Nhận “cha đỡ đầu” để tiếp tục làm Trưởng ban đại diện Cha mẹ học sinh
Trong 3 năm liền, ông Cao Bảo Tùng (đã đổi tên nhân vật) có con theo học tại trường và được giữ chức Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh của Trường Trung học phổ thông Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh).
Sau khi con của ông Tùng ra trường, ông vẫn cố ở lại nhận một học sinh làm “con đỡ đầu” để tiếp tục giữ vị trí Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh năm học 2017 - 2018.
Năm học 2018 – 2019, trước khi rời khỏi vị trí Trưởng Ban đại diện vào tháng 10, ông Tùng còn kịp lên kế hoạch để giúp trường “tăng thu”.
Trường Trung học phổ thông Bình Hưng Hòa. (Ảnh: H.L) |
Năm học này, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã đưa ra "mức sàn" cho mỗi phụ huynh phải đóng là 500.000 đồng/học sinh.
Phải chăng, chức năng của Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh mang đến cho ông Tùng nhiều “bổng lộc” khiến ông… mê đắm đuối.
Liên quan đến vấn đề này, Trường Trung học phổ thông Bình Hưng Hòa và ông Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh có dấu hiệu “mờ ám” với kế hoạch thu chi tài chính của trường không?
Rõ ràng nhất, theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định ở Chương I, Điều 2, Khoản 1 thì: “Ban đại diện cha mẹ học sinh được tổ chức trong mỗi năm học, do cha mẹ hoặc người giám hộ học sinh đang theo học ở từng lớp, từng trường cử ra để phối hợp với nhà trường thực hiện các hoạt động giáo dục”.
Cô Nguyễn Thị Xuân Hương – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Hưng Hòa phân tích, đúng ra con của ông Tùng đã ra trường rồi thì không được bầu vào Ban đại diện này. Nhưng trong thời gian có “con đỡ đầu” học lớp 12 và có ý nguyện thì vẫn được giới thiệu.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đặt câu hỏi, phụ huynh phải đóng số tiền ít nhất 500.000 đồng/học sinh/năm học căn cứ theo quy định nào?
Cô Hương giải thích, về chương trình hỗ trợ hoạt động giáo dục học sinh là thu của cha mẹ học sinh, được cha mẹ học sinh đồng ý tại nghị quyết Hội nghị cha mẹ học sinh mới bắt đầu triển khai thu.
Học sinh còn họ hàng, người thân thích thì cũng khó được nhận “Người giám hộ”
Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, ông Cao Bảo Tùng cũng khó có thể làm “người giám hộ” cho một học sinh nào đó ở trong trường.
Luật sư Lễ lập luận, người được giám hộ là người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ.
Hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con.
Luật sư Lễ nhìn nhận, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên là: Anh cả hoặc chị cả; hoặc anh ruột, chị ruột tiếp theo. Nếu không có anh chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, hoặc bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Trưởng đại diện Cha mẹ học sinh trường Bình Hưng Hòa con không học tại trường! |
“Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, theo qui định tại các Điều 47, 52, 54 Bộ luật dân sự năm 2015”, luật sư Hồ Nguyên Lễ nhấn mạnh.
Luật sư Lễ đưa ra quan điểm, do đó ông Tùng nhận là “cha đỡ đầu” của một học sinh là không thuộc và không phù hợp quy định về người giám hộ theo qui định của pháp luật nói trên.
“Hoặc trường hợp học sinh vẫn còn đủ cha mẹ thì ông Tùng càng không thể là người giám hộ để đủ điều kiện làm Ban đại diện cha mẹ học sinh theo qui định của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT tại Điều 2 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”, luật sư Lễ kết thúc vấn đề.
Đã từ lâu, dư luận vẫn hay đồn thổi, việc nhà trường lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện Cha mẹ học sinh để thu “hợp pháp” các khoản ngoài quy định.
Thì nay, một Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh con không còn học tại trường nhưng vẫn muốn làm và nhà trường tạo điều kiện để cho tồn tại ở trường là có thật.
Điều bất ngờ hơn, sự việc đó lại xảy ra ở tại Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải nơi nào đó xa xôi, hẻo lánh.
Vậy, những khoản chi phí đã thu của phụ huynh khi ông Cao Bảo Tùng làm Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh không có con học ở trường sẽ được xử lý ra sao?
Từ đầu năm, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh có công văn nhắc nhở các trường “chấn chỉnh lạm thu đầu năm học mới”.
Thì nay, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố có “xuề xòa cho qua” trường hợp tại Trường Trung học phổ thông Bình Hưng Hòa khi biết vụ việc này không?