Cô giáo trẻ Đỗ Thị Thúy nặng lòng với những đứa trẻ đặc biệt

31/10/2018 07:03
LÃ TIẾN
(GDVN) - “Cũng nhiều khi mệt mỏi chứ, nhưng khi thấy học trò làm được điều gì mới là mình và phụ huynh cùng rơi nước mắt hạnh phúc đấy”.

Đó là tâm sự chân thành của cô giáo trẻ Đỗ Thị Thúy Hồng (27 tuổi), hiện đang công tác tại lớp mầm non tư thục Vì Ngày Mai (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh).

Mặc dù không học qua chuyên ngành đào tạo về giáo dục đặc biệt, nhưng cô giáo Đỗ Thị Thúy Hồng đến với nghề giáo dục chuyên biệt cho trẻ em mắc chứng rối loạn phát triển như “duyên trời định”.

Cô Hồng chia sẻ: “Rời ghế nhà trường, tôi xin vào làm tại một số cơ sở mầm non trên địa bàn thành phố Hạ Long.

Qua thời gian chăm sóc trẻ, tôi tình cờ được tiếp xúc với những đứa trẻ mắc chứng rối loạn phát triển và được phụ huynh nhờ lưu ý, chăm sóc các em kỹ hơn.

Cho đến bây giờ tôi đã chuyển hẳn công tác sang lớp học chuyên biệt Vì Ngày Mai, dành toàn bộ thời gian để quan tâm, dạy dỗ và chơi đùa với những đứa trẻ đặc biệt”.

Cô giáo Đỗ Thị Thúy Hồng luôn nỗ lực để có thể đồng hành cùng các trẻ đặc biệt trong những bước phát triển đầu tiên. (Ảnh: CTV)
Cô giáo Đỗ Thị Thúy Hồng luôn nỗ lực để có thể đồng hành cùng các trẻ đặc biệt trong những bước phát triển đầu tiên. (Ảnh: CTV)

Vì không được đào tạo bài bản về chuyên ngành giáo dục đặc biệt nên khi tiếp xúc với các trẻ đặc biệt, cô Hồng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

“Lúc đầu tiếp xúc với các em mình cũng sợ lắm. Khi mới đến trường, các em đều có những biểu hiện bất thường như la hét, chạy nhảy, nói quá nhiều… thậm chí là đánh và cắn cả cô giáo.

Nhưng khi đã quen rồi thì mình thấy thương lắm, thương như con của mình ấy”, cô Hồng tâm sự.

Dạy trẻ tự kỷ khá phức tạp vì không hề có giáo án hay phương pháp cụ thể mà hầu hết là tùy vào tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng.

Ngoài phối hợp chăm sóc 20 trẻ được gửi tập trung tại lớp, cô Hồng còn trực tiếp phụ trách can thiệp cá nhân cho 8 trẻ, mỗi trẻ 1 tiếng/ngày.  

Theo cô giáo Hồng, dạy trẻ tự kỷ điều cốt yếu là phải thực sự kiên nhẫn. Khi đến trường các em đã lên 6, 7 tuổi nhưng như “trẻ sơ sinh”, không biết bất cứ kỹ năng xã hội nào. Kể cả đơn giản như nói chuyện, cầm nắm, mặc áo quần, đi vệ sinh…

Hơn 5 năm gắn bó với nghề, cô giáo trẻ Đỗ Thị Thúy Hồng không nhớ đã chăm sóc, giáo dục cho bao nhiêu trẻ đặc biệt. (Ảnh: CTV)
Hơn 5 năm gắn bó với nghề, cô giáo trẻ Đỗ Thị Thúy Hồng không nhớ đã chăm sóc, giáo dục cho bao nhiêu trẻ đặc biệt. (Ảnh: CTV)

Có những em bệnh nặng, chỉ hành vi cầm nắm mà cả năm trời các em vẫn không thực hiện được.

Thậm chí việc tập cho một em học sinh ngồi yên 15 phút cũng là nỗ lực cả tháng trời của cô giáo trẻ.

Nhiều lúc đi dạy về đến nhà là mệt nhoài, nói không ra tiếng mà học sinh thì không tiến bộ cô Hồng cũng thấy nản.

“Cũng nhiều khi mệt mỏi chứ, nhưng khi thấy học trò làm được điều gì mới là mình và phụ huynh cùng rơi nước mắt hạnh phúc đấy”, cô Hồng chia sẻ.

Để có thể dạy tốt, cô Hồng thường xuyên tìm kiếm thêm tài liệu, tham khảo các phương pháp mới của nước ngoài trên Internet để đưa ra những phương án điều trị tốt nhất cho các em.

Với giáo viên mầm non dạy trẻ rối loạn phát triển, ngoài kỹ năng chuyên môn, sự kiên nhẫn, nhiệt tình thì trên cả là luôn mang trong mình tình thương, lòng yêu nghề mới có thể giúp trẻ hòa nhập, tiến bộ.

Cô giáo trẻ Đỗ Thị Thúy nặng lòng với những đứa trẻ đặc biệt ảnh 3Hãy coi mỗi trẻ tự kỷ là một tiểu thế giới

Hơn 5 năm theo nghề giáo dục những đứa trẻ đặc biệt, cô giáo Hồng cũng không nhớ nổi mình đã can thiệp, hướng dẫn, chăm sóc cho bao nhiêu trẻ.

Chỉ biết rằng, mỗi một lần được tiếp xúc với những đứa trẻ như vậy tình yêu thương của một cô giáo lại dâng lên những cảm xúc khó tả.

Với cô giáo trẻ, mỗi ngày lên lớp là một kỷ niệm. Đôi khi, những bài học cứ ám ảnh chị cả trong giấc mơ.

Cô giáo Hồng trải lòng: “Khi đến với tôi, các con như một tờ giấy trắng, hồn nhiên và chưa có một tỳ vết nào trong tâm hồn cũng như nhận thức.

Có trẻ chưa biết nói, có trẻ chưa có kỹ năng tự phục vụ... đó là một thiệt thòi vô cùng lớn.

Gia đình và bố mẹ các trẻ vô cùng lo lắng, bởi các con có “sức bật” rất chậm. Thế nên, tình yêu thương của người giáo viên đã giúp chúng tôi luôn luôn đồng hành cùng các con.

Sau một thời gian, con đã biết tự phục vụ như: Mặc quần áo đơn giản, xúc ăn bằng thìa, nói những câu đơn giản (3-4 từ).

Rồi chúng tôi bật khóc nghe các con gọi tiếng “Mẹ”. Những tiếng bi bô đầu đời đã khiến những người sinh ra các con nghẹn ngào, xúc động.

Họ chạy đến bên con mà ôm mà hôn rồi nói: “Mẹ đây con”. Niềm hạnh phúc in sâu trong đáy mắt họ, những lời cảm ơn, những chia sẻ từ tận tâm can của các vị phụ huynh chính là động lực để chúng tôi thêm yêu nghề hơn”.

LÃ TIẾN