LTS: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Với mong muốn góp phần làm rõ một số vấn đề đang còn có ý kiến trái chiều, Tiến sĩ Đặng Văn Định - Trưởng ban nghiên cứu và phân tích chính sách (Hiệp hội Các trường đại học cao đẳng Việt Nam), nguyên Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo dục quốc gia có một số đóng góp cụ thể vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đề ngày 19/9/2018 thông qua 3 bài viết.
Hôm nay, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gửi tới độc giả bài đầu tiên của Tiến sĩ Đặng Văn Định.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đề ngày 19/9/2018 (gọi tắt là Dự thảo 19/9/2018) là một nỗ lực xây dựng khung thể chế đại học với trọng tâm là tự chủ, cơ cấu điều hành quản lý và tính phi lợi nhuận.
Dự thảo 19/9/2018 (Điểm b, Khoản 2, Điều 7) đã chỉ rõ tính không phân chia lợi nhuận bởi định nghĩa:
“Cơ sở giáo dục đại học mà các nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục”. Định nghĩa này phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Theo đó ở nước ta đang hiện diện 3 loại hình cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
Các cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu nhà nước và đây là loại hình cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận.
Các cơ sở giáo dục đại học tư thục mà hoạt động thỏa mãn định nghĩa trên cũng chính là loại hình cơ sở giáo dục đại học thuộc sở hữu chung cộng đồng như tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng hoặc là sở hữu tập thể như mô hình đại học dân lập lâu nay (sau đây gọi là sở hữu chung hoặc tập thể). Đây là loại hình cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận.
Ngoài ra còn có các cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu tư nhân, do tư nhân đầu tư, hạch toán như doanh nghiệp. Khác với hai loại trên, đây là loại hình cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận.
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Định đánh giá, Dự thảo Luật giáo dục đại học là một nỗ lực xây dựng khung thể chế đại học với trọng tâm là tự chủ, cơ cấu điều hành quản lý và tính phi lợi nhuận. (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong) |
Vậy cơ cấu thành phần quản trị của ba loại hình trường trên nên thế nào để chủ sở hữu thực hiện quyền “quản lý tài sản” cho phù hợp Luật Dân sự và không trái đạo đức xã hội.
Trong khi trường đại học công lập và trường đại học tư thục thuộc sở hữu chung hoặc tập thể đều hoạt động không vì lợi nhuận, sở hữu đều mang tính cộng đồng, cho nên thành phần quản trị của chúng cần chú trọng vai trò của cộng đồng.
Tuy nhiên đối với các trường đại học tư thục thuộc sở hữu tư nhân, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp (vì lợi nhuận), thành phần quản trị phải do nhà đầu tư quyết định. Bởi vì trong trường hợp rủi ro, chỉ có nhà đầu tư chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Trong Dự thảo 19/9/2018, ban soạn thảo đã đưa những vấn đề trên vào các điều luật.
Tuy nhiên, khi đọc Dự thảo chúng tôi nhận ra, ban soạn thảo đã bỏ đi những định chế về sở hữu - niềm tin đối với nhà đầu tư; chưa dành chỗ cho loại hình đại học dân lập tồn tại lâu nay và phù hợp với mô hình trường do cộng đồng đầu tư được Đảng khẳng định trong Nghị quyết 29; đem đến cho người đọc ý niệm đại học không lợi nhuận chỉ xuất hiện từ đại học tư thục.
Vậy nên sửa Dự thảo 19/9/2018 thế nào? Chúng tôi xin đề xuất:
Một là, tại Dự thảo 19/9/2018 nên đưa phần định nghĩa về lợi nhuận tại điểm b, Khoản 2, Điều 7 thành một khoản ở Điều 4 về giải thích từ ngữ.
Hai là, tại Dự thảo 19/9/2018 nên sửa Khoản 2, Điều 7 như sau:
“ 2. Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được tổ chức theo các loại hình sau đây:
a) Cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu nhà nước, do nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;
b) Cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu chung hoặc tập thể, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất và cam kết toàn bộ tài sản thuộc thuộc sở hữu chung hoặc tập thể nhà trường.
c) Cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu tư nhân, do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.
Ba là, tại Dự thảo 19/9/2018 nên sửa đổi, bổ sung Điều 17 theo hướng: sửa tên Điều 17; đổi vị trí điểm a với điểm b của Khoản 3 Điều 17; chỉnh sửa nội dung tiêu đề điểm a và b.
Với tinh thần này nên viết lại Điều 17 như sau:
“Điều 17. Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học tư thục
……..
3. Thành viên hội đồng trường là số lẻ, có thành phần như sau:
a) Đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu chung hoặc tập thể gồm:
- Đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu chọn, quyết định theo tỷ lệ vốn góp;
- Đại diện cộng đồng nhà trường gồm: Các thành viên đương nhiên: Bí thư cấp ủy, chủ tịch Công đoàn, đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường, hiệu trưởng; các thành viên do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu trong trường bầu gồm: đại diện người lao động; đại diện giảng viên;
- Đại diện của cộng đồng xã hội do hội nghị toàn trường hoặc hội nghị đại biểu trong trường bầu chọn: các nhà lãnh đạo, quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, doanh nhân, cựu sinh viên uy tín; đại diện cơ quan, tổ chức sử dụng lao động;
b) Đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu tư nhân gồm: đại diện nhà đầu tư và các thành viên khác đại diện cho cộng đồng nhà trường và cộng đồng xã hội do hội nghị nhà đầu tư bầu chọn, quyết định theo tỷ lệ vốn góp.