Sáng 18/10/2018, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc làm việc, khảo sát thực tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và kết quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trong chương trình làm việc, Đoàn công tác đã khảo sát tại Trung tâm Điều hành Hệ thống công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo báo cáo của bảo hiểm xã hội, cho đến nay, Ngành đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020 về ứng dụng công nghệ thông tin. Đã giảm mạnh thời gian nộp bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ thủ tục hành chính xuống còn 28 bộ.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa vào vận hành và sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong phạm vi toàn ngành. Từ ngày 01/3/2018, toàn bộ văn bản đến, văn bản đi (trừ một số văn bản bắt buộc phải sử dụng văn bản giấy theo quy định) đều được số hóa, sử dụng chữ ký số cá nhân (4.200 chứng thư) và chữ ký số cơ quan (992 chứng thư) do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để phục vụ soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc, trình ký, ký và phát hành điện tử trên hệ thống.
Ngành bảo hiểm xã hội đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn Ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế của bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố; Hệ thống cấp mã số bảo hiểm xã hội - mã số định danh cá nhân duy nhất để quản lý người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc; Hệ thống giao dịch điện tử; Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế; triển khai, vận hành có hiệu quả Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin và Trung tâm dịch vụ khách hàng.
Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ; số hồ sơ điện tử phát sinh trên hệ thống là 104,5 triệu; đã giải quyết là 95,2 triệu hồ sơ.
Trong năm 2017, ngành bảo hiểm xã hội đã hoàn thành số hóa 4,2 triệu hồ sơ tương ứng 29 triệu trang tài liệu, hiện đang cung cấp cho cán bộ trong ngành sử dụng và khi được cho phép sẽ cung cấp cho người dân khai thác.
Đặc biệt, hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc, mang lại hiệu quả lớn trong quản lý khám chữa bệnh, kiểm soát việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách…
Trên Cổng Thông tin điện tử của bảo hiểm xã hội cũng đang cung cấp các dịch vụ như tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, tra cứu điểm bán bảo hiểm xã hội, tra cứu giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế. Trong thời gian tới, bảo hiểm xã hội sẽ điện tử hóa thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thậm chí người dân chỉ cần dấu vân tay, không cần sử dụng thẻ, là có thể sử dụng các dịch vụ của bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bảo hiểm xã hội là cột trụ rất quan trọng của quốc gia về an sinh xã hội. Ảnh: BHXH. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổ trưởng Tổ công tác – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đây là buổi làm việc thứ 58 của Tổ Công tác kể từ khi được thành lập tháng 8/2016. Bảo hiểm xã hội là cột trụ rất quan trọng của quốc gia về an sinh xã hội, được Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về 5 vấn đề tới bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh.
Trước hết, bảo hiểm xã hội là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm.
Hệ thống công nghệ thông tin của bảo hiểm xã hội được triển khai từ Trung ương tới 63 tỉnh, thành phố, 709 huyện và tất cả các cơ sở y tế. Đã giảm mạnh thời gian nộp bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ thủ tục hành chính xuống còn 28 bộ.
Ngành bảo hiểm xã hội đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, trong khi cơ sở dữ liệu về dân cư nói chung chưa có. “Thủ tướng đánh giá cao và cũng đề nghị báo chí khích lệ kết quả này của Bảo hiểm xã hội Việt Nam” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và đoàn công tác thăm Trung tâm điều hành hệ thống công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Ảnh: BHXH. |
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quan trọng nhất là ngành bảo hiểm xã hội đã tạo minh bạch, rõ ràng trong quản lý điều hành và đặc biệt mang tính chất phục vụ với người dân, người tham gia các chính sách bảo hiểm xã hội, kiểm soát cơ sở khám chữa bệnh để chống những kẽ hở có thể lợi dụng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thứ hai, bảo hiểm xã hội đã có nhiều giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2017, có 13,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, 79,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng 5% so với năm 2016; 11,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hết 9 tháng đầu năm 2018, con số tương ứng đã tăng lên 14,34 triệu người, 82 triệu người và 12 triệu người.
Thứ ba, công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Thứ tư, công tác thực hiện chính sách bảo hiểm y tế có nhiều chuyển biến, đặc biệt phát hiện kịp thời các vi phạm trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế đã được kết nối tới 12.000 cơ sở y tế.
“Qua hệ thống giám sát như chúng tôi thấy hôm nay thì việc phát hiện, kiểm soát, cảnh báo vi phạm rất kịp thời, chi trả đúng người, đúng việc hơn. Dư luận trước đây nói nhiều về tiêu cực trong thanh toán bảo hiểm, nhưng giờ giảm rất nhiều”, Bộ trưởng phát biểu.
Thứ năm, hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được mở rộng với trên 11.000 đại lý trên cả nước.
“Xin chuyển lời khen ngợi của Thủ tướng về 5 vấn đề như vậy, đặc biệt là đánh giá cao về tư tưởng cải cách, biện pháp cải cách và hiệu quả cải cách, tác động rõ rệt tới kinh tế xã hội đất nước, tạo công khai, minh bạch, rõ ràng giữa các cơ quan nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội và người dân được hưởng các chế độ.
Ngay cách chi trả hiện nay của Ngành bảo hiểm xã hội cũng rất tốt, đến tận các điểm văn hóa xã. Trước đây, các cụ đi năm ba cây số mới nhận được tiền lương, nay được nhận rất nhanh, rất nhanh, rất tiện lợi” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu 05 nhiệm vụ để bảo hiểm xã hội tiếp tục triển khai tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó.
Thứ nhất, cần làm tốt hơn Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là về sắp xếp bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp hơn nữa nhiều dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt hơn.
Thứ hai, phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đây là mục tiêu được nêu nhiều trong các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Hiện mới có 14,34 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, mới chiếm 27% số người trong độ tuổi lao động. Do đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động về lợi ích bảo hiểm xã hội tự nguyện là nhiệm vụ rất lớn của Ngành bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, dư luận, báo chí vẫn thường đề cập tới khả năng mất cân đối trong thu chi bảo hiểm y tế. Ngành bảo hiểm xã hội đã có nhiều giải pháp nhưng cần tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để tránh việc mất cân đối.
Thứ tư, bảo hiểm xã hội đã có nhiều giải pháp tốt để kiểm soát, giám sát tự động trong chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giảm tiêu cực, gian lận, trục lợi và cần làm tốt hơn nữa.
Thứ năm, có những thông tin cho rằng y tế tư nhân đang bị coi là yếu thế trong ký kết, thương thảo thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội. Do đó, bảo hiểm xã hội cần cố gắng bảo đảm công khai, bình đẳng, minh bạch giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân, giữa các bệnh nhân của các cơ sở này.
Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam - bà Nguyễn Thị Minh khẳng định, thời gian tới, ngành sẽ tập trung cao đổ để triển khai có hiệu quả các đề án, dự án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh: BHXH. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam - bà Nguyễn Thị Minh trân trọng tiếp thu và cảm ơn các ý kiến góp ý của Tổ công tác và khẳng định, Ngành tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp hiệu quả để kịp thời khắc phục và tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động và nhân dân, cũng như hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định, thời gian tới, ngành sẽ tập trung cao độ để triển khai có hiệu quả các đề án, dự án được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; triển khai kịp thời các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo tinh thần, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ngành sẽ tập trung mọi nguồn lực, tiếp tục cải cách hành chính, tập trung vào việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giải quyết kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người tham gia;… đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, quyết tâm hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó.