Năm 2001, sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học của Trường Đại học Sài Gòn (trước đây là Cao đẳng Sư phạm), cô Huỳnh Thị Minh Trâm gắn bó với ngôi trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh suốt từ đó cho đến nay.
Suốt gần 20 năm dạy học, cho đến nay, cô Trâm luôn là hình ảnh của một người giáo viên tận tâm với nghề, hết lòng thương yêu học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp, và nhất là đam mê với phương pháp dạy học sáng tạo.
Vào một buổi sáng đầu tháng 10, khi đến lớp 4/2 của Trường tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mới tận mắt chứng kiến được một tiết học thật sinh động, học sinh hào hứng với cách giảng bài, dạy học của cô Trâm.
Cô Huỳnh Thị Minh Trâm luôn đam mê với các phương pháp dạy học sáng tạo (ảnh: P.L) |
Cô Huỳnh Thị Minh Trâm tâm sự: Trong một vài năm đầu đi dạy, do chưa có điều kiện, thì cách dạy của cô hơi cứng nhắc.
Về sau này, do có nhiều thời gian đi nghe giảng dạy tâm lý nhiều hơn, nên cô Trâm đã hiểu ra rằng, cần phải có phương pháp làm sao để dạy học sinh tự giác, chủ động hợp tác với giáo viên trong các bài học.
Nữ giáo viên tiểu học này luôn tâm niệm rằng, làm sao cho học sinh luôn cảm thấy có niềm hạnh phúc khi đến lớp, thật thích thú và cũng là ngày vui của mình.
Không bao giờ cô giáo này la mắng học sinh, khi các em nghịch ngợm hay không tập trung vào bài học, mà luôn đặt mình vào vị trí của các em, hiểu được tâm lý và biết học sinh muốn gì.
“Cái chính là cần có lòng tin vào trẻ, và để trẻ cũng hiểu được những giá trị bản thân của mình” – cô Trâm chia sẻ.
Học sinh luôn được phát huy tối đa tư duy sáng tạo, suy nghĩ trong các giờ học của cô Trâm (ảnh: P.L) |
Chính vì vậy, đã từ nhiều năm nay, cô Huỳnh Thị Minh Trâm luôn cố gắng tìm tòi ra những phương pháp dạy học sáng tạo, lấy học sinh là đối tượng trung tâm cần hướng tới.
Cô Trâm nói rằng, người giáo viên cần phải truyền đạt nội dung bài giảng làm sao cho học sinh dễ nhớ nhất, dựa trên những cái các em đã biết để xây dựng thành một nội dung bài dạy cụ thể, kích thích được khả năng tư duy sáng tạo, suy nghĩ của học sinh.
Trong các bài dạy của mình, cô Huỳnh Thị Minh Trâm luôn biết cách lồng ghép vào đó những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống của học sinh, như kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng nói trước đám đông, hướng đến cho trẻ cách giải quyết vấn đề.
Với từng bài học, mọi lúc, mọi nơi thì cô Trâm đều có thể làm được việc này. Và cứ như thế, sau thời gian dài áp dụng, học sinh của cô đã tự tin hơn rất nhiều trong giao tiếp, mạnh dạn phát biểu, đưa ra ý kiến trước mọi vấn đề, thể hiện quan điểm của bản thân rất rõ ràng.
Từng giờ dạy của cô ở trên lớp luôn nhẹ nhàng, thoải mái và cả thú vị. Các thành tích mà lớp học do cô chủ nhiệm đạt được, cũng chính là nhớ vào sự thoải mái, mạnh dạn tham gia các hoạt động của học sinh.
Cô Trâm luôn quan tâm, chăm chút vào từng bài giảng của mình khi đến lớp (ảnh: P.L) |
Từ những gì đã và đang thực hiện, cô Huỳnh Thị Minh Trâm luôn tin rằng, luôn lắng nghe và thấu hiểu là cách tích cực, ngắn nhất để mang trái tim của người thầy đến gần hơn với trẻ.
Có một kỷ niệm trong nghề mà cô Trâm nhớ nhất, đó là vào năm học trước, lớp do cô Trâm chủ nhiệm có 2 học sinh sinh đôi rất hiếu động, không bao giờ chịu ngồi im trong lớp để nghe cô giáo giảng bài.
Cùng lúc thì phụ huynh của 2 em này cũng không hợp tác, phối hợp với cô chủ nhiệm trong việc giáo dục, dạy dỗ học sinh.
Thế nhưng, nhờ sự kiên trì đeo bám, phối hợp giải thích cặn kẽ cho phụ huynh, học sinh theo từng ngày, thì cuối cùng, 2 em học sinh này đã có những bước tiến rõ rệt. Khoảng cách giữa cô trò, phụ huynh đã thu hẹp lại dần.
Nói về niềm vui lớn nhất trong cuộc đời sau gần 20 năm đi dạy của mình, cô Huỳnh Thị Minh Trâm tâm sự: “Dù bản thân đã đạt được danh hiệu giáo viên chủ nhiệm tiểu học giỏi cấp thành phố, cùng với rất nhiều danh hiệu cấp quận, cấp trường, nhưng cái chính là từ những cố gắng hàng ngày của mình trong chuyên môn đã giúp cho học sinh ngày càng học tốt hơn. Đó mới là mục tiêu mà người giáo viên cần phấn đấu, hướng tới”.