Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trước những biến động phức tạp của tình hình trong nước, thế giới, nhất là chiến tranh thương mại, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, chúng ta đã theo dõi sát, chủ động có đối sách phù hợp, kết hợp hài hòa các chính sách, tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế, tạo môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế xã hội.
Kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
Rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về cải cách chính sách thuế. Cả năm có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới.
Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh; doanh thu và thu nhập của người lao động được cải thiện, góp phần giảm nghèo, giữ ổn định xã hội.
Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế được tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước. Tích cực triển khai các Nghị quyết Trung ương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân…
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực chất hơn, tập trung thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động; bán cổ phần lần đầu 20 doanh nghiệp thu về 20,3 nghìn tỷ đồng; thoái vốn thu về 7,9 nghìn tỷ đồng; nâng tổng số lũy kế từ đầu nhiệm kỳ lên trên 170 nghìn tỷ đồng.
Tập trung khắc phục hạn chế, bất cập; xử lý nghiêm các sai phạm, thu hồi tài sản Nhà nước. Thành lập, đưa vào hoạt động Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp... và nhiều thành tựu khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 22/10. ảnh: VPG. |
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Thủ tướng cho biết, sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế...
Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn.
Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém. Còn những bất cập trong cơ chế, chính sách; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiều tổ chức quốc tế nâng hạng của nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh, nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017 (77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ).
Mặc dù sự tụt hạng có phần do thay đổi cơ bản trong phương pháp đánh giá, nhưng qua đó cũng thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng… còn thấp và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục.
Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực ở một số nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa gắn với thị trường. Du lịch tuy có bước phát triển nhanh nhưng còn bất cập.
Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; tỷ lệ nội địa hóa của nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp. Phát triển thương mại trong nước còn những hạn chế. Công tác lập, quản lý quy hoạch còn bất cập, nhất là trong việc thực hiện các quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, đô thị. Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp.
Để giải quyết những tồn tại này, Chính phủ đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
Kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Tăng cường năng lực phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời, không để bị động, bất ngờ. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác.
Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng tín dụng. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tín hiệu của thị trường và yêu cầu quản lý; ổn định thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Giữ vững kỷ luật tài chính –ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong chi ngân sách nhà nước; cắt giảm mạnh chi hội họp, đi công tác trong, ngoài nước. Tạo chuyển biến rõ nét trong giải ngân vốn đầu tư công, đặt hàng dịch vụ công; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu thầu, áp dụng rộng rãi đấu thầu qua mạng, bảo đảm thực chất, công khai, minh bạch.
Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; giảm bội chi ngân sách nhà nước; quản lý và sử dụng hiệu quả, bảo đảm an toàn nợ công. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài sản công.
Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Kiểm soát tốt nhập khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp; phấn đấu cân bằng thương mại bền vững.
Phát huy vai trò của thị trường trong nước là một động lực phát triển; không để tình trạng lũng đoạn thị trường bán lẻ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý thị trường, giá cả, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tiếp tục điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế… theo lộ trình phù hợp, bảo đảm kiểm soát lạm phát và gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, hướng đến tiêu chuẩn của các nước phát triển (OECD), nâng cao hơn nữa xếp hạng của Việt Nam.
Yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương có chương trình, kế hoạch hành động với mục tiêu, giải pháp, lộ trình cụ thể để tăng nhanh điểm số và xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất là những chỉ tiêu đang xếp hạng thấp.
Tăng cường sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin trên các lĩnh vực về chính sách, pháp luật và môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã; khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp.
Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiềm năng đóng góp, lan tỏa, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa, bảo hộ quyền tài sản, thí điểm các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, nhất là những ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển mạnh các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ; có cơ chế huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy hoạch để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung nguồn lực đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao.
Khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội sửa đổi Luật đầu tư công, Luật đất đai và cho ý kiến đối với dự án Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); thu hút mạnh đầu tư ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người dân và Nhà nước.
Có chính sách phù hợp, hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo, chú trọng quản lý chất lượng đầu ra, phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống thông tin kết nối thị trường lao động.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Nâng cao hiệu quả thị trường khoa học công nghệ, coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới, sáng tạo.
Phát triển mạnh doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Bảo đảm hiệu quả sử dụng kinh phí nghiên cứu và hoạt động của các quỹ về phát triển khoa học, công nghệ; khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm. Chú trọng bảo hộ sở hữu trí tuệ. Có chính sách thu hút, sử dụng hiệu quả đội ngũ nhân lực chất lượng cao và các nhà khoa học, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh
Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hội nhập kinh tế quốc tế, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân.
Chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa vào đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Xây dựng chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Phấn đấu tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Cơ cấu lại đầu tư công thực chất hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém; tăng cường thanh tra, giám sát; xử lý nghiêm các vi phạm.
Nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước; phát huy vai trò của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ. Quyết liệt đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân; kiến tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh, phát huy tối đa mọi nguồn lực, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mọi thành phần kinh tế phát triển.