Gác lại niềm vui, vinh dự sau lễ vinh danh thủ khoa xuất sắc do Ủy ban Thành phố Hà Nội tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thủ khoa Đào Thị Thanh Tuyền đang cố gắng thật nhiều để xứng đáng với sự tin tưởng, gửi gắm mà em đã nhận được.
Nữ thủ khoa trường Đại học Dược chia sẻ, điểm thi đầu vào đại học của em chỉ vừa bằng điểm đỗ vào trường (27 điểm). Với một bước khởi đầu như thế so với các bạn Tuyền tự nhận thấy "mình cũng chỉ bình thường thôi".
Vì thế, em biết mình ở đâu nên không ngừng học hỏi từ bạn bè, thầy cô để có kiến thức, thêm hiểu biết và đạt điểm tổng kết đầu ra là 3,91/4 (điểm đào tạo theo tín chỉ).
Thủ khoa xuất sắc Đào Thị Thanh Tuyền. Ảnh: NVCC |
Cô gái đến từ Hưng Yên chia sẻ: “Ngành Dược luôn là ước mơ cháy bỏng của em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.
Vì vậy, em luôn muốn biết thật nhiều về ngành này. Điều đó tạo nên sự hứng thú khi học tập chứ không chỉ đơn giản là trả bài thầy cô”.
Nữ thủ khoa tâm sự, ở trường Đại học Dược, mỗi sinh viên vào đây đều là những người rất ưu tú, chăm chỉ.
Vì thế, muốn vượt trội lên không những cần sự chăm chỉ mà còn đòi hỏi phương pháp học tập, nghiên cứu phù hợp.
Nữ thủ khoa cho biết, hai năm đầu em dành rất nhiều thời gian cho việc học. Những gì thầy cô giảng trên lớp về nhà em đều học luôn giống như hồi học phổ thông.
Nhưng sau đó, em nhận ra rằng học đại học nếu chỉ chăm chỉ học thuộc lòng thì khó có kết quả cao.
Quan trọng là cách sắp xếp làm sao học hợp lý, học có trọng tâm, học để hiểu chứ nếu đơn thuần học thuộc lòng sẽ khó mang lại hiểu quả như mong muốn.
Ngoài các kiến thức từ thầy cô, em tìm hiểu thêm các kiến thức mà em thích thú về ngành dược.
Theo Thanh Tuyền: “Không phải cứ học chăm là điểm cao. Quan trọng là học làm sao hiểu được bài, làm được bài tốt nhất".
Tuyền cho biết, hiện em đang làm việc ở vị trí nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại công ty Traphaco. Đó là một vị trí làm việc mà Tuyền luôn theo đuổi từ khi ở giảng đường đại học.
Thanh Tuyền chụp ảnh kỷ niệm cùng người thân tại lễ vinh danh. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ về quyết định lựa chọn vị trí làm việc này Thanh Tuyền kể: “Từ khi ngồi trên ghế giảng đường đại học năm đầu tiên, em đã luôn mường tượng sau này có thể bào chế ra thuốc chữa bệnh cho mọi người.
Những câu chuyện ám ảnh về các mảnh đời bệnh nhân mắc ung thư, HIV khiến em nuôi ước mơ làm sao nghiên cứu ra được thuốc điều trị các loại bệnh này.
Càng tìm hiểu, nghiên cứu em nhận ra thay vì chạy theo ước mơ đó thì có thể bào chế ra các loại thuốc chữa các bệnh thường gặp đối với người dân Việt Nam.
Do đó, em chọn chuyên ngành công nghiệp dược và bào chế”.
Thanh Tuyền phân tích, Việt Nam có vô vàn loại cây cỏ có giá trị dược liệu. Làm sao chiết xuất, bào chế các dược liệu này thành các sản phẩm như viên nén, dung dịch mang lại hiệu quả điều trị và tiện sử dụng cho người dân, giá cả hợp lý nhất là điều có thể sớm làm được.
Là người đam mê nghiên cứu, ra trường, Thanh Tuyền cũng từng phân vân giữa việc đi học tiếp hay là đi làm.
Nhưng sau em nghĩ “học đi đối với hành”, vừa ra trường em cần đi làm để xem kiến thức mình học áp dụng ra thực tế được bao nhiêu và cần trau dồi thêm những gì.
Lúc đó, em tiếp tục học lên cũng chưa muộn. Vì thế Thanh Tuyền quyết định xin việc và đi làm.
Để được làm ở vị trí nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Thanh Tuyền sẵn sàng chờ đợi đến khi công ty dược đăng tuyển vị trí này.
“Làm công việc mình yêu thích, mình muốn, mình sẽ cống hiến hết mình”, Tuyền nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm về ra trường các bạn trẻ nên quan tâm đến công việc có thu nhập cao hay công việc đúng đam mê? Tuyền cho rằng, lương, thu nhập cao thì ai cũng thích.
Nhưng nữ thủ khoa nhấn mạnh, khi mình còn trẻ không nên đặt quá nặng nề về việc chọn công việc phải kiếm được nhiều tiền,
Quan trọng là chúng ta tích lũy, thu được gì từ công việc đó. Bởi khi có đủ kiến thức, hiểu biết, kỹ năng thì lương bao nhiêu không phải là vấn đề.
“Còn trẻ nên em mong muốn được trải nghiệm, lựa chọn công việc mà mình mong muốn. Sau này, khi đủ trải nghiệm, em tin mình sẽ có lựa chọn đúng đắn, phù hợp nhất”, Tuyền chia sẻ quan điểm.