Mong muốn thoát nghèo
Y Hát, sinh năm 2000, tại bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, là nữ sinh dân tộc Ma Coong đầu tiên học đại học.
Hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành Địa lý du lịch, khoa Khoa học – Xã hội, Trường đại học Quảng Bình.
Học tập ở thành phố, Y Hát hòa nhập nhanh chóng với bạn bè. Nhưng khi trở về nhà, Hát vẫn là người con của đồng bào Ma Coong.
Về thăm nhà, em lại mặc bộ đồ dân tộc, vẫn ăn những món của quê hương, rồi đến từng nhà nói cho dân bản nghe về cuộc sống ở thành phố, cách làm ăn của người dưới xuôi để người dân học hỏi.
Người Ma Coong mừng lắm, bởi có thêm người đi học đại học. Trước nay, ngoài hai anh em Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Vinh ra thì Y Hát là người thứ 3 học đại học.
Trở về nhà, Y Hát vẫn là người con của đồng bào Ma Coong. |
Cũng như bao học sinh dân tộc thiểu số khác tại Quảng Bình, Y Hát học cấp 3 tại trường phổ thông dân tộc bán trú ở thành phố Đồng Hới.
Tại đây, quyết tâm học nữa, học mãi để trước hết bản thân thoát khỏi cảnh nghèo và lạc hậu lớn dần trong suy nghĩ của một cô bé nhỏ nhắn, da ngăm đen.
Y Hát nói, ở bản, nhiều bạn cùng tuổi với em không đi học mà ở nhà lấy chồng, đẻ con.
Có bạn đã có hai đứa con, vừa nuôi con nhỏ vừa đi làm nương rẫy, vất vả lắm. Em muốn đi học để sau này làm được nhiều việc hơn, thay vì chỉ làm nương rẫy như ba mẹ và bạn bè.
“Nếu không tận dụng mọi cơ hội học tập thì không bao giờ bước ra khỏi bản làng của mình được”.
“Em sẽ về xây dựng bản làng”
Y Hát tận dụng mọi cơ hội để học tập. Trên lớp có gì không hiểu, Hát em hỏi thêm bạn bè, thầy cô. Em cũng thường xuyên đến thư viện của trường để tìm sách đọc, mở mang kiến thức.
“Thượng Trạch nếu được một phần như ở Đồng Hới này thì tốt lắm rồi. Thu nhập duy nhất của người dân bản em lâu nay chủ yếu là làm nương rẫy, nhưng bấp bênh lắm.
Thời tiết lại khắc nghiệt, có những năm dân làng không đủ ăn. Kể cả khi được mùa thì dân làng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Nếu cứ như vậy mãi thì quê em mãi lạc hậu. Chỉ có đi học, đi ra ngoài mở mang kiến thức mới có thể xây dựng quê hương thoát nghèo”, Y Hát bày tỏ.
Nhiều giáo viên ở Trường đại học Quảng Bình cho biết, Y Hát là bạn nữ người Ma Coong đầu tiên đi học đại học.
Điều thú vị là em lựa chọn ngành Địa lý du lịch vì muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, quảng bá về quê hương mình.
Y Hát đang từng ngày cố gắng, nỗ lực để thực hiện ước mơ của mình. |
Y Hát có năng khiếu về văn nghệ. Em được các bạn tín nhiệm và bầu làm cán bộ văn thể mỹ của lớp.
Y Hát nói rằng, quê em là một vùng đất xa xôi, hẻo lánh, nhưng có tiềm năng để phát triển du lịch, có nhiều nét văn hóa cần được bảo tồn và phát huy như: lễ hội đập trống, những chiếc nhà sàn bằng gỗ, trang phục dân tộc, hay tiếng nói của người Ma Coong.
“Học xong đại học, em muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Em muốn bản Cà Roòng cũng như nhiều bản khác ở Thượng Trạch sẽ trở thành những địa chỉ thu hút đông đảo khách du lịch.
Nếu du lịch ở quê em phát triển, em tin ngày sẽ càng có nhiều bạn đi học hơn để về làm du lịch. Để các bạn không lấy chồng quá sớm, người dân quê em thoát khỏi cảnh nghèo đói”.
Ông Đinh Hợp – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thượng Trạch cho biết: “Y Hát là người thứ 3 và là bạn nữ đầu tiên của xã đi học đại học.
Hai anh em Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Vinh vừa mới tốt nghiệp ngành sư phạm và đã về đi dạy. Giờ có thêm em Y Hát học lên đại học chúng tôi mừng lắm.
Chính quyền địa phương luôn khuyến khích, động viên các em đi học để mở mang kiến thức, sau này về phát triển quê hương, để cái nghèo, cái đói không còn đeo bám người dân”.
Có ước mơ, có hoài bão, Y Hát đang từng ngày cố gắng, nỗ lực để thực hiện.
Chúng tôi tin rằng, bằng tâm huyết của mình, em sẽ góp phần phát triển quê hương, đưa từng bản làng xa xôi của xã Thượng Trạch thoát khỏi cái nghèo, cái lạc hậu, tiến gần hơn đến thế giới văn minh.