Nói về những thực trạng và tồn tại, trong văn bản giải trình về một số vấn đề cử tri quan tâm trước kỳ họp Quốc hội tới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình - sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện như hiện nay tạo ra nghi ngại về sự độc quyền khép kín trong tất cả các khâu từ biên soạn đến phát hành, không thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa.
Cùng đó, trong danh mục sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành cho học sinh còn nhiều tài liệu không phải là sách giáo khoa bán kèm theo.
Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, tới đây sẽ không còn tình trạng độc quyền xuất bản sách giáo khoa. (Ảnh minh họa: VTV) |
Tuy nhiên, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành sách giáo khoa không có hướng dẫn rõ ràng dẫn đến việc các cơ sở giáo dục hiểu rằng đây là “sách giáo khoa bài tập” bắt buộc học sinh phải mua như sách giáo khoa.
Từ năm 2016, Bộ này đã kiểm tra danh mục sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành và không phê duyệt danh mục sách bổ trợ, sách tham khảo đi kèm sách giáo khoa...
Bên cạnh đó là các giải pháp khác nhằm tiết kiệm sách như sử dụng sách cũ, hướng dẫn không viết vào sách ở những trường hợp cần thiết...
Trước năm 2017, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất có chức năng, nhiệm vụ xuất bản sách giáo khoa.
Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thêm một số nhà xuất bản được tham gia xuất bản sách giáo khoa và xem xét cấp phép các nhà xuất bản đủ điều kiện được xuất bản sách giáo khoa theo quy định của pháp luật (ngoài Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và 05 nhà xuất bản được cấp phép (bao gồm Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Huế).
Đồng thời xây dựng phương án xuất bản, in ấn, phát hành sách giáo khoa đảm bảo đủ sách cho các cơ sở giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và tiết kiệm chi phí cho học sinh, phụ huynh học sinh.
Như vậy tới đây sẽ không còn tình trạng độc quyền xuất bản sách giáo khoa.