Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) nêu ra một loạt vấn đề tồn tại khi thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chiều ngày 15/11.
Theo Đại biểu Ngân: "Chuyển giá là một hoạt động đã và đang diễn ra ở Việt Nam nhiều năm nay, gây tổn hại không nhỏ cho nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, ngăn chặn chuyển giá vẫn là một vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý. Hiện nay, hoạt động chuyển giá không chỉ diễn ra ở quanh doanh nghiệp nước ngoài mà còn xuất hiện nhiều ở các doanh nghiệp trong nước.
Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ. Trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp".
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân. ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu đoàn Bắc Kạn nêu thí dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong tổng số 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm.
Tương tự ở tỉnh Lâm Đồng, với 104 trên 111 doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ liên tục. Tỉnh Bình Dương, một trong những tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI cũng có đến 50% doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 đến năm 2011.
Các báo cáo của cơ quan thuế cho thấy các doanh nghiệp FDI khai kinh doanh thua lỗ thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giầy, sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu, công nghiệp chế biến.
Mặc dù thua lỗ triền miên xong các doanh nghiệp FDI vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Ví dụ điển hình về biểu hiện đáng ngờ về chuyển giá phải nói đến Công ty Cocacola Việt Nam, Công ty Pepsico Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên KeangNam - Vina.
Nhằm kiểm soát tình trạng chuyển giá, báo lỗ, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan nhà nước đã rất nỗ lực xây dựng và ban hành nhiều chủ trương và chính sách, nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách.
Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Quản lý thuế, trong các năm 2015, 2016 cơ quan thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra được 965 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, đã thực hiện truy thu, truy hoàn và phạt trên 6.295 tỷ đồng, giảm lỗ được hơn 7.491 tỷ đồng, giảm khấu trừ được hơn 286 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là hơn 4.743 tỷ đồng.
Dù ghi nhận nỗi lực của các cơ quan nhà nước, nhưng Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, kết quả trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về tình trạng trốn thuế của doanh nghiệp.
"Tôi cho rằng, có tình trạng này là do hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ và còn nhiều lỗ hổng. Luật Quản lý thuế hiện hành được xây dựng cách đây 10 năm đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Tuy nhiên chưa ngăn chặn được tình trạng này.
Yêu cầu đặt ra, nếu các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại dự thảo lần này vẫn kết cấu theo hướng rải rác tại các chương.
Ví dụ, Điều 3 về giải thích từ ngữ, Điều 12 về hợp tác quốc tế liên quan đến thuế được quy định tại Chương I, Điều 17 nghĩa vụ của người nộp thuế tại Chương II, Điều 42 nguyên tắc kê khai thuế và tính thuế, Điều 43 hồ sơ khai thuế được quy định tại Chương III và Điều 50 ấn định thuế đối với người nộp thuế trong trường vi phạm pháp luật được kết cấu tại Chương V.
Trên cơ sở luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định 20/2017, đó là các nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp.
Thủ tướng chỉ thị chấn chỉnh chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước |
Nghĩa vụ cung cấp hồ sơ thông tin dữ liệu với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết, quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài, phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
Tôi cho rằng, với quy định như vậy cũng chưa thể hiện được sự kiên quyết, chưa đủ mạnh.
Về vấn đề chuyển giá, tránh thuế tại các doanh nghiệp, khó ngăn chặn trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường.
Từ những phân tích trên, tôi đề nghị những quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết được kết cấu thành một chương trong luật, không giao Chính phủ quy định như dự thảo.
Với cơ sở pháp lý rõ ràng, chắc chắn cùng với việc thực hiện các biện pháp đồng bộ thì việc chống chuyển giá, tránh thuế đối với các doanh nghiệp của các cơ quan chức năng sẽ đạt được yêu cầu đặt ra", Đại biểu Ngân phân tích.
Thu hồi giấy phép kinh doanh hay kê biên tài sản đều khó
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cũng nhận định, những hành vi chuyển giá rất đa dạng, tinh vi, việc bổ sung những giải pháp sửa đổi trong dự thảo luật là rất cần thiết.
"Tôi còn băn khoăn về tính khả thi của một số giải pháp. Vấn đề nợ đọng thuế và các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. So với Luật Quản lý thuế 2016, các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế không thay đổi, chỉ thay đổi về phương thức áp dụng.
Thay vì tuần tự từ biện pháp thứ nhất đến biện pháp thứ bảy thì dự thảo luật cho phép vận dụng các biện pháp cưỡng chế tương ứng với từng trường hợp.
Tuy nhiên, việc áp dụng trong thực tiễn cũng không phải dễ dàng, cụ thể như là đối với biện pháp trích tiền từ tài khoản Điều 130. Biện pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi số dư trên tài khoản đủ để thanh toán một phần hoặc toàn bộ nợ thuế.
Trong thực tế, doanh nghiệp cố tình không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, gây khó cho cơ quan thuế trong việc xác minh tài khoản của doanh nghiệp, chưa kể các ngân hàng thương mại vì cạnh tranh thu hút khách hàng sẽ áp dụng các thủ thuật, vận dụng quy định bảo mật cho khách hàng hoặc khi tìm được các tài khoản của doanh nghiệp thì cơ quan thuế cũng mất rất nhiều thời gian làm thủ tục phong tỏa tài khoản.
Khi đó doanh nghiệp có thể đã rút hết tiền và quyết định cưỡng chế trở nên vô hiệu khi tài khoản của doanh nghiệp không còn tiền".
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre). ảnh: quochoi.vn |
Về biện pháp thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh Điều 135, Đại biểu Thủy đánh giá: "Đây là biện pháp mạnh nhất, áp dụng biện pháp này doanh nghiệp phải giải thể, khi đó mục đích thu được nợ thuế sẽ khó thực hiện và người nợ thuế vẫn có khả năng thành lập doanh nghiệp khác, nấp bóng người thân để tiếp tục kinh doanh.
Hơn nữa, việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đồng thời cũng là giấy đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ các quy định về đầu tư và giải quyết tài sản có liên quan không mấy dễ dàng".
Đại biểu Thủy cũng nêu băn khoăn về kê biên bán đấu giá tài sản (Điều 134) khó xác định quyền sở hữu của đối tượng nộp thuế với tài sản bị kê biên. Không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản đối với chi nhánh nợ thuế vì không phải là đối tượng nợ thuế.
Còn nếu cưỡng chế thì chi nhánh lại không có tài sản hay đối với các tài sản có giá trị cao phải đòi hỏi giám định chuyên môn như đồ cổ, nhưng khó giữ gìn, rủi ro khi bảo quản, khó xác định giá trị thật của tài sản thì vẫn khó áp dụng biện pháp này.