Liên tiếp trong thời gian gần đây giá dầu trên thế giới tăng, điều này khiến giá xăng dầu trong nước bị tác động cũng tăng đáng kể. Điều này khiến không ít người lo ngại giá xăng có thể lên mức kỷ lục vào thời điểm cuối năm.
Thường vụ Quốc hội quyết tăng thuế môi trường đối với xăng dầu |
Cụ thể, trong kỳ điều chỉnh giá xăng ngày 6/10, liên Bộ quyết định tăng giá sau khi đã trích lập Quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2018.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 tăng 675 đồng/lít, lên mức 20.906 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 577 đồng/lít, lên mức 22.347 đồng. Giá dầu diesel 0.05S tăng 485 đồng/lít; lên mức 18.611 đồng/lít.
Giá dầu hỏa tăng 403 đồng/lít, lên mức 17.086 đồng/lít và giá dầu mazut 180CST 3.5S tăng 752 đồng/kg, lên mức 15.964 đồng/kg.
Trước phiên điều chỉnh lần này 15 ngày, giá xăng cũng đã điều chỉnh tăng 320 đồng/lít. Như vậy, chỉ trong thời gian gắn giá xăng đã tăng xấp xỉ 1.000 đồng/lít.
Nhiều người lo ngại giá xăng tăng liên tiếp trong các phiên điều chỉnh giá gần đây cộng với việc nếu áp dụng ngay thuế bảo vệ môi trường vào đầu năm 2019 sẽ càng đẩy giá nhiều mặt hàng tăng cao. Ảnh: Vũ Phương. |
Theo Liên Bộ Tài chính - Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 6/10 đã tăng mạnh. Giá xăng RON 92 tại Singapore là 92,5 đô la Mỹ/thùng (dùng để pha chế xăng E5 RON 92). Kỳ trước giá là 86,823 đô la Mỹ/thùng.
Liên Bộ cũng cho biết Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi sử dụng liên tục nhằm hạn chế tác động tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới tới giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát.
Giá xăng liên tiếp tăng vào những tháng cuối năm và cũng cận kề ngày Nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 có thể đẩy giá xăng tăng cao.
Nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu với mức thuế môi trường đối với xăng được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít (mức cũ là 3.000 đồng/lít).
Thuế môi trường đối với dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên mức trần 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít..
Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng có thể còn tăng nữa bởi vậy nên cân nhắc việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường đầu năm 2019 để tránh lạm phát tăng cao, gây khó cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguồn Tạp chí điện tử Đảng Cộng sản. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay: “Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, là đầu vào và đầu ra của rất nhiều ngành.
Những năm vừa qua, Việt Nam kiểm soát được lạm phát cũng một phần nhờ giá xăng dầu giảm xuống.
Giá xăng tăng sẽ tất yếu làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến đời sống người dân, nền kinh tế cũng vậy.
Xăng tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành vận tải và hầu như mặt hàng nào cũng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi mặt hàng nào cũng phải đưa tư nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Theo đó, hàng tiêu dùng sẽ tăng theo giá xăng.
Việc tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá cả, làm tăng lạm phát và chỉ số CPI. Mà chỉ số CPI tăng lên thì giá cả các mặt hàng sẽ tăng lên".
Thuế môi trường xăng dầu khiến người dân có cảm giác đang bị... tận thu |
Nói về nguyên nhân giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng mạnh, Tiến sĩ Ngô Trí Long phân tích: “Nguyên nhân khiến giá dầu thế giới tăng xuất phát từ việc Iran - một nước xuất khẩu dầu mỏ lớn đang bị cấm vận.
Điều này khiến nguồn cung dầu thế giới giảm, đặc biệt trong thời điểm trước mùa đông, nhu cầu dự trữ dầu tăng, trong khi đó nguồn cung giảm. Cầu tăng, cung giảm thì giá sẽ tăng”.
Không ít ý kiến cho rằng, giá xăng liên tục tăng, cộng thêm biểu thuế bảo vệ môi trường mới với xăng dầu vào đầu năm 2019 sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân. Bởi vậy, việc lùi thời gian áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường rất cần thiết.
Về ý kiến này Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng: “Việc Bộ Công thương đề xuất lùi áp biểu thuế bảo vệ môi trường ngay đầu năm 2019 là có căn cứ và cần thiết.
Thời điểm trước giá dầu thế giới có trên 80 đô la Mỹ/thùng, nay lại lên trên 90 đô la Mỹ, theo dự báo giá dầu còn tăng nữa. Bởi vậy, nếu áp biểu thuế bảo vệ môi trường nữa, giá xăng dù tăng hay giảm sẽ cộng thêm trên dưới 1.000 đồng mỗi lít xăng dầu. Điều này khiến giá xăng đã cao lại cao nữa và kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá”.
Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng bày to lo ngại, giá xăng dầu đang tăng, nếu áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường mới với xăng dầu vào thời điểm không thích hợp sẽ đẩy giá xăng tăng cao sẽ gây khó cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt kém hơn giờ lại phải chịu thêm chi phí nữa sẽ càng khó cho doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, không có nghĩa Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu có hiệu lực sẽ áp dụng ngay. Ảnh: N.Q. |
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: “Tăng giá xăng sẽ ảnh hưởng đến yếu tố đầu vào, làm tăng chỉ số tiêu dùng và kéo theo giá cả nhiều mặt hàng tăng.
Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và nền kinh tế.
Nghị quyết về thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu được tăng kịch trần có hiệu lực từ 1/1/2019, điều này không có nghĩa đến ngày đó sẽ áp dụng ngay.
Từ nhiều yếu tố, Chính phủ sẽ cân nhắc có áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường mới với xăng dầu ngay đầu năm hay không.
Nếu áp dụng ngay biểu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu khi giá xăng dầu đang ở mức cao sẽ khiến lạm phát tăng vọt ngay từ đầu năm 2019. Trong khi đó, năm 2018 chúng ta nỗ lực kiềm chế lạm phát mà ngay năm sau lại để lạm phát tăng vọt sẽ mất ý nghĩa”.
Sáng 28/9, Ban chỉ đạo điều hành giá đã họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra đề xuất thay đổi thời gian áp dụng biểu thuế bảo vệ môi trường mới với xăng dầu vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua.
Theo đó, mức thuế này sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng, có hiệu lực từ 1/1/2019. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng thời điểm này sẽ rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành chỉ số giá tiêu dùng của năm 2019.
Do đó, lãnh đạo ngành công thương kiến nghị cần thực hiện tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu vào thời điểm khác thích hợp.