LTS: Đưa ra những quan điểm và góc nhìn về vai trò, trách nhiệm của phó hiệu trưởng trong các trường trung học cơ sở, tác giả Thanh An đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, điều chúng tôi chứng kiến hàng ngày là các thầy cô đảm nhận nhiệm vụ phó hiệu trưởng nhà trường là người đang được phân công nhiều nhiệm vụ nhất. Đặc biệt là những thầy cô làm việc ở các trường trung học cơ sở.
Để đóng được “tròn vai” thì những người đảm nhận chức vụ này không chỉ là người năng nổ, nhiệt tình mà còn phải thực sự khéo léo để vừa hoàn thành công việc mà hiệu trưởng phân công, đồng thời đốc thúc được các tổ chuyên môn hoạt động có hiệu quả, cũng như những mảng công việc mà mình đã được phân công đảm trách.
Vai trò, trách nhiệm của phó hiệu trưởng trong các trường trung học cơ sở (Ảnh minh họa trên Báo Phú Yên). |
Theo quy định hiện hành, tại Điều 7 của Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT quy định “Định mức số lượng người làm việc trong trường phổ thông cấp trung học cơ sở” thì số lượng phó hiệu trưởng như sau:
“Trường trung học cơ sở có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí 02 phó hiệu trưởng;
Trường trung học cơ sở có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 01 phó hiệu trưởng”.
Chính từ quy định như vậy nên phần lớn các trường trung học cơ sở ở nước ta có số lượng là 1 phó hiệu trưởng/trường.
Tại mục 2, điều 19 của Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT, quy định về “Nhiệm vụ và quyền hạn của phó hiệu trưởng” đã nêu rõ:
“a) Thực hiện và chịu trách nhiệm trước Hiệu trưởng về nhiệm vụ được Hiệu trưởng phân công;
b) Cùng với Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước cấp trên về phần việc được giao;
c) Thay mặt Hiệu trưởng điều hành hoạt động của nhà trường khi được Hiệu trưởng uỷ quyền;
d) Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, điều chúng ta nhận thấy là nhiệm vụ của phó hiệu trưởng nhà trường tương đối nhiều. Vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp giảng dạy hàng ngày.
Thực tế hoạt động tại đơn vị, nếu các hiệu trưởng là người chỉ đạo chung về tất cả các hoạt động trong nhà trường như nhân sự, tài chính, chuyên môn, đoàn thể…thì phó hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm điều hành phần lớn các công việc một cách cụ thể và chi tiết các kế hoạch của hiệu trưởng.
Vì thế, phó hiệu trưởng nhà trường đang là người rất vất vả với rất nhiều công việc mà mình đã được phân công trong từng năm học, từng giai đoạn cụ thể.
Nếu, nói người đa năng nhất trong nhà trường không ai khác chính là những thầy cô đang đảm nhiệm công tác phó hiệu trưởng nhà trường bởi phần nhiều công việc của Ban giám hiệu đều được hiệu trưởng giao cho phó hiệu trưởng thực hiện.
Chúng ta đều biết, dù là người giúp việc cho hiệu trưởng nhưng phó hiệu trưởng trước hết cũng là một nhà quản lí. Người quản lí giỏi phải hội tụ nhiều tố chất khác nhau.
Nhiều giáo viên dạy giỏi nhưng chỉ thuần túy về chuyên môn thì rất khó trở thành nhà quản lí giỏi. Lên làm quản lí ngoài chuyện chuyên môn tốt còn phải biết quản lí, biết chỉ đạo khéo léo, biết sử dụng linh hoạt nhân sự cho từng vị trí, từng công việc mà mình phụ trách một cách có nghệ thuật nữa.
Bởi lãnh đạo, chỉ đạo một tập thể toàn là trí thức không hề đơn giản một chút nào, khó gấp nhiều lần khi chúng ta đứng ngoài phán xét.
Ngày còn làm giáo viên thì việc làm 1 kế hoạch cá nhân mà sai sót thì không mấy ai trách móc và hậu quả không lớn. Nhưng, khi là một nhà quản lí thì một kế hoạch liên quan đến một đơn vị. Mình chỉ đạo sai là cả trường sai.
Hay chuyện đóng con dấu, kí tên các văn bản, ra một quyết định, quy trình xử lí các sự việc…đều phải am hiểu và nắm chắc các văn bản hiện hành thì mới thực thi tốt được. Nếu để những sai sót xảy ra sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến úy tín cá nhân và tập thể.
Vì thế, các phó hiệu trưởng luôn là người phải chủ động trong mọi công việc và cập nhật được các văn bản mới nhất thì mới có thể chỉ đạo được hiệu quả.
Với quy định hiện nay, phó hiệu trưởng nhà trường phải dạy 4 tiết/tuần theo hướng dẫn hiện hành. Ngoài ra, còn phải đảm nhận thêm công tác chuyên môn, ngoài giờ, phổ cập, các phong trào thi đua, kiểm tra công tác nội bộ…của toàn trường.
Nói thật, chỉ việc làm kế hoạch, hoàn thiện hồ sơ của nhà trường và duyệt hồ sơ của các tổ chuyên môn, giáo viên cũng đuối.
Đó là chưa kể hiện nay có nhiều phó hiệu trưởng còn kiêm thêm công tác Chủ tịch Công đoàn nhà trường thì công việc lại càng vất vả nhiều hơn.
Cho dù, một số công việc của phó hiệu trưởng có người có thể phụ giúp thêm như công tác phổ cập, ngoài giờ nhưng đó cũng chỉ là những người thừa lệnh để thực hiện ở từng công việc chi tiết.
Người chịu trách nhiệm chính vẫn là các phó hiệu trưởng nhà trường khi phân công, báo cáo, giải trình công việc…
Với cơ chế thủ trưởng, hiệu trưởng là người nắm và chỉ đạo tất cả các hoạt động trong nhà trường, trong đó có mảng tài chính và nhân sự.
Đây là 2 mảng thường hay xảy ra tiêu cực nhất và cũng là mảnh đất màu mỡ nhất trong các nhà trường.
Tuy nhiên, gần như phó hiệu trưởng nhà trường không được tham gia về 2 mảng “nhạy cảm” này nhưng văn bản hiện hành thì quy định: “Cùng với Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước cấp trên về phần việc được giao”.
Vì quy định là “cùng chịu trách nhiệm” mà “quyền lợi” không có nên mối quan hệ giữa hiệu trưởng và phó hiệu trưởng của một số trường thường hay “kị” nhau.
Thực tế, trong trường học hiện nay, không ai hiểu hiệu trưởng bằng phó hiệu trưởng và cũng không ai có thể nhìn thấy, hiểu được những tiêu cực của hiệu trưởng bằng phó hiệu trưởng.
Nên, phần nhiều các hiệu trưởng bị thanh tra, bị phanh phui tiêu cực đều có bàn tay của phó hiệu trưởng tham gia, đạo diễn.
Vậy nên, phó hiệu trưởng vẫn là người hiểu và có thể giám sát hiệu trưởng tốt nhất trong nhà trường, có thể hạn chế tối đa sự độc quyền, độc đoán của hiệu trưởng.
Con đường tiến tới chức danh hiệu trưởng thì bắt buộc phải trải qua những năm tháng làm phó hiệu trưởng nhà trường.
Những áp lực công việc và cả những ấm ức, thậm chí có cả những lúc mâu thuẫn với hiệu trưởng nhà trường.
Nhưng, có lẽ những điều đó cũng rất cần thiết để sau này trở thành những người đứng đầu một đơn vị giáo dục họ có cái nhìn cảm thông, bao dung hơn với mọi người, mọi công việc.