Những kỷ niệm đáng nhớ của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với quê hương, dòng họ

03/10/2018 09:24
Theo TTXVN
(GDVN) - "Khi nghe tin bác qua đời, tôi xúc động vô cùng, không chỉ do là cháu ruột mà vì cả cuộc đời bác tôi đã cống hiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân..."

Trưa 2/10, chúng tôi đến ngôi nhà thờ gia đình của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi dân làng và họ hàng đã tề tựu khá đông để cùng tưởng nhớ và ôn lại những kỷ niệm đáng nhớ về người con ưu tú của quê hương mình, làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội.

Ngôi nhà thờ ba gian lợp ngói proximăng đơn sơ, nằm lọt giữa khu vườn xanh mát tại làng Đông Phù, vùng quê vốn nổi tiếng về truyền thống cách mạng, nơi nguyên Tổng Bí thư sinh ra.

Đây chính là nơi mà chi bộ cộng sản đầu tiên của vùng ngoại thành Hà Nội được thành lập vào tháng 5/1930, tức là chỉ 3 tháng sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngôi nhà thờ đơn sơ của gia đình nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại xã Đông Mỹ.
Ngôi nhà thờ đơn sơ của gia đình nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại xã Đông Mỹ.

Ấn tượng về người bác, người ông sống mẫu mực, giản dị 

Căn nhà thờ do các cháu trong gia đình trông nom, hương khói. Bên trong không có vật gì giá trị ngoài bàn thờ Tổ tiên và những bức ảnh ông chụp cùng con cháu.

Ông Nguyễn Duy Yên, cháu ruột của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa trở về sau khi qua nhà riêng của cụ để lo hậu sự.

Chưa kịp ăn uống gì, tiếp phóng viên chúng tôi, ông Yên không khỏi xúc động và bất ngờ vì sự quan tâm của mọi người khi vừa nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười mất.

"Khi nghe tin bác qua đời, tôi xúc động vô cùng, không chỉ do là cháu ruột mà vì cả cuộc đời bác tôi đã cống hiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân, không hề có lợi ích cá nhân. Bác mất đi là tổn thất lớn cho gia đình và họ hàng chúng tôi.

Đó là người ông, người cha mẫu mực để con cháu, dòng họ chúng tôi mãi mãi học tập", ông Yên xúc động nói.

Ông Yên rơm rớm nước mắt: "Điều ấn tượng nhất về người bác ruột mình, đó là sự giản dị, lúc nào cũng nghĩ đến học tập, đọc sách, lao động, cống hiến cho Đảng, Nhà nước và nhân dân".

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một lần về thăm quê. Ảnh tư liệu
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một lần về thăm quê. Ảnh tư liệu

Một người cháu gọi cụ là ông trẻ, ở tại ngôi nhà này từ bé, nhớ lại kỉ niệm: "Khi sửa lại nhà thờ do đổ nát quá, gia đình chúng tôi lên xin ý kiến ông, ông nói: Nhiều người ở vùng xa xôi còn khổ hơn mình. Nhà hỏng thì mua thuốc mối về trị".

Lần cuối ông về thăm nhà là Tết vừa rồi. Lúc đó ông vẫn khỏe, đi lại được. Mấy tháng trước con cháu lên thăm thì ông vẫn nói chuyện bình thường, vẫn nhớ mặt con cháu.

"Ngôi nhà ông đang sống cũng rất đơn sơ, phòng chỉ toàn sách là nhiều vì ông sống rất giản dị, tiết kiệm. Có lần tôi muốn mua cái đệm tặng ông mà ông cũng không cho.

Đến trước lúc mất ông vẫn còn ngồi cái ghế nhựa. Bởi ông sống rất tình cảm nên đêm qua lúc ông ra đi mãi mãi, các nhân viên y tế của bệnh viện 108 chăm sóc cho ông trong những ngày cuối đời đều khóc thương ông", người cháu của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười rưng rưng kể.

Bàn thờ tổ tiên trong nhà thờ gia đình nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Bàn thờ tổ tiên trong nhà thờ gia đình nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Nguyên Tổng bí thư và tấm lòng với quê hương  

Ông Lê Tuấn Minh, Bí thư Đảng uỷ xã Đông Mỹ nhớ như in những lần nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm quê.

Dù ở trên các cương vị công tác khác nhau, nguyên Tổng Bí thư vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho quê hương.

Mỗi lần về quê, ông thường dành nhiều thời gian để động viên hỏi han cán bộ, nhân dân xã Đông Mỹ về tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

“Số lần nguyên Tổng Bí thư về thăm quê không đếm hết. Có năm vào mùng 1 Tết, bác về chúc Tết cán bộ và nhân dân, thăm các cụ lão thành cách mạng.

Nhân dân và cán bộ xã Đông Mỹ rất trân trọng và yêu mến người cán bộ của Đảng suốt đời tận tụy với nước, với dân”, ông Lê Tuấn Minh cho hay.

“Tôi nhớ nhất lần nguyên Tổng Bí thư về thăm quê ngày 15/5/2015 – nhân kỉ niệm 85 năm ngày thành lập Chi bộ Đông Phù – nơi ông đã kết nạp Đảng.

Lần đó ông về và có bài phát biểu dài 22 phút, động viên cán bộ địa phương. Ông động viên mọi người đoàn kết, thống nhất, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh”, ông Minh nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Mỹ thì kể lại: “Trên cương vị Tổng Bí thư, năm 2016, bác Đỗ Mười đã về quê và trồng tặng địa phương cây đa trong khuôn viên Uỷ ban nhân dân xã. Cây đa đó giờ đã vô cùng xanh tốt”.

Thực hiện lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về công tác xóa đói giảm nghèo trên địa phương, đến nay, xã Đông Mỹ chỉ còn 0,81% hộ nghèo.

Xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới và được công nhận năm 2014, trở thành xã điểm nông thôn mới của huyện Thanh Trì. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.

Bí thư Đảng ủy xã Lê Tuấn Minh cho biết: Mặc dù chưa có thông tin chỉ đạo từ trên về việc tổ chức tang lễ nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhưng bà con quê hương đã chuẩn bị chu đáo và rất mong được đón ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê hương Đông Mỹ. Tối nay, các ngành đoàn thể sẽ họp để chuẩn bị cho lễ tang.

Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười do tuổi cao sức yếu, đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1/10/2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 102 tuổi.

Sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, được tôi luyện, trưởng thành qua các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từng trải qua nhiều cương vị công tác, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, đồng thời là người con ưu tú là niềm tự hào của quê hương, dòng họ.

Theo TTXVN