Hà Nội vẫn chưa thực sự công khai, minh bạch về sữa học đường

03/10/2018 15:21
Nhật Quang
(GDVN) - Dường như Hà Nội đang "dọn ổ" cho một doanh nghiệp lớn nào đó trúng thầu cung cấp sữa học đường cho 1,3 triệu học sinh Thủ đô, mập mờ về sữa đặt hàng riêng.

Báo Kinh tế & Đô thị ngày 3/10/2018 có bài "Triển khai chương trình “sữa học đường” tại Hà Nội: Quan trọng là công khai, minh bạch".

Bài báo phỏng vấn ông Trần Thế Cương - Trưởng ban Văn hóa xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về những ý kiến trái chiều xung quanh cách triển khai một chương trình nhân văn.

Báo Hà Nội Mới ngày 3/10/2018 có bài "Triển khai Chương trình sữa học đường tại Hà Nội: Bảo đảm nguyên tắc tự nguyện", dẫn lời Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định:

Minh bạch và bảo đảm tự nguyện là nguyên tắc triển khai chương trình này. [2]

Nhưng thực tế công tác triển khai của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho thấy, nói còn chưa minh bạch, khi làm sẽ thế nào?

Nếu làm tốt, chương trình sữa học đường tại Hà Nội có thể kích thích ngành chăn nuôi bò sữa thủ đô phát triển. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới.
Nếu làm tốt, chương trình sữa học đường tại Hà Nội có thể kích thích ngành chăn nuôi bò sữa thủ đô phát triển. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội Mới.

Chúng tôi xin được nhắc lại rằng, chương trình sữa học đường là rất nhân văn và thiết thực nếu được triển khai một cách khoa học, hiệu quả, nghiêm túc và minh bạch.

Ngược lại, nếu làm minh bạch nửa vời, nó có thể tác động không nhỏ đến ngành sữa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo ra độc quyền và dễ bị trục lợi, một cơ hội để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa ở Thủ đô phát triển bền vững gắn với đầu ra, sẽ bị bỏ lỡ.

Cần minh bạch cơ sở pháp lý của công thức sữa "Hà Nội đặt hàng làm riêng cho học sinh Thủ đô"

Hà Nội chưa minh bạch về cơ sở pháp lý của công thức sữa chuyên biệt "đặt hàng riêng cho học sinh Thủ đô", bổ sung thêm vi chất mà sữa tươi ngoài thị trường không có, giúp tăng trưởng chiều cao và phát triển trí tuệ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từng quảng cáo trên truyền thông cũng như tập huấn cho đội ngũ quản lý, hiệu trưởng các trường tiểu học và cơ sở giáo dục mầm non rất bài bản về công thức này. 

Cứ xem cách thầy Phạm Xuân Tiến tập huấn cho 1 hiệu trưởng thì biết:

"Tôi có đến một số trường tiểu học sau khai giảng, tôi hỏi hiệu trưởng là, em có biết cái sữa này, sữa học đường này, nó khác cái gì không? Hiệu trưởng không nói được.

Tôi bảo, đấy, tại vì họp em không chịu nghe. Sữa này nó khác cơ bản là gì? Nó được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất giúp cho trẻ trong độ tuổi phát triển.

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Thế nó mới gọi là sữa học đường, chứ không nó gọi là sữa tươi có đường hoặc sữa tươi không có đường, chứ ai gọi là sữa học đường? Đúng không ạ? Rõ ràng là như thế."

Sau những phân tích và phản biện từ Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Hà Nội không nhắc gì đến công thức sữa "đặt hàng riêng cho học sinh Thủ đô", không lấy Bộ Y tế ra làm bia đỡ cho những quảng cáo không đúng sự thật nữa.

Nhưng cha mẹ học sinh vẫn không thể biết được sữa học đường có bổ sung thêm 3 vi chất "giúp tăng trưởng chiều cao và phát triển trí tuệ" mà sữa tươi bên ngoài không có, như đã quảng cáo hay không?

Liệu đó có phải cách làm việc khoa học, minh bạch?

Hà Nội cần minh bạch cơ chế hỗ trợ tài chính, đấu thầu

Báo Hà Nội Mới hôm nay dẫn lời thầy Phạm Xuân Tiến cho biết:

“Để học sinh được hưởng quyền lợi tốt nhất, chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ càng cao càng tốt (mức tối thiểu là 20%), giá thành hộp sữa càng thấp càng tốt.” [2]

Trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 28/9, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn nói rõ hơn:

"Vấn đề ngân sách, tại sao quận chủ động về ngân sách còn thành phố hỗ trợ cho các huyện, thị xã thì sao không để cho các quận, huyện đấu thầu.

Sở Giáo dục thực hiện theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị cung cấp sữa và xây dựng hợp đồng khung, từ đó các quận, huyện và thị xã sẽ ký hợp đồng với nhà thầu.

Vậy thì đối với Sở, chúng tôi thực hiện trách nhiệm theo sự chỉ đạo, do đó chúng tôi nhận nhiệm vụ tổ chức đấu thầu. Và Sở Giáo dục đã giao cho Phòng Kế hoạch tài chính chúng tôi là đơn vị thường trực trong nội dung này.

Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn, ảnh: Lại Cường.
Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn, ảnh: Lại Cường.

Thứ hai nữa liên quan đến vấn đề đấu thầu thì nó liên quan đến vấn đề về giá, trong đề án tạm tính là 6.875 đồng. Giá liên quan đến sản phẩm, các chất trong sữa tươi tiệt trùng của chương trình sữa học đường Hà Nội.

Những quy định tiêu chuẩn này chúng tôi dựa vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ Y tế 5450, và đồng thời xin ý kiến của Viện Dinh dưỡng và Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.

Căn cứ vào các tiêu chuẩn mà đã được cơ quan chuyên môn là Viện Dinh dưỡng có ý kiến, và ý kiến thẩm định của Bộ Y tế thì chúng tôi tiến hành thẩm định cái thẩm giá.

Từ thẩm giá này mới ra quy mô gói thầu theo Luật Đấu thầu, đồng thời cũng là quy định về mặt chất lượng.

Các đồng chí cũng có hỏi, vậy hồ sơ mời thầu thì chúng ta lựa chọn nhà thầu theo tiêu chí nào?

Tinh thần hồ sơ mời thầu của chúng tôi là công khai, minh bạch, thực hiện đúng Luật Đấu thầu.

Và tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, đầu tiên là phải lựa chọn được đơn vị cung cấp chất lượng sữa và có khả năng cung cấp được quy mô của thành phố Hà Nội.

Như vậy ở đây nó liên quan đến vấn đề về năng lực của nhà thầu: năng lực về tài chính, năng lực về chuyên môn cung cấp được chương trình sữa học đường này.

Sữa học đường, không tính kỹ sẽ thành của người phúc ta, mượn hoa dâng Phật

Và một tiêu chí rất quan trọng là vấn đề về giá. Về giá ở đây, giá đánh giá có 2 nội dung đưa vào để chúng ta lựa chọn.

Nếu nhà thầu đã qua được bước kỹ thuật thì sang bước về mặt mức giá thì chúng tôi quan tâm đến 2 điều kiện. 

Thứ nhất là mức hỗ trợ. Trong đề án của Ủy ban Nhân dân thành phố không để chằn chặn 20%, mà để "tối thiểu" là 20%.

Như vậy là anh nào hỗ trợ nhiều hơn, thậm chí là 25, 30% thì tiêu chí sẽ được ưu tiên.

Thứ hai là giá gói thầu quy về giá hộp sữa, ai bỏ thấp nhất thì sẽ có ưu tiên cho các nhà thầu đó, và tất nhiên giá này chúng tôi quy định trong hồ sơ mời thầu đã bao gồm tất cả các chi phí đến tay người dùng là các em học sinh."

Đúng là Đề án của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có ghi mức "hỗ trợ" của nhà thầu cung cấp sữa tươi cho chương trình Sữa học đường của Hà Nội là "tối thiểu 20%".

Đúng là Đề án này có ghi rõ: đơn giá 01 hộp sữa tạm tính là 6.875 đồng/hộp = 180ml (có thuế giá trị gia tăng); Giá thực tế của sản phẩm thực hiện Đề án theo giá trúng thầu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. [3]

Nhưng Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 5/7/2018 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, quy định cơ chế hỗ trợ, đóng góp thực hiện đề án này lại ghi rất rõ ràng:

"Ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%". [4]

Mặt khác, thầy Nguyễn Viết Cẩn cho biết "tiêu chí trong hồ sơ mời thầu, đầu tiên là phải lựa chọn được đơn vị cung cấp chất lượng sữa và có khả năng cung cấp được quy mô của thành phố Hà Nội".

Như vậy, vô hình trung các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bị "loại ngay từ vòng gửi xe" với tiêu chí đảm bảo cung cấp được quy mô của thành phố Hà Nội (1 triệu đến 1,3 triệu hộp sữa tươi tiệt trùng 180 ml / ngày, 5 ngày / tuần).

Ảnh minh họa, nguồn: CafeBiz.
Ảnh minh họa, nguồn: CafeBiz.

Nói cách khác, dường như Hà Nội đang "dọn ổ" cho một doanh nghiệp lớn nào đó trúng thầu cung cấp sữa học đường cho 1,3 triệu học sinh Hà Nội.

Với 1 doanh nghiệp, hoàn toàn có thể giữ nguyên mức "hỗ trợ" 20% tính trên giá bán lẻ 6.875 đồng / hộp, vì làm gì còn đối thủ nào đáp ứng được yêu cầu về quy mô sản lượng của Hà Nội để mà lựa chọn? 

Hơn nữa, doanh nghiệp "hỗ trợ" 20% được Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ấn định rồi cơ mà!? Lúc đó lấy đâu ra con số hỗ trợ 25% đến 30%?

Thế nên trong trường hợp này, chữ "tối thiểu" đứng trước 20% mức "hỗ trợ của doanh nghiệp", hay "giá trúng thầu" ghi trong Đề án, phải chăng chỉ để che mắt thế gian?

Tranh luận trên tinh thần khoa học và cầu thị

Giải thích của Trưởng ban Văn hóa xã hội - Hội đồng Nhân dân thành phố Trần Thế Cương trên Báo Kinh tế & Đô thị hôm nay về đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường dường như có phần khiên cưỡng, duy ý chí.

Ông Trần Thế Cương cho rằng: "Việc thực hiện chắc chắn phải theo Luật Đấu thầu, nếu xé nhỏ gói thầu để nhiều doanh nghiệp được tham gia cung cấp sữa sẽ khó khả thi. 

Chúng ta không thể đáp ứng theo nhu cầu nhỏ của từng người, mà phải mang tính vĩ mô." 

Thứ nhất, gói thầu cung cấp sữa học đường cho 1,3 triệu học sinh Hà Nội là một gói thầu rất lớn nếu xét trên bình diện quy mô sản lượng so với khả năng cung ứng của các doanh nghiệp ngành sữa Việt Nam hiện nay;

Nhất là trong bối cảnh chúng ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% đến 40% sữa tươi, còn lại phải nhập khẩu. Thầy Nguyễn Viết Cẩn cũng xác nhận rằng, thậm chí ngay cả doanh nghiệp sữa lớn nhất cũng chưa chắc đảm đương nổi một mình, mà phải liên doanh với các nhà thầu phụ.

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu cung cấp sữa học đường, thanh tra toàn bộ đề án

Do đó, chia thành các gói thầu với sản lượng nhỏ hơn để phù hợp khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp mới thực sự là giải pháp khả thi và khoa học. 

Thứ hai, "việc thực hiện chắc chắn phải theo Luật Đấu thầu", thì Điều 4 (Giải thích từ ngữ) của luật này cho biết, đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên có thể là bên mời thầu.

10 quận của Hà Nội sử dụng ngân sách quận đảm bảo hỗ trợ chương trình sữa học đường trên địa bàn quận mình mà làm bên mời thầu, thiết nghĩ đâu có trái Luật Đấu thầu?

Thứ ba, khẳng định của ông Trần Thế Cương rằng "chúng ta không thể đáp ứng theo nhu cầu nhỏ của từng người, mà phải mang tính vĩ mô" là thiếu thuyết phục.

Thậm chí một bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (Nguyễn Trung Dũng) còn tham mưu cho thành phố một giải pháp rất hay, vừa làm được điều tưởng chừng "không thể", vừa không phải thành lập ban bệ cồng kềnh:

"Thành phố nên cấp phiếu uống sữa cho học sinh. Các em học sinh mang phiếu này đến bất kỳ của hàng nào, mua bất cứ hộp sữa gì cũng được. Thành phố sau đó thanh toán lại với cửa hàng."

Thứ tư, doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng đều phải tuân thủ pháp luật, hàng rào kỹ thuật về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, không có chuyện doanh nghiệp lớn thì sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn tốt hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nếu cứ định kiến với doanh nghiệp vừa và nhỏ là sẽ yếu thế hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, để dùng ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp lớn, thì còn đâu công bằng và thúc đẩy sản xuất phát triển, cạnh tranh lành mạnh?

Ngược lại, làm như vậy sẽ chỉ dung dưỡng độc quyền, ngân sách và người dân đều thiệt.

Nguồn:

[1]http://kinhtedothi.vn/trien-khai-chuong-trinh-sua-hoc-duong-tai-ha-noi-quan-trong-la-cong-khai-minh-bach-326589.html

[2]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/914634/bao-dam-nguyen-tac-tu-nguyen

[3]https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-4019-qd-ubnd-ha-noi-de-an-thuc-hien-chuong-trinh-sua-hoc-duong-cai-thien-dinh-duong-165917-d2.html

[4]http://file2.hanoi.edu.vn//Data/hnedu/hanoi/Attachments/06-2018-NQ-HDND_signed.pdf

Nhật Quang