Đại biểu Nguyễn Anh Trí – đoàn Thành phố Hà Nội chất vấn Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về quy định trách nhiệm nêu gương.
Theo ông, mới đây Trung ương đã ban hành quy định nêu gương trong đó nhấn mạnh, cán bộ cấp cao "chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ", vậy làm thế nào để áp dụng quy định này?.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Quochoi.vn |
Trả lời câu hỏi này của đại biểu, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, từ chức là một vấn đề mới, là một hình thức tự nguyện, nếu như người được bổ nhiệm thấy rằng mình không đủ sức khỏe, uy tín và có vi phạm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong Luật Cán bộ, công chức có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức, riêng đối với cán bộ có hình thức miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Nhưng pháp luật hiện nay chưa quy định rõ về hình thức từ chức.
Sau khi có Nghị quyết Trung ương 8, chúng tôi nghĩ rằng, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bởi những văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Ảnh: Quochoi.vn |
“Vấn đề từ chức không chỉ trong cơ quan Chính phủ, mà cả trong Đảng, trong hệ thống chính trị, Mặt trận, các đoàn thể, Quốc hội, Chủ tịch nước…Đây là một vấn đề khá rộng cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện.
Và đối với Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành văn bản, nghị định hướng dẫn cụ thể văn bản của Quốc hội, hay là Luật Cán bộ, công chức.
Đầu tiên là qua việc từ chức có hình thức tự nguyện.
Tiếp đó là nếu anh không từ chức, có vi phạm, bỏ phiếu tín nhiệm không đạt theo quy định thì vẫn bị bãi nhiệm và trách nhiệm pháp lý.
Đốii với những vi phạm nếu có của cán bộ công chức đó vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, quy định nếu cán bộ, đảng viên không đủ uy tín thì từ chức là rất hay, rất tuyệt vời.
Nhưng theo ông, bình tĩnh nhìn lại, câu chuyện từ chức ở Việt Nam nói rất lâu rồi.
“Vài chục năm rồi, cứ nói, cứ nói, có lúc rộ lên nhưng rồi không ai quan tâm. Chúng ta đề cập văn hóa từ chức nhưng điều này ở Việt Nam là chưa thể có được.
Vì, đặc điểm của người Việt Nam là duy tình hơn duy lý. Điều này ai cũng thừa nhận.
Nhưng có quyền lực thì quyền lực rất dễ bị tha hóa. Bị tha hóa thì mang lại rất nhiều quyền lợi nên không dễ gì mà họ từ chức, không thể tự nhiên có được văn hóa từ chức.
Vì vậy, cần có Luật Từ chức thì dựa trên luật, người ta phải buộc từ chức.
Rồi sau thấm dần, lúc đó mới có văn hóa từ chức. Bản chất của nó là xuất hiện theo luật”, đại biểu Trí nói.
Theo đại biểu, từ chức rất cần thiết trong cuộc đời của người có quyền lực. Từ trước đến giờ, chúng ta hay chú ý đến sai sót phải từ chức.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Nêu gương nên từ con người cụ thể |
Ở Việt Nam từ trước đến nay, trong dư luận, xã hội, gia đình thì từ chức ngang với cách chức.
Họ coi từ chức là một dạng của cách chức. Đó là một cái sai nhưng không dễ gì sửa được.
Từ chức có rất nhiều lý do để từ chức như làm sai, kém năng lực, không được tín nhiệm, sức khỏe yếu…Thậm chí ê kíp làm việc không thuận cũng có thể từ chức. Điều này là rất lịch sự.
“Nếu từ chức vẫn bảo tồn cho họ các giá trị và để khi có cơ hội, người ta có thể thể xuất hiện trở lại trên chính trường.
Vì thế, chúng ta nên xem việc từ chức trên bình diện nhiều khía cạnh. Lúc đó, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng, văn hóa từ chức sẽ ra đời”, đại biểu Trí nói.