Công khai, minh bạch các khoản thu
Tại Trường Mầm non Family là một trường ngoài công lập (tại thành phố Hạ Long), các khoản thu đầu năm học đều được nhà trường thực hiện công khai, minh bạch đến các bậc phụ huynh.
Là ngôi trường có chất lượng cao, tuy nhiên, học phí và tiền ăn trung bình một trẻ thuộc nhóm nhà trẻ chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng (nếu học cả ngày thứ 7 thì mất khoảng 3,3 triệu đồng), trong đó, tiền ăn là 45.000 đồng/ngày.
Chị Đào Thu Trang, phụ huynh lớp nhà trẻ Trường Mầm non Family, chia sẻ: “Mình thấy rất hài lòng, yên tâm khi cho con học tại ngôi trường này.
Trường không yêu cầu đóng góp những khoản lặt vặt đối với các trẻ mới vào trường như chăn, đệm, nước uống hay tiền bảo vệ, điều hòa, trông trẻ ngoài giờ… Tất cả được gói gọn trong học phí hàng tháng”.
Tiết học của các bé lớp nhà trẻ, Trường Mầm non Family, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). (Ảnh: CTV) |
Tương tự, tại Trường Tiểu học-Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), việc thu chi đầu năm luôn được Ban Giám hiệu nhà trường rất quan tâm, thực hiện nghiêm túc.
Theo cô giáo Vũ Thị Thùy Dương, Hiệu phó nhà trường, mức thu đầu năm được nhà trường công khai đến các bậc phụ huynh.
Nhà trường không thu quỹ lớp hay quỹ trường. Tất cả chi phí của nhà trường đều chi từ học phí. Ở mỗi khối thì mức thu lại khác nhau.
Như với cấp tiểu học, trường thu học phí 450.000 đồng/tháng; 15.000 đồng/bữa ăn trưa; 5.000 đồng/ngày phụ phí trông trưa; học thứ 7 (nếu có) là 50.000 đồng/ngày;
Phí cứu hộ bơi (nếu có) là 100.000 đồng/tháng; học ngoại ngữ với người nước ngoài (nếu có) là 20.000 đồng/tiết; xe đưa đón (nếu có) dao động từ 300.000-450.000 đồng/tháng (tùy vào số km).
Ở Trường Tiểu học-Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, mức học phí đang thu hiện nay được đánh giá là khá thấp so với nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Nhờ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường ngày càng được đầu tư mở rộng nên ngôi trường này ngày càng được nhiều phụ huynh tin tưởng, yên tâm khi cho con em mình theo học.
Cụ thể, năm học 2018-2019, nhà trường đã tuyển được hơn 2.200 học sinh từ cấp tiểu học đến Trung học phổ thông (tăng tới 1.000 học sinh so với năm học trước).
Các Giám đốc sở Giáo dục nói gì về nạn lạm thu? |
Qua tìm hiểu, tỉnh Quảng Ninh có quy định đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập được tự quyết định mức thu học phí trên cơ sở chất lượng dịch vụ, khả năng đóng góp của nhân dân trong vùng tuyển sinh, đồng thời cân đối thu chi và có tích lũy để phát triển.
Trước khi quyết định mức thu học phí, các trường ngoài công lập phải tổ chức lấy ý kiến thống nhất của cha mẹ học sinh; phải công khai mức thu học phí, chất lượng dịch vụ trước khi tuyển sinh; công khai tình hình thu, chi, quản lý, sử dụng học phí theo quy định.
Siết chặt quản lý tránh lạm thu
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, việc thu đầu năm học đã, đang được rất nhiều trường trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc.
Theo đó, để khắc phục tình trạng lạm thu tại các trường học, ngay từ đầu năm, Sở đã siết chặt việc quản lý thu đầu năm.
Cụ thể, Sở quán triệt đối với các khoản thu thỏa thuận để phục vụ trực tiếp cho học sinh gồm: trả tiền công phục vụ bán trú, tiền ăn bán trú, tiền mua bổ sung hằng năm về đồ dùng, dụng cụ để dùng chung phục vụ bán trú cho học sinh, tiền nước uống, trông trẻ ngoài giờ.
Các trường học tổ chức triển khai, chỉ thực hiện thu khi toàn thể cha mẹ học sinh thống nhất và tự nguyện.
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh sẽ tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục nếu để xảy ra lạm thu (Ảnh: CTV) |
Việc thu các khoản trên phải căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu của cha mẹ học sinh, theo nguyên tắc thu đủ chi, công khai, thống nhất trong ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, tổ chức hội nghị cha mẹ học sinh trường, lớp để triển khai bằng văn bản kế hoạch thu, chi đến cha mẹ học sinh.
Trong đó, tiền quản lý trông trưa và tổ chức ăn bán trú (thực hiện đối với các cơ sở giáo dục phổ thông học 2 buổi/ngày, có tổ chức ăn bán trú), mức thu không vượt quá 150.000 đồng/tháng/học sinh.
Các tài sản như xoong, nồi, bếp ga, giường, chăn, chiếu… chỉ thu đối với học sinh mới tuyển vào trường hoặc toàn trường nếu mua sắm lần đầu.
Các cơ sở giáo dục căn cứ vào kết quả kiểm kê dụng cụ nhà bếp hàng năm, trao đổi, thỏa thuận với cha mẹ học sinh để mua sắm bổ sung cho phù hợp.
Về tiền nước uống tinh khiết, đối với những trường chưa được lắp hệ thống lọc nước thì thu không quá 7.000 đồng/học sinh/tháng (đối với các trường học 1 buổi/ngày).
Những trường học 2 buổi/ngày có thể tính toán mức tiêu thụ nước của buổi hai để thống nhất với cha mẹ học sinh tăng mức thu cho phù hợp để chi cho việc mua nước uống tinh khiết phục vụ học sinh, chi phí quản lý nước (không thực hiện thu nội dung này đối với trẻ mầm non).
Hay như đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở cũng quy định các trường không được ấn định mức thu, không quy định mức kinh phí đóng góp, ủng hộ bình quân.
Theo bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, việc siết chặt quản lý thu, chi đầu năm học chính là để góp phần tránh được việc lạm thu ở các cơ sở giáo dục.
Sở đã giao nhiệm vụ cho Thanh tra Sở tăng cường việc thanh, kiểm tra, thu chi các khoản huy động đóng góp của người học.
Trong quá trình thanh, kiểm tra, ngành sẽ xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái những quy định của Sở.