LTS: Đưa ra quan điểm về việc bỏ cộng điểm học Nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tác giả Thiên Ấn đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chính thức bỏ cộng điểm học nghề phổ thông theo Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học sinh thi thực hành nghề Điện dân dụng. (Ảnh minh họa: baoquangbinh.vn) |
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ Giáo dục và Đào tạo từng nhấn mạnh việc Bộ đưa ra quy định bỏ cộng điểm học nghề khi tuyển sinh vào lớp 10 là để lấy lại mục đích và ý nghĩa của việc giáo dục hướng nghiệp.
Việc này còn nhằm tránh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương theo lối hình thức, gây mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh.
Lâu nay, chính sách cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh lớp 10 (kể cả học sinh trung học phổ thông) là nhằm tạo động lực học sinh học nghề.
Tuy nhiên, hầu hết cơ sở giáo dục lại tổ chức dạy học nghề không bài bản, chỉ dạy có 1- 2 nghề cốt để lấy điểm cho học trò.
Còn học sinh thì học đối phó, hình thức song vẫn cố gắng đến cùng. Vì từ 0,5 - 1,5 điểm khuyến khích môn nghề rất có giá trị, nhiều khi là “cứu tinh” khi thi và xét tuyển sinh vào lớp 10.
Một khi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác bỏ hẳn công điểm nghề phổ thông trong thi tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học tới thì liệu việc dạy - học nghề phổ thông ở các trường trung học cơ sở trong thời gian tới có hiệu quả, có tốt lên không, có thật sự phát huy được mục đích và ý nghĩa của việc giáo dục hướng nghiệp hay không?
Đây là điều mà nhiều cán bộ quản lý, thầy, cô giáo đương rất trăn trở, lo lắng.
Bỏ cộng điểm thi Nghề phổ thông trong tuyển sinh lớp 10 là hợp lý |
Trên Báo Người lao động, ông Nguyễn Thành Hiệp, nguyên Trưởng Phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh có lý khi cho rằng:
“Đúng ra nên gọi là "kỹ thuật phổ thông" chứ không nên gọi là nghề (dù là nghề phổ thông), vì mục tiêu môn học cũng như phương thức dạy chưa ra hình hài 1 nghề và nhất là các em chưa thực sự làm được nghề, chỉ vài kỹ năng nào đó. Mục tiêu hướng nghiệp cũng chưa thật sự đáp ứng được.
Bởi lẽ, nghề nghiệp thì rất nhiều trong khi nhà trường chỉ tổ chức dạy vài nghề giản đơn khiến mục tiêu rất khó đạt được”.
Hơn nữa, bao nhiêu năm qua, các trường (trung học cơ sở, trung học phổ thông) trên cả nước cũng không đảm bảo nguồn lực từ con người đến trang thiết bị để tổ chức dạy nghề, do đó, hoạt động dạy nghề trong trường hết sức đơn điệu, kém hiệu quả.
Vì điều kiện kinh phí, mức độ đầu tư cho nó rất hạn chế, ít ỏi. Phần lớn thầy và trò đều dạy chay, học chay. Thầy nản, trò chán, trông cho hết tiết, hết buổi, đến ngày thi lấy chứng chỉ cho xong.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, cách làm hiệu quả nhất là nên tổ chức một trường nghề cho các cụm hoặc liên kết các trường nghề lại để các em tới đó học nghề mình thích, cuối kỳ lấy chứng chỉ, không cần thiết phải học trong trường phổ thông.