Henry Kissinger có giúp được Tập Cận Bình chống đòn trừng phạt của Donald Trump?

17/11/2018 09:35
Hồng Thủy
(GDVN) - Nhiều nhân vật cấp cao Trung Quốc không dám phản biện các kế hoạch phiêu lưu của ông Tập Cận Bình. Henrry Kissinger đã khuyên, nhưng ông không nghe.

Katsuji Nakazawar, ký giả cao cấp của Nikkei Asian Review ngày 15/11 có bài phân tích đáng chú ý về quan hệ Trung - Mỹ;

Trung Nam Hải đã thông qua cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson để nỗ lực tìm cách gỡ thế bí trong cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.

Trước một cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị G-20 ở Argentina vào cuối tháng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cánh tay phải của mình, Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn đã tìm đến những chính khách có quan hệ thân thiết với Nhà Trắng lẫn Trung Nam Hải, để tham vấn.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Zimbio.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Zimbio.

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger và cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson là những người bạn của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Họ đã viếng thăm quốc gia này tổng cộng hơn 150 lần.

Không rõ cả 2 cũng là bạn của Donald Trump hay không, tiếng nói của họ có trọng lượng với Tổng thống Mỹ hay không, nhưng sự thật là sau 2 năm tỷ phú Donald Trump giữ chức Tổng thống, Bắc Kinh vẫn chưa tìm được người dẫn đường đáng tin cậy vào Nhà Trắng.

Hậu đãi Henry Kissinger, nhưng không làm theo lời khuyên

Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger được mời đến Bắc Kinh vào giữa tháng 11 này để cho Trung Nam Hải lời khuyên, khi ông đã 95 tuổi.

Nhà ngoại giao "huyền thoại" này là nhân vật chủ chốt trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung, thực hiện chuyến công du bí mật đến Trung Quốc năm 1971 để dọn đường cho Tổng thống Richard Nixon đến thăm vào năm sau.

Các đối tác trong chuyến đi lịch sử đó, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai đều qua đời 5 năm sau chuyến thăm của Richard Nixon.

Nhưng Henry Kissinger vẫn sống thọ và vẫn đang bay vòng quanh thế giới.

Chương trình thời sự buổi tối 8/11 và 10/11 của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đưa tin chuyến thăm của Henry Kissinger, lần đầu tiên quay cảnh nói chuyện với Tập Cận Bình và sau đó là Vương Kỳ Sơn.

Sự long trọng trong cuộc họp của Vương Kỳ Sơn với Henry Kissinger nói lên tất cả. Nó được tổ chức tại Trung Nam Hải, trung tâm đầu não chính trị của Trung Quốc. 

Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henrry Kissinger, ảnh: Tân Hoa Xã.
Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henrry Kissinger, ảnh: Tân Hoa Xã.

Cuộc họp giữa Vương Kỳ Sơn với Henry Kissinger được CCTV ưu tiên phát trước thông tin bế mạc Hội chợ Triển lãm quốc tế Trung Quốc đầu tiên, diễn ra ở Thượng Hải từ 5/11 đến 10/11 mà Bắc Kinh gọi là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm.

Hai năm trước, khi Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã thỉnh Henry Kissinger đến để được tư vấn. Trước đó, ông đã gặp Donald Trump để trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế.

Sau khi đến Bắc Kinh, Henry Kissinger đã nói chuyện với cả Vương Kỳ Sơn lẫn Tập Cận Bình trong 2 ngày và khuyên họ làm thế nào để đối phó với Donald Trump.

Thông điệp của Henry Kissinger cho Trung Nam Hải là: hãy tránh đối đầu!

Kể từ đó, quan hệ Trung - Mỹ xấu đi nhanh chóng, chủ yếu là do Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã không hoàn toàn làm theo, hoặc không hiểu lời khuyên của Henry Kisinger.

Nguồn cơn cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ và nỗ lực tìm đường vào Nhà Trắng

Tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức tháng 10/2017, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố kế hoạch "Made in China 2025" và mục tiêu trở thành siêu cường vào năm 2035.

Với Trung Quốc, đó là một mục tiêu chính trị mang tính đối nội và không có ý cố tình đối đầu với Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền Donald Trump đã phản ứng rất mạnh mẽ với động thái này của Trung Quốc.

Một vài ngày trước khi Henry Kissinger đến Bắc Kinh tháng này, Bloomberg đã tổ chức một diễn đàn chuyên đề kinh doanh cao cấp ở Singapore với tên gọi Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg.

Trung Quốc nhận thấy diễn đàn này đáng được lợi dụng, nên Vương Kỳ Sơn đã bay qua Singapore để phát biểu. Rất hiếm khi ông Sơn dự một sự kiện bên ngoài Trung Quốc và do một công ty tư nhân tổ chức.

Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg, Singapore. Ảnh: FT.
Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg, Singapore. Ảnh: FT.

Ngoài bài phát biểu, ông Vương Kỳ Sơn cũng có cuộc nói chuyện với Henry Kissinger đang tham dự Diễn đàn với tư cách Chủ tịch danh dự của ban cố vấn.

Cùng tham gia sự kiện này có cựu Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson, ông cũng là cựu chủ tịch của tổ chức tài chính khổng lồ ở Mỹ, Goldman Sachs.

Henry Paulson thường xuyên đến Trung Quốc theo lời mời của Vương Kỳ Sơn.

Hai ông có mối quan hệ lâu năm, bắt đầu từ thập niên 1990 khi ông Vương Kỳ Sơn còn là Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Henry Paulson đang làm việc cho Goldman Sachs.

Sau đó, Vương Kỳ Sơn trở thành Phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách các vấn đề kinh tế, còn Henry Paulson trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ.

Cả hai đã dẫn đầu các đoàn đại biểu của họ tham gia Đối thoại Kinh tế - chiến lược Trung - Mỹ và trở thành 2 nhân vật chính trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại.

Vương Kỳ Sơn đã tiếp cận Henry Kissinger và Henry Paulson qua nhiều kênh khác nhau, vì ông coi họ làn hững nhân vật ủng hộ Trung Quốc nhất trong lĩnh vực an ninh quốc gia và tài chính.

Trong nhiều năm, ông Vương Kỳ Sơn đóng vai trò cầu nối của quan hệ Trung - Mỹ, nhưng điều này không có nghĩa là sẽ giúp ông tự tin xử lý tình huống hiện nay. Nỗ lực của ông đã trật bánh trong tháng 9.

Ông Vương Kỳ Sơn và ông Henry Paulson trong một cuộc đàm phán tại Washington năm 2008, ảnh: Nikkei Asian Review.
Ông Vương Kỳ Sơn và ông Henry Paulson trong một cuộc đàm phán tại Washington năm 2008, ảnh: Nikkei Asian Review.

Theo sáng kiến của Vương Kỳ Sơn, Trung Quốc đã mời các nhân vật có ảnh hưởng ở Phố Wall đến Bắc Kinh tham dự một diễn đàn bàn tròn tài chính Trung - Mỹ.

Động thái này nhằm gửi thông điệp tới chính quyền Donald Trump rằng họ đang cân nhắc việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tài chính Mỹ (vào thị trường Trung Quốc?). Nhưng trò chơi ngoại giao này của Bắc Kinh đã thất bại.

Chính quyền Donald Trump đã gạt cành ô liu Trung Quốc chìa ra và áp đặt một mức thuế nhập khẩu trừng phạt lần thứ 3 với các sản phẩm Trung Quốc.
Donald Trump không dừng ở vấn đề thương mại, Bắc Kinh chưa thoát được vấn đề nội tại

Trong một bài phát biểu ngày 4/10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã cho thấy một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Bắc Kinh trên nhiều phương diện khác nhau, từ an ninh tới kinh tế thương mại, từ Biển Đông, Đài Loan cho tới Tân Cương.

Kết quả là Vương Kỳ Sơn đã không thể làm gì về mặt ngoại giao sau hậu trường với Hoa Kỳ.

Giáo sư Peter Navarro, nhân vật có ảnh hưởng nhất với chính phủ Tổng thống Donald Trump về chiến tranh thương mại Trung - Mỹ, đã phản đối sự cần thiết phải hòa giải với Trung Quốc.

Giáo sư Peter Navarro là cửa ải Trung Quốc khó vượt qua, ảnh: Getty Images.
Giáo sư Peter Navarro là cửa ải Trung Quốc khó vượt qua, ảnh: Getty Images.

Ông cho rằng những gì những người kêu gọi hòa giải với Trung Quốc đang làm, là làm suy yếu Tổng thống Donald Trump và thế thượng phong trong đàm phán của ông.

Nếu có một thỏa thuận nào đó về căng thẳng thương mại Trung - Mỹ, nó phải dựa trên các điều khoản của Tổng thống Donald Trump, chứ không phải Phố Wall.

Peter Navarro nhắn nhủ các tỷ phú Phố Wall, hãy rời khỏi các cuộc đàm phán Trung - Mỹ và mang tiền đến Dayton, Ohio và đầu tư vào Mỹ.

Còn với Trung Quốc, ông Henry Paulson nói thẳng rằng vấn đề chính của Bắc Kinh là chính sách cạnh tranh bị đình trệ, tốc độ mở cửa chậm suốt 2 thập kỷ, Trung Quốc đã đánh mất động lực mạnh mẽ cải cách và mở cửa như dưới thời Chu Dung Cơ.

Hôm thứ Tư 14/11, Thời báo Tài chính cho hay, một số người tin rằng những lời nói thẳng của Henry Paulson thực sự được khuyến khích bởi các thành viên cấp cao trong chính quyền ông Tập Cận Bình.

Những người này cảm thấy Chủ tịch Trung Quốc đã quá liều lĩnh, nhưng họ quá sợ hãi để nói với ông ấy điều này.

Trung Quốc vẫn thường chỉ trích chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ, bây giờ đang phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ Phố Wall, hiện thân của chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa;

Nhưng rõ ràng Bắc Kinh không có mối quan hệ thực sự với Phố Wall, cho nên chiến lược mạo hiểm của Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn với Mỹ, có thành công hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Nguồn:

https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/China-s-risky-bet-on-Wall-Street-for-help-with-Trump

Hồng Thủy