Theo thống kê của Bộ Tư lệnh cảnh sát Biển, từ năm 2013 đến nay, trên tuyến biển và các địa bàn các tỉnh, thành phố ven biển, đảo tình hình buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng nhanh chóng.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, trung bình mỗi năm, số vụ bị phát hiện, số đối tượng bị bắt liên quan đến ma túy tổng hợp tăng từ 10%-15% so với các năm trước.
Đặc biệt, từ 2015 đến nay, số vụ án có tang vật liên quan đến ma túy tổng hợp do lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy điều tra, phát hiện, bắt giữ chiếm từ 40-45% tổng số vụ án bị phát hiện, bắt giữ; đối tượng bị bắt chủ yếu là thanh thiếu niên, có độ tuổi trung bình từ 18-30 tuổi.
Nguồn ma túy tổng hợp chủ yếu được đưa từ Trung Quốc, Lào và Campuchia vào Việt Nam qua khu vực biên giới trên bộ, trên biển và sau đó được vận chuyển đi sâu vào trong nội địa.
Đối tượng Lê Thị Lập và Mai Lê Anh bị bắt trong chuyên án ma túy do Cảnh sát biển Việt Nam triệt phá. (Ảnh: BTL Cảnh sát biển) |
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi để đối phó lại các cơ quan chức năng.
Hầu hết đối tượng trong các đường dây buôn bán ma túy tổng hợp đều sử dụng các thiết bị công nghệ cao để hoat động phạm tội.
Bên cạnh đó, hoạt động của các điểm, tụ điểm bán lẻ và tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện phức tạp và lan rộng trên cách tỉnh, thành phố ven biển.
Điều đáng lo ngại hiện nay, là các chất ma túy tổng hợp được các đối tượng mua bán rất đa dạng, nhiều chủng loại khác nhau.
Từ ma túy dạng viên nén, ma túy dạng đá, dạng lỏng rồi chuyển hướng sang các loại ma túy kết hợp với các hương liệu để kích thích sự tò mò của người sử dụng, nhất là giới trẻ học sinh, sinh viên.
Tinh vi hơn, các chất ma túy và ma túy tổng hợp được các đối tượng ngụy trang và dán mác dưới các hàng hóa thông thường như:
Trà sữa, muối biển, tem giấy… để trốn tránh cơ quan chức năng, mặt khác gây kích thích tính tò mò của giới trẻ
Theo Đại tá Lê Thế Trung, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), mặc dù luôn nỗ lực trong đấu tranh, ngăn chặn ma tuý tổng hợp, lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.
Dù vậy lực lượng Cảnh sát biển vẫn còn thiếu biên chế, kinh phí, phương tiện kỹ thuật hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh có điểm còn hạn chế, trong khi đó phải quản lý cả địa bàn trên biển rất rộng nên công tác quản lý, tuần tra kiểm soát và đấu tranh bắt giữ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Riêng đối với công tác quản lý, kiểm soát và đấu tranh với các loại tội phạm về tiền chất, tuy lực lượng Cảnh sát biển đã có rất nhiều cố gắng nhưng chưa phát hiện được vụ việc liên quan đến tiền chất.
Bởi, công tác kiểm soát tiền chất chủ yếu tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tiền chất.
Mặt khác, tiền chất được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội nên liên quan đến nhiều bộ ngành, cơ quan quản lý khác nhau.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan còn nhiều điểm hạn chế, thông tin trao đổi không thường xuyên, đặc biệt là trao đổi thông tin, phối hợp kiểm tra hoạt động sử dụng, mua bán, vận chuyển tiền chất của các doanh nghiệp trong nội địa về số lượng đầu vào, đầu ra, còn lại.
Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác kiểm soát tiền chất theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng phạm tội lợi dụng, móc lối, mua bán sản xuất các loại ma túy tổng hợp rồi tung ra thị trường.
Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trao thưởng đột xuất cho các đơn vị Cảnh sát biển triệt phá chuyên án Ma túy. (Ảnh: BTL Cảnh sát Biển) |
Cũng theo Đại tá Trung, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát hiện, bắt giữ các đối tượng phạm tội liên quan đến tiền chất và ma tuý tổng hợp, giải pháp quan trọng vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên nâng cao nhận thức, hiểu biết về tác hại nguy hiểm của các loại ma tuý tổng hợp.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cơ quan, doanh nghiệp đang hoạt động liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, mua bán, sử dụng các loại tiền chất.
Các lực lượng chức năng cũng cần nâng cao hiệu quả hoạt động công tác nghiệp vụ; kiểm soát và thu thập đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động tội phạm về ma túy nhằm nghiên cứu, đánh giá tình hình, xu hướng, diễn biến hoạt động của các loại tội phạm về ma túy để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp.
Đồng thời, chủ động tham mưu cho các cấp ủy cấp mình và chính quyền địa phương triển khai các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy và hoạt động phạm tội về ma túy nhất là tại các tuyến và địa bàn trọng điểm phức tạp về ma tuý tổng hợp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, tiền chất và ma tuý tổng hợp với các nước trên thế giới và trong khu vực, nhất là với các nước có chung đường biên giới và giữa các lực lượng chức năng trong nước nhằm tăng cường tuần tra kiểm soát, trao đổi, xác minh thông tin; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ; hỗ trợ kinh phí, phương tiện nghiệp vụ nâng cao năng lực điều tra bắt giữ tội phạm về ma túy.