Thầy Phạm Văn Thái, thầy giỏi dạy môn Hóa

16/11/2018 06:42
LÃ TIẾN
(GDVN) - Gần 20 năm gắn bó với bục giảng, thầy giáo Phạm Văn Thái được học trò Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu biết đến như là người truyền cảm hứng môn Hóa học.

Vui vẻ, điềm đạm và cách truyền đạt dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn là những điều mà học sinh nhận xét về thầy giáo dạy Hóa học Phạm Văn Thái.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Hải Phòng, năm 1998, thầy giáo trẻ Phạm Văn Thái xin về công tác tại Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu (quận Lê Chân, Hải Phòng) làm giáo viên dạy môn Hóa học.

Với nụ cười thường trực trên môi, tiếp chúng tôi, thầy Thái hào hứng chia sẻ: “Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mình đã yêu thích môn Hóa, vì môn học này tuy khô khan nhưng hữu ích với cuộc sống.

Chính bởi lẽ đó, khi bắt tay vào việc giảng dạy môn Hóa học, mình luôn tâm niệm phải có cách truyền đạt mới mẻ để khiến các học sinh quan tâm và muốn học môn học này”.

Qua những bài giảng của thầy Thái, ngọn lửa đam mê học môn Hóa luôn được thắp sáng trong mỗi em học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu. (Ảnh: Lã Tiến)
Qua những bài giảng của thầy Thái, ngọn lửa đam mê học môn Hóa luôn được thắp sáng trong mỗi em học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu. (Ảnh: Lã Tiến)

Nói về duyên bén nghề, thầy Thái cho biết:“Từ khi còn là học sinh Trung học phổ thông, mình đã rất cảm phục những người thầy hoạt động trong hai lĩnh vực: giáo dục và y tế.

Đây vẫn thường được coi là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Từ lòng ngưỡng mộ và kính trọng những người thầy, cô từng dạy mình trên ghế nhà trường, mình đã quyết định trở thành một thầy giáo để có thể trực tiếp đem đến cho các em học sinh không chỉ là kiến thức mà còn là đạo đức sống và cách làm người”.

Qua nhiều năm giảng dạy, thầy giáo Phạm Văn Thái nhận thấy rằng, hiện nay các em học sinh đang yếu về phương pháp tư duy môn Hóa học.

Với kinh nghiệm giảng dạy, thầy Thái đã lên ý tưởng mới cho những bài giảng của mình chú trọng rèn luyện khả năng tư duy và xây dựng phương pháp học phù hợp cho học sinh.

Thầy Phạm Văn Thái, thầy giỏi dạy môn Hóa ảnh 2

Trường Tô Hiệu một đích đến tự hào tại Hải Phòng

Thầy sở hữu phương pháp giảng bài tỉ mỉ và cách dạy chuyên sâu, tổng quát giúp học sinh hiểu được bản chất vấn đề từ cơ bản đến phức tạp.

Thầy đi sâu vào từng phương pháp giải, dạy kỹ về mặt bản chất để học sinh nắm vững kiến thức và dễ dàng xử lý được những câu hỏi khó.

Đồng thời tạo ra phần mềm hóa học trong năm 2011, giúp các em học sinh có hứng thú và yêu thích môn học này.

Qua những bài giảng của thầy, ngọn lửa đam mê học môn Hóa luôn được thắp sáng trong mỗi em học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu.

Và Hóa học từ một môn khô khan, khó với những phương trình và hóa chất phức tạp trở nên đơn giản hấp dẫn, thực tế và gần gũi hơn với những câu hỏi kích thích khả năng sáng tạo của học sinh.

Thầy Phạm Văn Thái còn có nhiều đề tài sáng tạo, được ứng dụng nhiều trong thực tiễn. (Ảnh: Lã Tiến)
Thầy Phạm Văn Thái còn có nhiều đề tài sáng tạo, được ứng dụng nhiều trong thực tiễn. (Ảnh: Lã Tiến)

Không chỉ có những phương pháp giảng dạy giúp học sinh có hứng thú, đam mê học môn Hóa, thầy Thái còn có nhiều sáng kiến sáng tạo, được ứng dụng nhiều trong cuộc sống.

Đơn cử như, đề tài “Sử dụng lá xoài non chữa bệnh tiểu đường” được thầy Thái hướng dẫn 2 học sinh lớp 9 nghiên cứu trong 2 năm.

Đề tài này xuất sắc đoạt giải Nhì cuộc thi Khoa học kỹ thuật năm học 2016-2017 do thành phố Hải Phòng tổ chức.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Thái cho biết: “Gia đình mình có người mắc bệnh tiểu đường. Trong quá trình đi tìm thuốc và các phương pháp trị bệnh, mình bất ngờ phát hiện ra công dụng của lá xoài.

Sau nhiều lần cho người nhà dùng thử, mình thấy lá xoài non giúp hạ nhanh đường huyết, cải thiện sức khỏe đáng kể.

Chính vì lý do đó, mình đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, hướng dẫn 2 em học sinh lớp 9 nghiên cứu công dụng, tác dụng của lá xoài non.

Qua 2 năm nghiên cứu, qua nhiều lần đánh giá, người bị bệnh tiểu đường sử dụng lá xoài non đã giảm đáng kể lượng đường huyết”.

Thầy Phạm Văn Thái luôn tâm huyết, nhiệt tình và biết cách truyền cảm hứng cho học sinh học môn Hóa. (Ảnh: Lã Tiến)
Thầy Phạm Văn Thái luôn tâm huyết, nhiệt tình và biết cách truyền cảm hứng cho học sinh học môn Hóa. (Ảnh: Lã Tiến)

Ngoài ra, thầy Thái còn có nhiều đề tài đạt giải cao cấp thành phố, được ứng dụng vào thực tiễn như: sử dụng lá bàng để điều trị các vết thương hở; chiết xuất chất giảm béo từ hạt bưởi; chiết xuất nước rau dền để thử hàn the trong thực phẩm…

Với những cống hiến không biết mệt mỏi, thầy Phạm Văn Thái đã 2 lần vinh dự nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp thành phố (năm 2007 và 2017); nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

Năm 2011, thầy vinh dự nhận Bằng lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng;

Tại kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố năm 2008, thầy Phạm Văn Thái đạt thủ khoa.

Thầy đoạt giải nhất quốc gia cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn (năm học 2012-2013 và 2013-2014).

3 năm gần đây, thầy Thái liên tục có học sinh đạt giải cao cấp thành phố trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật.

Thầy Phạm Văn Thái, thầy giỏi dạy môn Hóa ảnh 5

Cô giáo mầm non chiến thắng bệnh ung thư bằng niềm yêu thương con trẻ

Nhận xét về giáo viên của mình, cô giáo Lê Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu cho biết: “Thầy Thái luôn tâm huyết, nhiệt tình, sáng tạo và cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Thầy luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với các thế hệ học trò, học hỏi không ngừng để có các phương pháp giảng dạy mới và hết lòng chia sẻ những kiến thức quý báu với đồng nghiệp.

Có thể nói, thầy luôn là tấm gương đi đầu trong các phong trào thi đua của nhà trường, được các thầy cô trong trường và học sinh yêu mến”.

Theo hiệu trưởng nhà trường, những năm gần đây, Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu luôn tích cực tham gia các phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh.

“Thầy Thái là một trong những người tiên phong khai vỡ mảnh đất mới và giành nhiều giải cao cấp thành phố, quốc gia.

Thành tích mà thầy Thái đạt được góp phần không nhỏ trong việc thay đổi phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giảng dạy tại Trường Trung học cơ sở Tô Hiệu”, cô giáo Tâm đánh giá.

LÃ TIẾN