Ông chủ T-farm: Tôi làm giáo dục không phải vì...tiền

11/10/2018 06:19
XUÂN THIÊN
(GDVN) - " Với tôi, đích đến và giá trị cốt lõi của hình thức giáo dục này chưa hẳn là tiền. Quan trọng hơn đó là sự đóng góp cho xã hội và sự ghi nhận của cộng đồng".

Thay vì nói suông thì hãy hành động

Mặc dù không phải là lần đầu trò chuyện với doanh nhân Lê Xuân Tưởng, “chỉ huy trưởng” Công ty cổ phần Thiết bị và Hóa chất Thăng Long, nhưng mỗi lần trò chuyện với anh là mỗi lần tôi lại được nghe những câu chuyện thú vị về chuyện đời, chuyện nghề kinh doanh không ít thăng trầm của vị doanh nhân trẻ.

Khác hẳn với dáng dấp của một vị doanh nhân thường thấy trong bộ cánh sơ mi trắng, quần âu, lần này tôi gặp anh trong bộ dạng một “người nông dân chính hiệu” tại Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm (Đông Thịnh, Thanh Hóa) – nơi anh đang thực hiện ước mơ ấp ủ hơn 20 năm nay.

Hóa ra cứ mỗi dịp cuối tuần, anh lại tức tốc từ Hà Nội trở về Thanh Hóa để quán xuyến mọi công việc tại trang trại. Anh cũng xem công việc ở trang trại là thú vui và cũng là nơi thư giãn sau mỗi giờ làm việc căng thẳng.

Từng là sinh viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại Học Quốc gia Hà Nội, sau khi tốt nghiệp (năm 1998) anh chọn cho mình một hướng đi khác, đó là theo đuổi con đường kinh doanh. Bởi, theo anh chỉ có làm kinh doanh mới có tiền để thực hiện được ước mơ của mình.

Quãng thời gian bươn trải, lăn lộn với nghề gia sư và đi hát tại các quán cà phê sinh viên kiếm thêm thu nhập đủ để anh trải nghiệm, tích lũy được những giá trị kinh nghiệm sống thực tế.

Cho đến trước khi thành lập Công ty cổ phần Thiết bị và Hóa chất Thăng Long (năm 2005), anh Tưởng từng có thời gian công tác tại Công ty đường Lam Sơn. Những ngày tháng gian nan, vất vả giúp anh đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý giá trong công việc, quản trị, xây dựng các mối quan hệ của riêng mình.

Doanh nhân Lê Xuân Tưởng: "Hãy hành động thay vì chỉ biết nói suông”. Ảnh của Xuân Thiên.
Doanh nhân Lê Xuân Tưởng: "Hãy hành động thay vì chỉ biết nói suông”. Ảnh của Xuân Thiên.

Dám nghĩ, dám làm, chấp nhận mạo hiểm đã khiến anh không ít lần gặp trắc trở trên con đường lập nghiệp. Mỗi lần gặp thất bại anh lại loay hoay làm lại từ đầu từ hai bàn tay trắng.

Anh đã có lúc rơi vào cảnh đến chiếc xe máy cà tàng cũng không có mà đi. Trong tình cảnh khốn khó ấy, anh phải mượn xe máy của vợ và nhân viên cắm luân phiên để lấy vốn làm ăn, vực lại cơ nghiệp từ đống đổ nát. 

Với anh, một trong những chìa khóa của thành công là không được bỏ cuộc dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa.

Thành công trên thương trường đã giúp anh đến gần hơn với ước mơ từng 20 năm đeo đuổi của mình - đầu tư vào lĩnh vực giáo dục để tạo ra những giá trị cốt lõi, bền vững giúp phát triển con người và xã hội.

Anh bảo: “Mọi thứ đều bắt đầu từ giáo dục. Giáo dục mang lại nhiều giá trị to lớn trong đời sống, giúp chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chính vì vậy, đầu tư cho trang trại giáo dục là niềm đam mê từ khi còn nhỏ của tôi, thôi thúc tôi tạo ra một môi trường học tập mà học sinh, giáo viên, phụ huynh có thể học một cách tự nguyện, hiệu quả trên cơ sở trải nghiệm thực tế”, anh Tưởng chia sẻ.

Khi đã trở thành một doanh nhân đứng đầu một doanh nghiệp thành danh ở Hà Nội, anh quyết định trở về quê hương xã Đông Thịnh (Đông Sơn, Thanh Hóa) để thực hiện đam mê ngay trên chính mảnh đất khô cằn sỏi đá mà anh đã từng sinh ra.

Cái cách mà vị doanh nhân trẻ thể hiện đam mê của mình khi ấy cũng chẳng giống ai, thậm chí còn bị cho là ý tưởng điên rồ bởi khi đó, hầu hết người dân quanh vùng chưa hiểu trang trại giáo dục là gì.

Khác hẳn với dáng dấp của một vị doanh nhân thường thấy trong bộ cánh sơ mi trắng, quần âu, lần này tôi gặp anh trong bộ dạng một “người nông dân chính hiệu” tại Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm. Ảnh của Xuân Thiên.
Khác hẳn với dáng dấp của một vị doanh nhân thường thấy trong bộ cánh sơ mi trắng, quần âu, lần này tôi gặp anh trong bộ dạng một “người nông dân chính hiệu” tại Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm. Ảnh của Xuân Thiên.

Nhưng đã quyết tâm thì phải làm, năm 2001, anh quyết định thuê lại một phần đất nông nghiệp tại cánh đồng Cao, xã Đông Thịnh để thực hiện dự án Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm.

"Nhiều người khi ấy thấy khó hiểu với ý tưởng có phần liều lĩnh của tôi, rồi tỏ ý can ngăn. Có người khuyên, sao không đầu tư chỗ khác nhanh kiếm tiền hơn mà lại chui đầu vào chỗ khô cằn sỏi đá này để làm ăn.

Thậm chí có người còn cho rằng chỉ có khùng mới thuê đất ở nơi “khỉ ho cò gáy ấy” để làm trang trại. Nhưng họ biết tính tôi đã quyết cái gì thì phải làm bằng được nên có phản đối cũng chẳng có ích gì.

Khi đã quyết định bắt tay vào làm thì dù khó khăn mấy cũng phải vượt qua để thực hiện được đam mê của mình. Tôi luôn coi những đàm tiếu, nghi ngờ của mọi người là động lực để cố gắng đạt được mục tiêu của mình”, anh Tưởng chia sẻ.

Đến nay, sau nhiều năm đầu tư, mô hình Trang trại giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm đã, đang thu được những kết quả đáng mừng.

Hoạt động chăn nuôi, trồng trọt thực tế đã mang lại giá trị nông sản cung cấp nguồn lương thực ra thị trường. Các sản phẩm nông nghiệp sạch tại trang trại giáo dục được kiểm tra mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm tại Trung tâm phân tích chứng nhận T-lab của Công ty cổ phần Thiết bị và Hóa chất Thăng Long.

Mặt khác, mô hình này vừa tạo điều kiện cho mọi người đến tham quan, khám phá, thậm chí là du lịch, đặc biệt là đối với học sinh.

Thông qua các hoạt động nông nghiệp này mọi du khách, nhất là các em nhỏ có thể được mở rộng tầm mắt, học hỏi được nhiều điều bổ ích từ việc chăn nuôi, trồng trọt, khám phá thực tế.

Rồi anh hạnh phúc của anh khi nghĩ về thành quả bước đầu có được từ mồ hôi, công sức của bản thân mình và cộng sự trong hành trình phát triển Trang trại giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm.

“Dự án Trang trại giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm là niềm đam mê từ khi còn nhỏ của tôi. Đầu tư vào lĩnh vực liên quan tới giáo dục cần phải có tâm huyết.

Những thứ bạn và tôi xây dựng hôm nay, đóng góp được cho cộng đồng, xã hội thì đó cũng là lúc bạn thành công. Thay vì nói lý thuyết, mỗi người nên bắt tay vào việc thực hiện ý tưởng của mình.

Tôi hy vọng việc làm nhỏ bé của mình sẽ đóng góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển giáo dục nói chung. Và chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để có thể biến ước mơ thành hiện thực.

Thành công đó không phải nhờ sự may mắn mà là một chặng đường không ngừng nỗ lực của tôi và cộng sự”, anh Tưởng chia sẻ.

Các sản phẩm nông nghiệp sạch tại trang trại giáo dục được kiểm tra mức độ an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung tâm phân tích chứng nhận T-lab của Công ty cổ phần Thiết bị và Hóa chất Thăng Long. Ảnh của Xuân Thiên.
Các sản phẩm nông nghiệp sạch tại trang trại giáo dục được kiểm tra mức độ an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung tâm phân tích chứng nhận T-lab của Công ty cổ phần Thiết bị và Hóa chất Thăng Long. Ảnh của Xuân Thiên.

Không chỉ dừng lại ở Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm, anh cùng cộng sự ấp ủ mở rộng, phát triển dự án này lên tầm cao mới, tạo ra giá trị nhân văn cho xã hội, góp phần đưa ngành nông nghiệp đi vào chiều sâu, gắn nông nghiệp với phát triển giáo dục.

Trong tương lại gần, vị doanh nhân sẽ thực hiện ý định tưởng xây dựng trường liên cấp nội trú quốc tế tại Thanh Hóa để tạo ra sự kết nối với Trang trại giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm, trở thành môi trường giáo dục thực nghiệm.

Học phải đi đôi với hành

Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm được ví như “vùng quê thu nhỏ” với không gian rộng rãi với những vườn cây, ao cá, bãi cỏ xanh mướt, những vườn hoa lộng lẫy sắc màu, tạo không khí yên bình, thân thương.

Nói về mục đích hướng đến của Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ, anh Tưởng cho biết đây là hướng đi mới có tính giáo dục thực tiễn cao.

Việc kết hợp trại và chương trình giáo dục giúp các em có thể trải nghiệm nhiều kiến thức thực tế, khám phá tự nhiên gần gũi, thú vị. Bên cạnh đó, các em còn được trải nghiệm thực tế như những người nông dân thực thụ thông qua các hoạt động nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi).

“Giữa không gian thành phố xô bồ, khói bụi, bon chen các con và bố mẹ thiếu lắm những sân chơi đúng nghĩa. Còn đâu những trò chơi dân gian như ô ăn quan, đánh chuyền, bịt mắt bắt dê khi mà bọn trẻ đã bị "quyến rũ" bởi ti vi và các trò chơi hành động trên vi tính.

Nhiều đứa trê ở thành phố khi về nông thôn còn chưa phân biệt được đâu là bò, đâu là trâu. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi mở ra Trang trại giáo nông nghiệp xanh, sạch và hiện đại, để các em được "làm người nông dân" hiện đại, làm quen với những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sạch.

Trang trại giáo dục và Sinh học hữu cơ T – Farm được ví như “vùng quê thu nhỏ” với không gian rộng rãi với những vườn cây, ao cá, bãi cỏ xanh mướt, những vườn hoa lộng lẫy sắc màu, tạo không khí yên bình, thân thương của làng quê. Ảnh của Xuân Thiên.
Trang trại giáo dục và Sinh học hữu cơ T – Farm được ví như “vùng quê thu nhỏ” với không gian rộng rãi với những vườn cây, ao cá, bãi cỏ xanh mướt, những vườn hoa lộng lẫy sắc màu, tạo không khí yên bình, thân thương của làng quê. Ảnh của Xuân Thiên.

Để tạo ra một môi trường trong lành, thuận lợi cho phụ huynh và các bé vui chơi, T-Farm sẽ đưa vào các hạng mục phục vụ trong thời gian ngắn sắp tới như: Cháu tập làm nông nghiệp; tham quan các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ; tham quan khu bảo tồn chim, gia cầm quý hiếm.

Tham quan, tìm hiểu sản xuất công nghệ cao trong nhà lưới; tham quan vườn chim T-Farm; chơi các trò chơi dân gian đua thuyền, câu cá; tham gia các hoạt động thể dục ngoài trời; ẩm thực đồng quê; khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm, bán hàng của T-Farm...

Ông chủ T-farm: Tôi làm giáo dục không phải vì...tiền ảnh 5Doanh nhân Đỗ Quang Hiển được đề cử "Công dân ưu tú Thủ đô" 2018

Đây là mô hình trang trại hữu cơ giáo dục (không dùng bất kỳ sản phẩm hóa học nào trong chăn nuôi, trồng trọt) kết hợp với giáo dục nhằm mục đích tạo môi trường hoàn toàn tự nhiên và an toàn, với không gian vui chơi học tập đa dạng cho trẻ em và cả gia đình”, anh Tưởng chia sẻ.

Theo anh Tưởng, những hoạt động này sẽ giúp các em nhận ra sợi dây liên kết chặt chẽ giữa trường học và xã hội. Những hoạt động trải nghiệm sẽ kích thích được tính sáng tạo và sự chủ động, tự lập cho học sinh.

Vị doanh nhân chưa bao giờ đặt lợi nhuận lên hàng đầu khi đầu tư hàng tỷ đồng vào Trang trại Giáo dục và Sinh học hữu cơ T-Farm, bởi theo anh đích đến và giá trị cốt lõi của hình thức giáo dục này chưa hẳn là tiền. Với anh, quan trọng hơn đó là sự đóng góp cho xã hội và sự ghi nhận của cộng đồng.

XUÂN THIÊN