LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Thanh An phản ánh những bất cập, nghịch lý trong ngành giáo dục hiện nay.
Toà soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết này.
Nếu chỉ nhìn vào những số liệu, những thành quả mà ngành giáo dục đang có, nhìn từ bảng thống kê kết quả đánh giá giáo viên, học sinh vào dịp cuối năm học của các nhà trường thì chúng ta thấy rất đáng phấn khởi vô cùng.
Thành tích của thầy và trò năm nào cũng khả quan, cũng cao hơn các năm trước.
Nhưng, những số liệu như vậy đang nói lên điều gì, liệu có mâu thuẫn với thực tế đang diễn ra ở các nhà trường hay không?
Chúng tôi không phủ nhận thành quả mà ngành giáo dục đã và đang đạt được qua từng năm học, qua thời điểm khác nhau.
Giáo dục vẫn còn nhiều những nghịch lý. Ảnh minh hoạ: Laodong.vn |
Nhiều thành quả rất đáng được trân trọng bởi ở đâu, thời điểm nào cũng có những người thầy tiêu biểu, hết lòng vì giáo dục, ở đâu cũng có những học sinh ưu tú đang ra sức học tập.
Nhưng, có nhiều số liệu, nhiều cách đánh giá chung của ngành giáo dục hiện nay có đáng tin cậy hay không thì rất khó có thể trả lời chính xác.
Nhìn vào kết quả từng năm đối với giáo viên phải nói là rất đáng khâm phục, tự hào về thầy cô giáo hiện nay.
Khi đánh giá đảng viên cuối năm trong nhà trường, đa phần là được xếp mức “hoàn thành tốt”, “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Cực kỳ hiếm hoi mới thấy thầy cô giáo bị xếp loại “hoàn thành nhiệm vụ”.
Các chi bộ nhà trường đa phần được xếp loại hàng năm ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Đánh giá viên chức cuối năm theo Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi cũng đều “hoàn thành tốt nhiệm vụ” và “xuất sắc”.
Mỗi trường, cũng chỉ lác đác có vài thầy cô xếp loại “hoàn thành niệm vụ”, mức “không hoàn thành nhiệm vụ” gần như không bao giờ có.
Đánh giá Chuẩn giáo viên mấy năm qua theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT cũng đa phần là ở mức “khá” và “xuất sắc” (xếp Chuẩn giáo viên hiện nay không có mức “tốt”).
Giáo viên xếp loại “trung bình” cũng khó tìm như kiếm sao trên trời.
Xét thi đua cuối năm trong các trường học hiện nay thì phần lớn giáo viên, nhân viên trong nhà trường được xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, 15% lao động tiên tiến được xét danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Một số thầy cô còn được đề nghị nhận Bằng khen, Giấy khen của cấp trên.
Trong trường, thường có hơn 1 nửa giáo viên được công nhận danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp trường”, khoảng 20-30% đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp huyện” trở lên.
Ngoài ra còn nhiều những thành tích, danh hiệu cao quý trong vô vàn các cuộc thi, hội thi.
Đối với học sinh còn lạc quan hơn rất nhiều. Khoảng 2/3 học sinh được xếp loại học sinh giỏi, khá.
Học sinh các trường Tiểu học, trường chuyên của tỉnh thì con số xếp loại “giỏi” và “khá” còn cao hơn rất nhiều.
Hạnh kiểm cuối năm của học sinh ở các trường nếu thấp nhất cũng có tới trên 95% xếp loại tốt, chỉ vài % loại khá, trung bình và yếu - kém rất hiếm thấy.
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông của các địa phương đa phần là cận mức 100%, chỉ có một số ít trường học có tỉ lệ thấp hơn nhưng cũng phải từ 95% trở lên.
Nếu nhìn vào số liệu như thế thì ai dám nói ngành giáo dục không ổn định, không phát triển?
Nhưng, sự thật có phải như thế hay không?
Ngày 8/11 vừa qua, trongưbuổi góp ý cho dự thảo sửa luật Giáo dục hiện hành tại phiên họp của Quốc hội thì đại biểu Lâm Đình Thắng (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đã nói:
“Nhiều học sinh bây giờ chán học, học quá tải, mất hết hứng thú học tập. Luật cần cấm, hoặc hạn chế việc giáo dục chạy theo điểm số, thành tích.
Các cháu bây giờ tự học không nổi, bố mẹ phải học cùng thì mới hết bài, rất khổ”.
Còn đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng:
“Dự thảo luật vẫn quy định trẻ vào lớp 1 là 6 tuổi, trẻ vào lớp 6 là 11 tuổi, vào lớp 10 là 15 tuổi nghĩa là cứ mặc định bắt trẻ mỗi năm đều phải tuần tự lên lớp.
Trong khi việc này đáng lẽ phải phụ thuộc vào đánh giá học sinh thế nào, không thì nhất định là phải lên lớp. Nghĩa là vẫn bệnh thành tích”.
Những ý kiến của các đại biểu hoàn toàn có lý với thực tế giáo dục hiện nay.
Khi đánh giá, xếp loại giáo viên thì căn cứ vào rất nhiều tiêu chí khác nhau như chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, phẩm chất chính trị… nhưng các thầy cô đều được xếp loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc.
Điều này cũng đồng nghĩa đa phần giáo viên đều ưu tú và sáng ngời về nhiều mặt.
Thế nhưng, nhiều thầy cô xếp loại cao ở cuối năm như vậy nhưng vì sao học sinh bây giờ lại học thêm nhiều đến thế?
Học sinh đa phần xếp loại giỏi sao lại cứ phải đến nhà thầy, đến trung tâm gia sư để học thêm.
Vì sao nhà trường mỗi khi mở lớp dạy thêm, phụ đạo, ôn thi thì cứ phải nêu yêu cầu là nâng cao chất lượng, là đáp ứng yêu cầu học tập, đáp ứng yêu cầu các kỳ thi. Nếu giỏi thì sợ gì các kỳ thi cuối cấp?
Vì sao nhiều học sinh khá, giỏi như vậy mà các kỳ thi tuyển sinh 10, thi Trung học phổ thông Quốc gia điểm thi lại rất thấp?
Hơn một nửa môn thi Trung học phổ thông Quốc gia trong kỳ thi vừa qua có điểm thi dưới trung bình, nếu không nhờ điểm học tập trên lớp thì rất nhiều em rớt tốt nghiệp.
Điểm thi vào lớp 10 của các trường phổ thông trung học đa phần cũng đều dưới trung bình. Vậy là sao?
Số liệu nào chính xác, vì sao nhiều học sinh vừa xếp loại khá ở cuối năm mà chỉ tháng sau, thậm chí vài ngày sau thi thì điểm lại “tụt dốc không phanh”, thậm chí có nhiều em bị điểm liệt như vậy?
Vì sao, mỗi khi báo chí đưa tin về một trường hợp giáo viên nào đó vi phạm đạo đức nhà giáo khi hành xử không phù hợp với học sinh thì nhà trường cứ phải lấy “thành quả” là giáo viên đó là “tốt”, “giỏi” để bao biện hành vi cho giáo viên?
Không, những giáo viên giỏi về chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt không có những hành động như vậy!
Rất nhiều mâu thuẫn, nghịch lý đang xảy ra ở các trường học.
Suy cho cùng là sự chi phối của bệnh thành tích, bệnh giả dối, cách đánh giá hình thức, cả nể, nửa vời của một số trường học.
Làm thế nào để có những số liệu thật, đánh giá thật ở ngành giáo dục thì rất cần những chính sách vĩ mô và sự nỗ lực của bản thân từng thầy cô giáo đang trực tiếp đứng lớp trong thời gian tới.
Nếu không, cứ như bây giờ thì rất khó thay đổi những số liệu ảo!