Với điểm trung bình học tập: 8,43, điểm trung bình rèn luyện: 95,8, tốt nghiệp Trường Đại học Y tế công cộng với bằng Cử nhân Kỹ thuật Xét nghiệm Y học loại Giỏi, Lưu Ly (sinh năm 1996, quê ở Hà Nội) vinh dự là một trong những Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018.
Và Lưu Ly cũng là nữ thủ khoa đầu tiên ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học
Điều khiến tôi vô cùng cảm động khi trao đổi với Lưu Ly đó là lý do em chọn và yêu ngành Y.
Ly kể, những năm trung học phổ thông em là học sinh khối A và dự định đăng ký thi vào ngành Kế toán.
Nhưng cuối năm 2012 khi ông nội em bị bệnh nặng và thường xuyên phải vào bệnh viện điều trị. Từ lúc đó, em bắt đầu ấp ủ ước mơ được khoác lên mình chiếc áo blouse.
Lúc đó cô gái 16 tuổi nhận ra rằng, chỉ khi bản thân có những kiến thức về y học thì mới có thể giúp được các thành viên trong gia đình phát hiện sớm cũng như ngăn ngừa được các bệnh.
Hơn nữa vào trước thời điểm đăng ký thi đại học, Ly tìm hiểu thông tin về ngành học và nhận thấy bản thân đặc biệt hứng thú với các kỹ thuật cận lâm sàng.
Chính những điều này, Ly đã lựa chọn ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học để có cơ hội được mở rộng kiến thức và cách nhìn về ngành Y.
Lưu Ly trong lễ vinh danh Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Tuy nhiên, khi trở thành tân sinh viên của Đại học Y tế công cộng, Ly đã gặp không ít khó khăn trong học tập bởi lẽ khi còn học phổ thông em học chuyên khối A (Toán – Lý – Hóa) chứ không học chuyên sâu về Sinh học.
Do đó khi quyết định thi đại học khối B thì bản thân đã phải cố gắng rất nhiều để thu nạp những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thông qua các bài giảng của thầy cô và tự tìm hiểu thêm trên mạng.
“Điều đặc biệt là trong 3 năm học trung học phổ thông em có may mắn được học 1 thầy giáo dạy Toán rất nhiệt huyết, chính thầy đã truyền cho em cảm hứng học tập, sự tập trung và rèn cho em tính cẩn thận.
Có thể nói đây là bước đệm và là những điều rất quan trọng để theo học ngành Y mà em đã may mắn được rèn luyện từ những năm học phổ thông”, Ly tâm sự.
Đến khi bước vào cánh cửa đại học với rất nhiều bỡ ngỡ bản thân chưa kịp thích nghi với môi trường học tập và “choáng ngợp” trước hàng loạt các môn Y học cơ sở.
Nhưng chỉ cần nghĩ về những người thân là em có thêm động lực cố gắng và tìm ra nhiều điều thú vị đằng sau những môn học đó.
Cứ như vậy, cô gái quê Hà Nội tìm ra điểm thú vị nhất khi học ngành Y đó là được làm quen với các môi trường làm việc khác nhau và có cơ hội áp dụng các kiến thức được học vào thực tế bởi lẽ 4 năm học đại học thì sinh viên được đi thực tập 4 lần, mỗi lần kéo dài 3, 5 tháng ở bệnh viện, viện nghiên cứu.
Lưu Ly (mặc áo blouse) đang làm thí nghiệm trong Ngày hội Open day ở trường trung học phổ thông trước khi làm hồ sơ thi đại học (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Kỷ niệm sâu sắc nhất của Ly trong quá trình thực tập ở bệnh viện đó là những buổi trực đêm.
Ly nhớ lại, trong buổi trực đầu tiên, lúc lấy mẫu máu của bệnh nhân nữ gặp tai nạn, bệnh nhân đang trong tình trạng rất nguy kịch, cần chờ kết quả xét nghiệm để bác sỹ chẩn đoán và tiến hành phẫu thuật, ca trực đó mọi người đã cố gắng làm và trả kết quả nhanh nhất có thể. Sau đó bệnh nhân đã được phẫu thuật và hồi phục.
Sau ca trực ấy, em càng nhận ra được ý nghĩa của ngành học, công việc mình đang theo đuổi và cảm thấy yêu những việc mình đang làm.
Với mong muốn trau dồi thêm kỹ năng mềm nên ngoài thời gian học tập trên lớp, ở bệnh viện hay viện nghiên cứu thì Ly tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện ở vùng cao đặc biệt là hoạt động mùa hè xanh.
"Em cảm thấy rất hạnh phúc khi mang được những món quà nhỏ bé nơi miền xuôi đến với những bạn trẻ khó khăn.
Mỗi khi nhìn thấy nụ cười của những bạn nhỏ thiệt thòi đó em càng động viên bản thân mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để có thể phần nào chia sẻ được khó khăn với các bạn trẻ”, Lưu Ly chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp, Ly hiện đang hỗ trợ các nghiên cứu về tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn tại Khoa Vi Khuẩn, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Nói rõ hơn về việc lựa chọn tham gia vào đề tài nghiên cứu này, Ly cho hay, vấn đề kháng kháng sinh là vấn đề y tế nghiêm trọng mang tính toàn cầu và đã được tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo, do tính kháng kháng sinh của vi khuẩn diễn ra đa dạng, phức tạp.
Xu hướng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng và nguy hiểm hơn vì nếu không có các nghiên cứu kịp thời và đưa ra giải pháp nhanh chóng và hiệu quả thì sẽ không có kháng sinh để điều trị hiệu quả cho các vi khuẩn này trong 5 – 10 năm tới.
Chia sẻ về công việc hàng ngày của mình, Ly nói: “Hàng này, em nuôi cấy vi khuẩn từ các mẫu bệnh phẩm thu thập được từ các bệnh viện và từ cộng đồng. Sau đó tách AND và thực hiện các kỹ thuật sinh học phân tử để xác định đặc điểm cấu trúc gen của các vi khuẩn kháng thuốc”.
Cô gái này mong muốn, thời gian tới có cơ hội được tiếp tục học tập lên và nghiên cứu sâu hơn về các kỹ thuật sinh học phân tử cũng như ứng dụng của các kỹ thuật để có thể áp dụng giải quyết phần nào các vấn đề y tế thực tế ở Việt Nam hiện nay.