về một gia đình riêng chỉ còn trong kí ức.

Bé Dương được các sơ đón về khi vừa chào đời đã bị chính người thân ruột thịt bỏ rơi.

Nhưng, đáng thương nhất là hình ảnh cậu bé mới 2 tháng tuổi khóc ngằn ngặt lả đi vì đói trong vòng tay người mẹ nghiện, bên cạnh là người cha cũng đang vật vờ lên cơn đói thuốc…

Dạy kĩ năng sống

Hơn 30 đứa trẻ nơi này, nhiều em đã có thời gian dài sống lang thang cùng bố mẹ, có em thiếu sự dạy dỗ của người lớn.

Bởi thế, để các em sống hòa hợp, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt trong một gia đình cũng không dễ chút nào.

Ngoài học kiến thức, các em còn được học thêm đàn (Ảnh: tác giả cung cấp).
Ngoài học kiến thức, các em còn được học thêm đàn (Ảnh: tác giả cung cấp).

Sơ Trưởng nói: “Phải dạy các em tất cả mọi thứ, từ những điều nhỏ nhất như ngáp, hắt hơi phải biết che miệng, biết nói lời cám ơn, xin lỗi, biết chào hỏi khách, rót nước mời khách khi chưa có người lớn tiếp chuyện, biết kính trên nhường dưới, biết chia sẻ công việc với mọi người, biết xếp hàng đi trật tự khi đi ngoài đường, biết sống gọn gàng ngăn nắp…”.

Các em được răn dạy thường xuyên. Ngoài dạy lý thuyết, các em còn được thực hành bằng các công việc cụ thể như quét sân vườn, gấp mùng mền, quần áo ngay ngắn, lau nhà, lau bàn ăn, rửa chén, nhặt rau, dọn nhà vệ sinh…

Những việc làm của các em luôn được các sơ theo dõi, giám sát để nhắc nhở khi các em làm chưa đạt, để tuyên dương, động viên khi các em thực hiện tốt…Nhờ đó, những đứa trẻ nơi này luôn ngoan ngoãn, lễ phép và siêng năng.

Chăm lo việc học 

Hàng ngày, các em được đi học ở trường, tối về các sơ trở thành những cô giáo nhiệt tâm vừa ôn lại kiến thức cũ, vừa giảng dạy, chuẩn bị kiến thức mới cho ngày mai.

Sơ trưởng cho biết, dựa vào năng lực và kinh nghiệm để phân các sơ phụ trách từng lớp học cho hiệu quả.

Sơ Trang kèm học sinh lớp 2 và 3. Sơ Lý kèm học sinh 4 và 5. Sơ Đào kèm các em lớp 1 và lớp 7.

Riêng môn Anh văn các sơ mời một giáo viên ở La Gi lên dạy tuần 2 buổi vào thứ 3 và thứ 5 hàng tuần cho các em. 2 tháng hè, học sinh được đưa xuống trung tâm Anh ngữ Dila để học.

Sơ Đào nói: “Chỉ tính riêng tiền xe buýt cũng tốn vài trăm ngàn đồng cho hai lượt đi về”. Do các em ở lại học cả ngày, sơ phải liên hệ nhà, chở cơm xuống để các em nghỉ ngơi ăn uống vào buổi trưa.

Ngoài học Anh văn, các em còn được học vi tính (Ảnh: tác giả cung cấp).
Ngoài học Anh văn, các em còn được học vi tính (Ảnh: tác giả cung cấp).

Ngoài học Anh văn, còn được học vi tính, học đàn. Nhờ thế, các em học khá tốt các môn văn hóa, nhiều em còn biết chơi đàn và sử dụng vi tính thành thạo.

Giờ các em tới trường, các sơ lại tất tả với biết bao công việc khác như làm hoa, thêu tranh để tăng thu nhập góp phần duy trì việc học tập và sinh hoạt cho vài chục em ở Mái ấm tương lai này.

Phan Tuyết