Hiện trong công tác cán bộ còn không ít hạn chế, khó khăn, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng.
Không ít cá nhân sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.
Để hạn chế tình trạng này, ngày 10/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị góp ý vào dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Phó giáo sư Võ Kim Sơn cho rằng, muốn kiểm soát quyền lực thì vẽ cái vòng quyền lực rõ ràng, nếu ai ra khỏi vòng thì xử lý (ảnh Ảnh: thuongtin.hanoi.gov.vn). |
Xung quanh dự thảo lần này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, trong nguyên tắc tổ chức, khi ai được trao quyền nào đó mà thường gọi là quyền hạn thì nguyên tắc cũng chỉ được làm đúng trong phạm vi được trao.
Nếu ai làm trái, vượt qua quyền được trao thì trong khoa học gọi là lạm quyền.
Do đó, theo ông Võ Kim Sơn, để kiểm soát quyền lực cần phải tạo ra khung cụ thể để người được trao quyền không thể vượt ra ngoài khung đó.
Nói một cách ví von, ông Sơn ví rằng, nếu giao cho người có quyền một cái vòng có đường kính 10 cm thì anh ta chỉ được làm việc trong cái vòng tròn đó, còn nếu vượt ra ngoài thì là sai. Mà đã sai thì phải xử lý.
“Lâu nay, việc buông lỏng, không kiểm soát quyền lực vì cái vòng tròn quyền lực không rõ ràng nên bây giờ muốn kiểm soát quyền lực cần phải quy định cụ thể, chi tiết cái vòng tròn ấy.
Trao cho người ta cái quyền cụ thể để kiểm soát nếu ai vượt ra ngoài thì xử lý. Việc kiểm soát quyền lực thực tế là quá đơn giản nhưng vì mình để lâu quá rồi nên cần có Nghị quyết” – ông Võ Kim Sơn nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: muốn kiểm soát quyền lực thì mọi chuyện phải minh bạch (ảnh quochoi.vn). |
Cũng liên quan đến dự thảo quyết định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 lại cho rằng, việc kiểm soát quyền lực là mấu chốt trong công tác cán bộ. Nhưng mà làm sao kiểm soát được quyền lực thì đó là chuyện vô cùng khó.
Muốn kiểm soát quyền lực theo bà Bùi Thị An thì cần minh bạch mọi chuyện. Quy định chức năng nhiệm vụ của lãnh đạo được làm cái gì thì phải rõ ràng.
Lãnh đạo thì được quyết cái gì trừ những cái bí mật quốc phòng còn lại phải minh bạch hết. Chỉ có minh bạch thì nhân dân mới giám sát được tất cả mọi khâu.
Lợi dụng tập thể để hợp thức hóa ý kiến cá nhân là rất nguy hiểm! |
“Chức năng đến đâu, nhiệm vụ đến đâu, được làm cái gì, một năm người phụ trách đã ký bao nhiêu văn bản, bao nhiều quyết định cần thiết phải minh bạch để quy trách nhiệm đến cùng.
Chỉ khi nào truy trách nhiệm đến cùng thì họ mới sợ. Phải nhốt quyền lực vào cái lồng và kiểm soát. Chỉ có một cách là cần cụ thể đưa ra các tiêu chí nhiệm rõ ràng và phải minh bạch tất cả mọi khâu” – bà An nhấn mạnh.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Phan Xuân Xiểm - Nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1 Ủy ban kiểm tra Trung ương.
Theo đánh giá của ông Phan Xuân Xiểm, quy định kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là cơ sở để phòng ngừa ngăn chặn những người lâu nay lạm dụng quyền lực, những cán bộ có quyền nhìn vào đó để răn mình.
Khi được ban hành thì quy định này là căn cứ để tổ chức công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nếu để xảy ra vi phạm.
Theo ông Phan Xuân Xiểm, trước đây vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền có đề cập trong nhiều văn bản nhưng thường các quy định chung chung, không cụ thể.
Do đó, quy định mới này cần thiết phải cụ thể, chi tiết, toàn diện để lấy đó làm căn cứ xem xét đối với Đảng viên và trọng trách của Đảng đối với nhà nước.
"Tôi cho rằng việc quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền là rất cần thiết để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn lạm quyền và chạy chức chạy quyền" - ông Xiểm nhấn mạnh.