Những ngày qua Quyết định xử phạt 90 triệu đồng anh Nguyễn Cà Rê (thợ điện) khi đổi 100 đô la Mỹ tại tiệm vàng thuộc Trung tâm thương mại Cái Khế (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ) đã gây nhiều tranh luận trái chiều.
Theo báo cáo của Công an Thành phố Cần Thơ, lúc 11h15 ngày 30/1/2018, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Thành phố Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hồng Lực, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, đang thu mua 100 đô la Mỹ của ông Nguyễn Cà Rê với giá 2.260.000 đồng.
Anh Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng, tịch thu số tiền 2.260.000 đồng theo điểm a, khoản 3, điều 24 nghị định 96/2014/NĐ-CP trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Còn tiệm vàng Thảo Lực (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực đã nộp phạt 295 triệu đồng. Tiệm vàng này còn bị phạt bổ sung là tịch thu 100 đô la Mỹ, 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.
Nhiều luật sư, chuyên gia cho rằng, anh Nguyễn Cà Rê hoàn toàn có thể xin miễn giảm hình phạt số tiền 90 triệu đồng vì đổi 100 đô la Mỹ tại tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ. Ảnh: H.T. |
Trả lời báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Lê Minh Hưng cho biết đã giao cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ của vụ việc để từ đó có tư vấn cho Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ có hướng xử lý phù hợp.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thông tin, trong năm nay có kế hoạch sửa đổi nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó lưu ý việc phân loại mức vi phạm.
Thông tin mới nhất về vụ việc, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về vụ xử phạt 90 triệu đồng đối với trường hợp đổi 100 đô la Mỹ ở tiệm vàng tại Thành phố Cần Thơ.
Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý việc Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ việc phạt người đổi 100 đô la Mỹ ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2018.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Mai Tiến Dũng – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân tích: “Vụ việc anh thợ điện đổi 100 đô la Mỹ bị phạt 90 triệu đồng là đúng theo Nghị định số 96 của Chính phủ.
Vấn đề đặt ra là mức xử phạt của cơ quan chức năng Thành phố Cần Thơ đúng pháp luật, nhưng lại khiến dư luận không đồng tình.
Đó là ví dụ điển hình bất cập trong Nghị định số 96 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Mức phạt cần thay đổi bởi hiện nay nếu người dân đổi 10 đô la Mỹ, 100 đô la Mỹ hay 1.000 đô la Mỹ, 100.000 đô la Mỹ đều phạt mức 80 triệu đến 100 triệu đồng là không phù hợp”.
Thống đốc Lê Minh Hưng nói gì về vụ đổi 100 USD bị phạt 90 triệu đồng |
Cũng theo Luật sư Mai Tiến Dũng, không ít người dân được người thân, bạn bè cho tặng vài chục đến trăm đô la Mỹ. Người cần tiền thì mang ra tiệm vàng nào đó để đổi được một vài triệu đồng mà bị phạt 90 triệu là không hợp lý.
Nghị định đưa ra nhằm xử lý nghiêm khắc hoặc ngăn chặn việc tiệm vàng thu đổi ngoại tệ không phép. Còn người dân một phần hạn chế về pháp luật hơn nữa khi đổi ngoại tệ người dân nào biết tiệm vàng nào có được phép thu đổi ngoại tệ hay không.
“Chỉ nên xử phạt cơ sở kinh doanh, tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ, còn người dân như anh Cà Rê thì tịch thu 100 đô la Mỹ là đủ sức răn đe.
Điều quan trọng nhất là người dân cần được tuyên truyền pháp luật, biết địa chỉ nào được đổi ngoại tệ", Luật sư Mai Tiến Dũng nói.
Luật sư Dũng cho rằng: “Vụ việc anh Cà Rê nên miễn giảm phạt số tiền 90 triệu đồng và hoàn toàn cũng có thể trả lại số tiền 100 đô la Mỹ cho anh Rê.
Về Nghị định xem xét sửa đổi theo hướng người dân nếu vi phạm lần đầu với số tiền ít có thể chỉ cảnh cáo, nếu tái phạm mới xử phạt. Mức phạt cũng cần phân loại”.
Tiệm vàng Thảo Lực nơi anh Rê đổi 100 đô la Mỹ bị bắt quả tang và nhận quyết định xử phạt 90 triệu đồng. Ảnh: nguồn Báo Người Lao Động. |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) cho rằng: “Trong nhân dân hiện nay có rất nhiều người có ngoại tệ là đô la Mỹ.
Hội nhập, người đi lao động nước ngoài, công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam… thì việc người dân được tặng cho có một vài chục, vài trăm đến cả ngàn đô la Mỹ là điều hết sức bình thường.
Tuy nhiên, nhiều người lại không am hiểu pháp luật như anh thợ điện ở Cần Thơ có 100 đô la Mỹ, bản thân anh Rê cũng như nhiều người nghĩ tiền của mình là tiền hợp pháp thì mang ra tiệm vàng, cơ sở kinh doanh bất kỳ đổi được thì đổi.
Qua bài học đó, Ngân hàng Nhà nước phải phổ biến tuyên truyền về pháp luật, những điểm nào được người dân đổi ngoại tệ. Sửa lại quy định về pháp luật để luật đi vào cuộc sống. Chứ như thế là bất hợp lý”.
Ông Nguyễn Hoàng Hải cũng thẳng thắn cho rằng: “Đối với người lao động, người nông dân với họ số tiền một vài triệu đồng là rất quý. Việc anh Rê bị tịch thu số tiền 100 đô la Mỹ là rất nặng, còn phạt thêm 90 triệu đồng nữa thì chưa thuyết phục, bất hợp lý”.
Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại Quốc hội vào chiều ngày 27/10/2018, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Hà Nội) cũng nêu ý kiến: "Việc xóa bỏ tình trạng đô la hóa thị trường phải được thực thi, quy định đổi ngoại tệ không đúng nơi được cấp phép phải bị phạt, nhưng chúng ta đã giúp người dân nhận diện phân biệt nơi nào được đổi và nơi nào không được đổi?
Sự tồn tại của các nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều thì đó trước hết phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, những mức phạt phải xem xét lại vì đổi 10 USD, 100 USD cũng cùng mức phạt như đổi 1.000 USD hay 100.000 USD đều ở phạt ở mức 80 triệu đến 100 triệu là không phù hợp.
Cơ chế thị trường có cung ắt có cầu, thị trường buôn bán chuyển đổi ngoại tệ đen ngày đêm vẫn hoạt động công khai, hầu như không bị kiểm soát và xử phạt. Thiết nghĩ, nhà nước phải thu hẹp trước để người dân không còn vi phạm".