Ngày 15/10, trong khuôn khổ làm việc phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo tóm tắt đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Về lĩnh vực giáo dục, báo cáo của Chính phủ nêu rõ là tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp đạt kết quả bước đầu.
Ảnh minh họa: Trần Vương |
Tích cực xây dựng và triển khai theo lộ trình chương trình giáo dục phổ thông mới; bước đầu khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng .
Cụ thể, tính đến tháng 6/2018, trên cả nước có 15.256 trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ (công lập 12.662, ngoài công lập 2.594); có 5.306.536 trẻ mầm non (trẻ nhà trẻ 707.990, trẻ mẫu giáo 4.598.546).
Cả nước hiện có 178.546 nhóm, lớp học 2 buổi/ngày, đạt 89,65% (còn 20.605 nhóm/lớp chưa học 2 buổi/ngày). Có 165.516 nhóm, lớp tổ chức bán trú, tỷ lệ 83,11%, trẻ nhà trẻ được ăn bán trú đạt 84,62%, trẻ mẫu giáo được ăn bán trú đạt 76,63%.
Tính đến năm học 2018 - 2019, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ước đạt 92%, tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp trung học cơ sở ước đạt 92,6%, tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp trung học phổ thông ước đạt 74,3%.
Chính phủ nhấn mạnh trong báo cáo, kết quả đổi mới giáo dục phổ thông của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá nằm trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu khu vực. Các đoàn học sinh dự thi quốc tế đều đạt kết quả cao.
Về tự chủ đại học, hiện đã có 27 trường thực hiện tự chủ, có 5 trường đại học nằm trong tốp 400 trường hàng đầu Châu Á, 2 trường đại học nằm trong tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới.
Dù đánh giá cao các kết quả trong việc dạy và học nhưng báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại, chưa được giải quyết triệt để trong lĩnh vực giáo dục.
Cụ thể là việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới không bảo đảm lộ trình đề ra; tự chủ đại học còn hạn chế; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao.
Đáng chú ý là công tác tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia còn bất cập, xảy ra những vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại một số tỉnh.
Việc sách giáo khoa xuất bản độc quyền, lãng phí, gây bức xúc trong xã hội.
Về giải pháp cho năm 2019, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm thêm các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng các kỳ thi, đặc biệt khâu giám sát và thanh tra, xử lý vi phạm để các kỳ thi thực hiện nghiêm túc, an toàn, chất lượng.
Ủy ban đề nghị rà soát thống nhất về chương trình giáo dục các cấp, bảo đảm tính ổn định, thống nhất và đồng bộ, tránh lãng phí, tạo độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa.