Trong phiên thảo luận chiều ngày 16/11 tại Quốc hội, Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) thẳng thắn cho biết, qua nghiên cứu luật và giám sát thực tế nhận thấy tồn tại lớn nhất của luật hiện nay về đầu tư công là chưa phân cấp đúng mức cho cấp dưới và quản lý ngân sách nhà nước phân tán.
“Cấp trên hãy dũng cảm thôi ôm, không ôm và đoạn tuyệt cái ôm để phân cấp giao quyền, giao trách nhiệm cho bên dưới. Cấp trên chỉ hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra những việc làm của cấp dưới, cấp dưới chịu trách nhiệm về việc làm của mình theo quy định pháp luật”, ông Chiểu nói.
Đồng thời vị đại biểu đoàn Nam Định cũng dẫn ra thí dụ “Phân cấp làm sao để một dự án di sản văn hóa trên 3 tỷ đồng mà một địa phương từ miền Trung xa xôi không phải ăn trực nằm chờ ngoài Hà Nội hàng năm trời mà chưa xong thủ tục đầu tư”.
Đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định). ảnh: quochoi.vn |
Trong lần này cần tập trung quản lý ngân sách nhà nước về một mối kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Do vậy, tôi nhất trí cao với những lập luận của cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến đại biểu đã phát biểu trước tôi, lần này chỉ sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư công. Nội dung phân cấp có nhiều ý kiến tham luận nên tôi tham gia nội dung cần tập trung quản lý ngân sách nhà nước về một mối.
Theo đại biểu Trần Quang Chiểu, để có Việt Nam như ngày hôm nay đã phải chi ra nhiều triệu tỷ đồng để kiến thiết, xây dựng đất nước. Tuy vậy, việc sử dụng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển vừa qua chưa đạt được kỳ vọng, chưa tương xứng với số tiền chúng ta bỏ ra.
Tổng Kiểm toán Nhà nước tranh luận thẳng thắn với Bộ trưởng Tài chính |
Trong số nhiều nguyên nhân, đại biểu Trần Quang Chiểu nhấn mạnh “nguyên nhân rất quan trọng là việc quản lý ngân sách nhà nước còn phân tán”.
Do vậy, cần đưa nhiệm vụ chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước hay gọi là đầu tư công về một bộ quản lý về ngân sách Nhà nước với các lý do sau đây:
Thứ nhất, để khắc phục tồn tại cố hữu hiện nay trong quản lý ngân sách Nhà nước.
Hiện nay ngân sách nhà nước do hai cơ quan quản lý, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ quản lý và phân bổ chi đầu tư và Bộ Tài chính quản lý phân bổ chi thường xuyên. Dẫn đến tình trạng nguồn lực phân tán chồng chéo, thiếu thống nhất trong quản lý ngân sách nhà nước.
Từ đó làm giảm hiệu quả chi ngân sách nhà nước, sử dụng ngân sách nhà nước phân tán, manh mún, xé lẻ, thiếu sự gắn kết giữa chi đầu tư và chi thường xuyên. Co kéo trong xây dựng kế hoạch giữa dự báo nguồn thu và yêu cầu chi. Thiếu thông tin cho các cấp, thông tin không kịp thời, thiếu chính xác, không rõ trách nhiệm của từng cơ quan được thể hiện ở bốn nội dung chính như sau:
Một, việc lập kế hoạch đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thiếu sự gắn kết với khả năng cân đối thu ngân sách nhà nước và khả năng vay trả nợ của đất nước. Nội dung lại do Bộ Tài chính chủ trì.
Vì vậy kế hoạch đầu tư thiếu bền vững, không có sự gắn kết với dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Kế hoạch trả nợ vay hàng năm cũng như kế hoạch tài chính chung hạn nên quản lý chi đầu tư động đến phát triển kinh tế - xã hội không phát huy được theo kỳ vọng.
Hai, việc đầu tư phải theo một quy trình đầy đủ từ chuẩn bị đầu tư, đưa dự án vào kế hoạch, triển khai thực hiện dự án, giải ngân, quyết toán, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì công trình và đánh giá hiệu quả của đầu tư.
Tuy nhiên, trong tất cả các quy trình trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ thực hiện khâu phân bổ kế hoạch, vốn đầu tư trong nước, nguồn ngân sách nhà nước, không nắm rõ hết được các quy trình khác, đặc biệt thiếu sự theo dõi sau đầu tư.
Để đánh giá và bố trí nguồn vốn cho bảo dưỡng, duy tu, vận hành công trình nên phân bổ kế hoạch đầu tư thường dàn trải, phân tán, thiếu bền vững. Tuổi thọ của các công trình thường ngắn, đầu tư đi đầu tư lại nhiều lần, gây thất thoát, lãng phí. Do vậy, không thể đánh giá một cách toàn diện và chính xác được hiệu quả của việc đầu tư.
Ba, việc phân chia quản lý dẫn đến thông tin các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chi tiêu ngân sách nhà nước là không đầy đủ. Không làm rõ được trách nhiệm của từng cơ quan trong quản lý. Đánh giá hiệu quả của nguồn vốn đầu tư, tác động các khoản này đến nợ công về đầu tư.
Bốn, chúng ta phải thấy rằng giai đoạn cách mạng sau chiến tranh chúng ta tập chung khôi phục cơ sở vật chất bị tàn phá và kiến thiết đất nước thì yêu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, ngân sách quốc gia đều tập trung cơ bản cho việc đầu tư kết cấu hạ tầng nên cần có một cơ quan riêng về quản lý nguồn vốn đầu tư nhà nước.
Đến nay, khi tỷ trọng vốn đầu tư ngân sách nhà nước giảm xuống, theo đó thì cũng không cần một cơ quan quản lý riêng vốn đầu tư phát triển mà cần tập trung vào một đầu mối.
"Hiện nay, trên thế giới có trên 170 nước và vùng lãnh thổ thì chỉ có Việt Nam là nước có 2 bộ quản lý vốn ngân sách nhà nước, trong khi quy mô nền kinh tế nhỏ, quy mô ngân sách không lớn... Việt Nam không thể một mình một kiểu.
Việc tập trung về một bộ đầu mối quản lý ngân sách nhà nước chi cho cả đầu tư và thường xuyên là yêu cầu khách quan mà đã là khách quan thì sẽ tất yếu phải đến và sớm bao nhiêu thì lợi cho đất nước bấy nhiêu", đại biểu Chiểu phân tích.