Báo Kinh tế & Đô thị, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 28/9 đưa tin, cùng ngày trong cuộc làm việc với truyền thông về đề án triển khai chương trình sữa học đường tại Hà Nội, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết:
Thành phần các vi chất dinh dưỡng sẽ được in trên các vỏ hộp sữa. Nhà thầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên nếu xảy ra vấn đề trong quá trình các em học sinh uống sữa.
Thầy Tiến khẳng định rằng, thành phần sữa sẽ theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Về việc giám sát thành phần Sữa học đường sẽ có các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, ví dụ như Cục An toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng khuyến cáo, cha mẹ học sinh có điều kiện thì kiểm tra, giám sát thành phần sữa học đường. [1]
Sữa học đường "chuyên biệt" chỉ Hà Nội mới có, không bán ra ngoài
Trước đó, trong cuộc giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thầy Phạm Xuân Tiến chia sẻ với truyền thông về sản phẩm sữa học đường của Hà Nội, rằng:
Thầy Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ với báo giới về sữa học đường ngày 28/9, ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị. |
"Cái này là quy định của Bộ Y tế về thành phần sữa học đường, và đơn vị nào trúng thầu, họ phải nghiên cứu hồ sơ mời thầu dày 1 tập như thế này, tất cả những gì có liên quan.
Quy định ấy là quy định của Bộ Y tế, chứ không phải là, Sở Giáo dục làm sao làm được?
Mà tôi nói, đến Sở Y tế cũng không đưa ra được thành phần, mà phải là Viện Dinh dưỡng của Bộ Y tế đưa ra thành phần, mà quyết định (là) của Bộ Y tế, chứ không phải là Sở Giáo dục đâu.
Nó được bổ sung thêm một số vi lượng và khoáng chất, để làm gì? Để tăng chiều cao. Nó phù hợp với cái lứa tuổi phát triển đấy, chứ nó không phải như sữa tươi không đường hoặc có đường bán trên thị trường.
Đây là chương trình sữa học đường, nó có các cái thành phần như sữa tươi bán trên thị trường và bổ sung một số các cái thành phần khác.
Nên tôi khẳng định luôn là cái sữa này nó khác với các sữa khác ở chỗ đó. Và tôi cũng xin cung cấp thêm thông tin:
Tôi có đến một số trường tiểu học sau khai giảng, tôi hỏi hiệu trưởng là, em có biết cái sữa này, sữa học đường này, nó khác cái gì không?
Hiệu trưởng không nói được.
Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có? |
Tôi bảo, đấy, tại vì họp em không chịu nghe. Sữa này nó khác cơ bản là gì? Nó được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất giúp cho trẻ trong độ tuổi phát triển.
Thế nó mới gọi là sữa học đường, chứ không nó gọi là sữa tươi có đường hoặc sữa tươi không có đường, chứ ai gọi là sữa học đường? Đúng không ạ? Rõ ràng là như thế.
Thế còn, chất lượng thì như chị Nhung nói rồi, còn kiểm soát chất lượng thì có các hệ thống các ban ngành.".
Ngày 20/9, Báo VietnamNet đặt câu hỏi với thầy Phạm Xuân Tiến, rằng: "Chất lượng của Sữa học đường có khác gì các loại sữa phổ biến trên thị trường với giá tương đương, thưa ông?".
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết:
"Sữa trong Đề án Sữa học đường ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, sữa học đường là sữa chuyên biệt và được tăng cường 3 vi chất so với các loại sữa thông thường bán trên thị trường giúp trẻ phát triển thể lực, chiều cao.
Đó là sữa tươi bao gồm cả có đường, không đường để đáp ứng nhu cầu của từng học sinh." [2]
Trong cuộc giao ban báo chí hôm 25/9, Báo VnExpress dẫn lời thầy Phạm Xuân Tiến cho hay:
Sữa học đường là sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng cho học sinh thủ đô.
Sữa này bổ sung một số vi lượng, khoáng chất, giúp tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng cho trẻ. Sản phẩm không bán trên thị trường và có tem mác riêng, Phó giám đốc Sở Giáo dục thông tin.
Đơn vị xây dựng các tiêu chuẩn vi chất để bổ sung vào sữa học đường cho học sinh Hà Nội là Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Cục vệ sinh An toàn thực phẩm, các chi cục của thành phố chịu trách nhiệm tiền kiểm, hậu kiểm và quản lý việc triển khai cung ứng sữa. [3]
Bộ Y tế chưa hề cấp phép lưu hành công thức chuyên biệt nào cho sữa học đường Hà Nội
Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu cung cấp sữa học đường, thanh tra toàn bộ đề án |
Ngày 28/9 tại trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thầy Phạm Xuân Tiến tiếp tục có thêm những chia sẻ với báo giới về chương trình sữa học đường.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đề nghị Ban chỉ đạo đề án sữa học đường Hà Nội, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cung cấp văn bản / quyết định của Bộ Y tế để chứng minh rằng, Bộ Y tế đã phê chuẩn / cấp phép / đồng ý tiêu chuẩn sữa học đường "chuyên biệt" của Hà Nội.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã cung cấp cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam 2 bản sao công văn.
Một là công văn số 4801/ATTP-KN ngày 21/9/2018 của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế gửi Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường.
Nội dung công văn này như sau:
Kinh gửi: Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội
Cục An toàn thực phẩm nhận được công văn số 3891/UBND-KGVX ngày 23/8/2018 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội do Bộ Y tế chuyển giải quyết liên quan đến sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Về việc này, Cục An toàn thực phẩm có ý kiến như sau:
1. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm a, Khoản 3, Điều 1, Quyết định số 1304/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2016.
2. Đối với các vi chất dinh dưỡng bổ sung vào sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường theo quy định tại Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 1340/QĐ-TTg, Bộ Y tế đã giao cho Viện Dinh dưỡng chủ trì tiến hành nghiên cứu, tổng hợp các quy định của quốc tế về mức vitamin, khoáng chất; đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường tại Điều 2, Quyết định số 5450/QĐ-BYT.
Ngày 28/8/2018, Cục An toàn thực phẩm đã chủ trì, họp với các đơn vị liên quan về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Ngày 17/9/2018, Viện Dinh dưỡng có công văn số 437/DDHĐ&NN về việc đề xuất bổ sung các vi chất trong sữa sử dụng cho Chương trình Sữa học đường gồm Vitamin D, Sắt và Canxi (kèm theo).
Cục An toàn thực phẩm kính đề nghị Văn phòng Ủy ban báo cáo Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố. (hết trích)
Hà Nội nên thận trọng, tránh làm biến tướng chương trình sữa học đường |
Công văn thứ 2 mang số hiệu 437/DDHĐ&NN của Viện Dinh dưỡng mà đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cung cấp cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cho biết:
Dựa trên tinh thần cuộc họp ngày 28/8/2018 giữa Cục An toàn thực phẩm và Cục, Vụ, Viện liên quan đến vấn đề dinh dưỡng sữa học đường. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và báo cáo kỹ thuật khuyến nghị vi chất dinh dưỡng trong sữa sử dụng cho chương trình sữa học đường của Viện Dinh dưỡng. Viện Dinh dưỡng đề xuất bổ sung các vi chất như sau:
....
Kính trình Cục An toàn thực phẩm để tổng hợp và hoàn thiện các nội dung quyết định trình lãnh đạo Bộ Y tế. (hết trích)
Như vậy cả 2 công văn này không có bất kỳ nội dung nào cho thấy Bộ Y tế đồng ý / phê chuẩn / cấp phép cho tiêu chuẩn sữa học đường "chuyên biệt" của Hà Nội.
Kể cả 3 vi chất mà Viện Dinh dưỡng khuyến nghị bổ sung vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường tại Hà Nội, Bộ Y tế cũng chưa hề phê chuẩn.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tại cuộc họp báo ngày 28/9 nói rằng, doanh nghiệp trúng thầu cung cấp sữa học đường sẽ phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố nào khi học sinh sử dụng sữa học đường.
Tại sao Bộ Y tế chưa cấp phép, Hà Nội đã triển khai mời thầu cung cấp sữa học đường có pha 3 vi chất này với quảng cáo "chuyên biệt", "tăng chiều cao", chỉ Hà Nội mới có, không bán ra bên ngoài?
Chúng tôi đã đem thắc mắc này trao đổi với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, câu trả lời của Sở sẽ được chúng tôi gửi đến quý bạn đọc trong bài viết sau.
Chương trình Sữa học đường hết sức nhân văn, ý nghĩa và thiết thực nếu được triển khai một cách bài bản, khoa học, minh bạch và hiệu quả.
Do đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam góp ý và phản biện với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng là để bảo vệ mục tiêu rất nhân văn, ý nghĩa và thiết thực mà chương trình sữa học đường của Chính phủ đã vạch ra.
Vấn đề còn lại nằm ở cách làm, đặc biệt là với thị trường 1,3 triệu học sinh mầm non, tiểu học Hà Nội sử dụng sữa tươi học đường mỗi ngày, nếu làm tốt còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội chứ không chỉ dừng ở việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng, tầm vóc trẻ em.
Tài liệu tham khảo:
[1]http://kinhtedothi.vn/sua-hoc-duong-khong-co-chuyen-sua-dong-chai-thuy-tinh-khong-tem-mac-326295.html
[2]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/phu-huynh-co-the-dung-tham-gia-sua-hoc-duong-bat-ky-luc-nao-478851.html
[3]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ha-noi-ho-tro-hon-1-200-ty-dong-lam-sua-rieng-cho-hoc-sinh-thu-do-3815071.html